Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Truyền thông đúng hướng góp phần phát huy giá trị danh hiệu UNESCO

19/03/2024 | 16:21

Các di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận chính là những di chỉ, di tích hay danh thắng của một quốc gia có giá trị nhiều mặt, không những có tính đại diện cho quốc gia mà có tính tiêu biểu của nhân loại. Những di sản quý giá đó được UNESCO công nhận và quản lý theo quyền hạn, chức năng mà Liên Hợp quốc và các nước đã ủy quyền. Danh hiệu UNESCO là cấu thành quan trọng hình thành thương hiệu mỗi địa phương và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế-xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế.

Truyền thông đúng hướng góp phần phát huy giá trị danh hiệu UNESCO - Ảnh 1.

Các đại biểu dự hội nghị quốc tế về phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO phục vụ phát triển bền vững tại Việt Nam (tháng 7/2023) tại Ninh Bình.

Đối với tỉnh Ninh Bình, Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An có tổng diện tích khoảng 12.000ha, nằm trên địa bàn 20 xã, phường thuộc tỉnh Ninh Bình. Khu vực này được biết đến với vai trò là Kinh đô của nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ X, là Hành cung của nhà Trần chống lại quân Nguyên Mông ở thế kỷ XIII và là nơi có nhiều thắng cảnh nổi tiếng, được nhắc đến nhiều trong thơ ca từ xưa đến nay.

Ngày nay, qua các kết quả nghiên cứu, phân tích, so sánh của các chuyên gia địa chất, địa mạo, khảo cổ... ở địa phương, Trung ương và quốc tế đã khẳng định nơi đây có những giá trị độc đáo, nổi bật toàn cầu về thiên nhiên và văn hóa. Tràng An sở hữu kho tư liệu lịch sử trái đất và một dạng địa mạo riêng biệt, có đặc điểm địa chất đặc sắc, thể hiện rõ hơn bất kỳ nơi nào trên Trái Đất về các giai đoạn tiến hóa cảnh quan Karst trong môi trường nhiệt đới ẩm.

Với trên 30 di tích khảo cổ học thời tiền sử đã được phát hiện, gồm những di tích trong hang động, mái đá và trên các thềm đất cát ven chân núi, Tràng An chứa đựng kho tư liệu đồ sộ, đầy đủ, phong phú và nguyên vẹn về nhân loại thời tiền sử, thể hiện cách thức thích ứng của nhân loại trước những biến đổi lớn về môi trường địa cầu trong hàng vạn năm qua.

Đồng thời, Tràng An còn nổi bật với các giá trị văn hóa, lịch sử, nơi có con người cư trú từ hàng vạn năm trước, với các nền văn minh thời đại kim khí, văn minh Đông Sơn, nơi được lựa chọn để đặt Kinh đô Hoa Lư-Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt, Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam ở thế kỷ X, cùng với hàng trăm đền, chùa, miếu, phủ...; các công trình kiến trúc tôn giáo và tín ngưỡng hiện hữu trong các hang động, mái đá hay bên sườn núi đồng điệu cùng thiên nhiên và có kiến trúc mang tính kỹ thuật, mỹ thuật cao; các lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc mang hồn cốt văn hóa của người dân Ninh Bình nói riêng và Việt Nam nói chung.

Cùng với đó là cảnh quan thiên nhiên tuyệt sắc, nổi bật là cảnh quan tháp Karst được xem là đẹp và ngoạn mục bậc nhất thuộc loại này trên thế giới, được bao phủ bởi rừng nhiệt đới nguyên sinh, hòa trộn khéo léo và đẹp mắt với những ruộng lúa bao quanh các dòng sông, tạo ra một cảnh quan nhiều màu sắc đa dạng và luôn biến hóa.

Với những giá trị đó, Quần thể danh thắng Tràng An đã được Ủy ban Di sản thế giới UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới ngày 23/6/2014, là di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Những năm qua, việc quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An được tỉnh Ninh Bình xác định là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh.

Trên cơ sở thực hiện Kế hoạch quản lý di sản, kinh nghiệm quản lý di sản, các giải pháp, hành động cụ thể và việc thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới là cam kết mạnh mẽ của tỉnh Ninh Bình nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, tính xác thực và các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nhất là dịch vụ du lịch một cách bền vững.

Các yêu cầu, khuyến nghị của Ủy ban Di sản thế giới được thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm; các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản được tôn trọng và gìn giữ; nhận thức của chính quyền địa phương và cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của di sản được nâng lên rõ rệt. Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh; công tác xúc tiến, quảng bá, diễn giải các giá trị của di sản gắn với phát triển du lịch thường xuyên được đổi mới. Các khu, điểm du lịch trong khu di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân, thúc đẩy phát triển du lịch Ninh Bình.

Đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn di sản, sinh kế của người dân trong vùng di sản được đảm bảo. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững đã phát huy sức sống, tiềm năng và giá trị của di sản, để di sản thực sự là của cộng đồng, do cộng đồng bảo vệ và gìn giữ.

Theo PGS.TS Lê Thanh Bình, nguyên Trưởng Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại của Học viện Ngoại giao, nguyên Tham tán Công sứ, người thứ 2 của Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy, Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản hỗn hợp (cả Văn hóa và Thiên nhiên) duy nhất tại Việt Nam và Đông Nam Á, đó là một trong số ít 38 di sản hỗn hợp được UNESCO công nhận và tôn vinh.

Tuy nhiên, di sản một quốc gia được công nhận, tôn vinh chỉ là bước quan trọng có tính mở đầu, khai sáng, tiền đề, nền tảng; tiếp theo phải có các hoạt động kèm theo về chính sách quản lý nhà nước, truyền thông quảng bá di sản, xã hội hóa việc bảo tồn phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO, gắn với các mục tiêu định hướng mang tầm vóc quốc tế, tính phổ quát của nhân loại như: phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, tiến bộ, hiện đại, nhân văn, hữu nghị hợp tác, hòa bình…

Do đó, trong chính sách lớn, chiến lược dài hơi về văn hóa của nhiều nước phát triển, cần có những phần lồng ghép với truyền thông quảng bá và không đơn giản truyền thông (nội dung, hình thức, cách thông điệp) mà đi liền với đó là Marketing để làm rõ mục tiêu, hiệu quả truyền thông ngay từ bước cơ bản. Trong đó, phân luồng tài trợ chính của các tổ chức phi chính phủ, tập trung bảo tồn, quảng bá bản sắc của nền văn hóa lâu đời, nhiều điểm nhấn nổi bật nhằm truyền thông quảng bá sức hấp dẫn của nền văn hóa với việc hướng đến những giá trị chân, thiện, mỹ đã được công nhận như những chuẩn mực cổ điển. Cùng với đó là dùng công nghệ số hóa trong bảo tồn, bảo quản di sản, di tích nhằm phòng tránh, hạn chế bớt ảnh hưởng bị thời gian, môi trường tự nhiên bào mòn, phá hủy hay do các vụ tai nạn, thảm họa xảy ra…

Việc số hóa cũng tạo điều kiện lưu giữ, quảng bá nhanh, sâu rộng nhiều khía cạnh của di sản, các tạo tác, thắng cảnh, lễ hội, sinh hoạt cộng đồng và các thông tin toàn diện khác.

Tại Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới, UNESCO cũng xác định: Di sản Văn hóa và Thiên nhiên là những tài sản vô giá và không thể thay thế được, không chỉ của một dân tộc, mà còn là của nhân loại nói chung. Bất kỳ di sản nào trong số đó nếu biến mất, do xuống cấp hoặc bị hủy hoại, cũng sẽ làm nghèo đi kho tàng di sản của tất cả các dân tộc trên thế giới.

Vì thế, các cơ quan thông tin truyền thông quốc gia cần tích cực tuyên truyền, quảng bá để mọi người thống nhất nhận thức về vai trò di sản, từ đó không chỉ nhà nước mà doanh nghiệp, mọi công dân tăng cường ý thức cùng nhau tham gia vào việc đầu tư (có thể xã hội hóa một số việc hoặc toàn thể cụm di tích như tại một số công trình mang tính danh thắng ở Ninh Bình và các địa phương khác).

Các di sản văn hóa giá trị là tài sản quý báu được quan tâm, bảo tồn và phát huy, đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục lịch sử-văn hóa, vun đắp truyền thống tốt đẹp của dân tộc; góp phần xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia tốt đẹp, truyền bá các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ quan trọng của di sản văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua hoạt động truyền thông, du lịch, giao lưu văn hóa, hội thảo nghiên cứu, du học và hợp tác phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Do vậy, Nhà nước cần luôn quan tâm, có chính sách, chiến lược thích hợp đầu tư đúng, đủ, kịp thời; đào tạo được nhân lực chuyên môn giỏi (kể cả cán bộ truyền thông), bố trí người quản lý đủ tầm, tâm, tài, nhiệt huyết; cung cấp tài chính đúng công việc, theo kết quả đầu ra; thưởng phạt đúng, để các di sản nhất là di sản được UNESCO tôn vinh ngày càng phát huy vai trò trong văn hóa, kinh tế- xã hội, phát triển bền vững.

Theo Báo Ninh Bình

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×