Tu bổ lại phần mái Khải Tường Lâu - Cung An Định
25/08/2022 | 15:40Ngày 25/8, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có Quyết định phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ chính thức phi dự án "Tu bổ mái Khải Tường Lâu - Cung An Định, Huế".
Khoản viện trợ dự án do Bộ Văn hóa - Chính phủ Pháp thông qua Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tài trợ trị giá 843.424.000 đồng.
Theo đó, dự án nhằm nâng cao diện mạo khang trang, sạch đẹp của công trình, trả lại vẻ đẹp vốn có của tòa lâu đài và phát huy giá trị tổng thể di tích Cung An Định, tạo điểm nhấn tham quan du lịch kết nối với các điểm tham quan khác thuộc Quần thể Di tích Huế.
Đồng thời góp phần phục vụ rộng rãi cho cộng đồng địa phương, khách tham quan quốc tế, nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Khải Tường Lâu - Cung An Định cũng là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa Festival Huế, giao lưu văn hóa nghệ thuật hàng năm của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cụ thể, dự án khi triển khai sẽ xử lý triệt để thấm dột mái xuống công trình và hạn chế nguy cơ gây hư hỏng các bộ phận khác của công trình. Quyết định cũng nêu rõ, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ là đơn vị tiếp nhận và tổ chức triển khai thực hiện khoản viện trợ phi dự án theo quy định.
Cung An Định hiện tọa lạc tại địa chỉ 179B Phan Đình Phùng (TP Huế). Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của triều Nguyễn, mang phong cách châu Âu kết hợp trang trí truyền thống cung đình được xây dựng vào năm 1917.
Dưới triều hoàng đế Khải Định (1916-1925) và Bảo Đại (1926-1945), cung An Định là nơi tổ chức các lễ tiếp tân, lễ khánh hỷ của hoàng gia với sự tham dự của đình thần và các quan chức thuộc chính phủ Bảo hộ Pháp.
Nơi đây cũng ghi dấu một giai đoạn gia đình cựu hoàng Bảo Đại từng sinh sống sau khi nhà vua thoái vị (8/1945); đặc biệt cũng là nơi gắn bó nhiều kỷ niệm với Đức Từ Cung - vị Hoàng thái hậu cuối cùng của triều Nguyễn.
Cung An Định quay mặt về hướng nam, phía sông An Cựu. Cung có địa thế bằng phẳng, tổng diện tích mặt bằng 23.463m2, chung quanh có khuôn viên tường gạch, dày 0,5m, cao 1,8m trên có hàng rào song sắt bao bọc. Khi còn nguyên vẹn cung có khoảng 10 công trình.
Từ trước ra sau là: Bến thuyền, Cổng chính, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú, Hồ nước... trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đến nay cung chỉ còn lại 3 công trình khá nguyên vẹn là Cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.
Từ năm 2002, Cung An Định được chuyển giao cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý và trùng tu, tôn tạo để trả lại vẻ đẹp vốn có của tòa lâu đài tráng lệ đầu thế kỷ XX. Địa điểm này hiện là nơi lưu giữ gần 100 tư liệu hình ảnh, hiện vật gắn liền với giai đoạn cuối của triều Nguyễn, đặc biệt là hoàng đế Khải Định và gia đình hoàng đế Bảo Đại.