Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

“Truyền lửa” nghề cho cầu thủ nữ: Kinh nghiệm từ người trong cuộc ( Bài 2)

06/04/2019 | 09:47

Với lứa cầu thủ cùng thời của mình, không phải ai cũng may mắn như Văn Thị Thanh (HLV đội tuyển bóng đá nữ Phong Phú Hà Nam) khi vẫn còn được theo đuổi đam mê, cống hiến với nghề. Trong những tháng ngày đi “truyền lửa” nghề cho biết bao thế hệ cầu thủ nữ, HLV Văn Thị Thanh cũng đã tích lũy cho mình rất nhiều kinh nghiệm quý.

Từ sự quan tâm của địa phương

Ngay sau khi hết tuổi thi đấu, Văn Thị Thanh may mắn được tiếp tục theo đuổi nghề bóng đá với vai trò HLV của đội tuyển bóng đá nữ Hà Nam. Có thể khẳng định, việc bố trí cho các VĐV đạt thành tích xuất sắc ở lại công tác trong ngành chính là một chính sách nhằm phát triển bền vững của thể thao tỉnh Hà Nam.

Bài 2: “Truyền lửa” nghề cho cầu thủ nữ: Kinh nghiệm từ người trong cuộc - Ảnh 1.

Tiềm năng phát triển của bóng đá nữ rất lớn khi đã 5 lần vô địch SEA Games.

Theo HLV Văn Thị Thanh, ít có tỉnh nào lại có được cơ chế chính sách phát triển bóng đá nữ thuận lợi như ở Hà Nam. Từ năm 2014, tỉnh đã có đề án phát triển thể thao thành tích cao trong đó ưu tiên phát triển bóng đá nữ. Nhờ đó, công tác đào tạo trẻ cũng được quan tâm đầu tư.

Quả bóng vàng Việt Nam 2003 cho biết: "Bóng đá nữ Hà Nam có được như ngày hôm nay chính là nhờ xác định hướng đi khá bền vững cả về chuyên môn và thương hiệu. Đầu tiên, chúng tôi chỉ thi đấu ở các giải trẻ, qua nhiều năm cố gắng mới đạt được từng giải thưởng lớn như Huy chương vàng tại Đại hội TDTT 2014 và Vô địch bóng đá nữ quốc gia 2018".

Việc xây dựng thương hiệu một cách bài bản đã giúp cho Hà Nam trở thành một lò đào tạo bóng đá nữ có uy tín đối với các tỉnh thành lân cận. Được biết, trong số khoảng 30 VĐV bóng đá nữ được Hà Nam tuyển chọn 2 năm một lần hầu như đều là người của các tỉnh như Thanh Hóa, Hà Tĩnh…

Như người chị trong gia đình

Hiện nay, bóng đá nữ Hà Nam đang đào tạo ở ba lứa tuổi đó là U14, U16 và U19. Trong 3 lứa tuổi đào tạo này, HLV Văn Thị Thanh khó khăn nhất là lựa chọn lực lượng VĐV nữ cho U14. Bởi, các em được tuyển chọn phải có độ tuổi khoảng 11, 12.

Ở lứa tuổi này, gia đình rất ngại cho con gái của họ đi xa nhà. Thương hiệu của đội bóng trong việc thuyết phục các bậc phụ huynh cho con gái họ theo đuổi nghiệp bóng đá là rất quan trọng, Cùng với đó, đến nơi ở mới các em cũng cần phải có người sẻ chia, tâm sự để vượt qua những khó khăn ban đầu.

HLV Văn Thị Thanh cho hay, chúng tôi phải xây dựng đội bóng như một ngôi nhà thứ hai để các em có thể yên tâm luyện tập. Ngoài nhiệm vụ là HLV dạy về chuyên môn bóng đá, chúng tôi còn phải đóng vai trò như một người anh, người chị trong gia đình để dạy dỗ thêm các em về văn hóa và cách ứng xử.

"Ngày trước, có trường hợp VĐV đã trúng tuyển vào đội bóng nhưng sau đó lại vi phạm kỷ luật bị đuổi. Khi quay trở lại địa phương lại có những lời nói không đúng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyển chọn lực lượng của đội bóng một thời gian dài. Sau lần đó, chúng tôi cũng rút ra được bài học rất kinh nghiệm về việc phải giáo dục cả chuyên môn lẫn đạo đức của các VĐV trẻ" – HLV Văn Thị Thanh nói.

Cần có một Trung tâm đào tạo bóng đá nữ trẻ

Tính đến thời điểm này, bóng đá nữ Việt Nam đã giành được 5 huy chương vàng tại SEA Games. HLV Văn Thị Thanh nhận định: "Nếu chúng ta đầu tư bài bản hơn, chắc chắn bóng đá nữ Việt Nam không chỉ dừng lại ở đấu trường khu vực mà còn có thể tiến xa hơn nữa ở cấp châu lục".

Nói về ý tưởng này, HLV Văn Thị Thanh cho rằng việc thành lập một trung tâm đào tạo bóng đá nữ trẻ ở thời điểm này là phù hợp để tìm kiếm nhân tài cho đội tuyển nữ quốc gia. Khi thành lập ra Trung tâm đào tạo trẻ được đầu tư quy mô, bài bản thì chất lượng cầu thủ nữ sẽ tốt hơn hiện nay rất nhiều.

"Hiện nay, hầu như công tác tuyển chọn cầu thủ nữ chỉ dựa trên kinh nghiệm của các HLV chứ không hề có một quy chuẩn nào nhất định. Tôi nghĩ rằng, cần có các chuyên gia, HLV nước ngoài tham gia vào công tác đào tạo trẻ bóng đá nữ ở Việt Nam" – HLV Văn Thị Thanh chia sẻ.

Cũng theo HLV này: "Tôi cũng đã từng làm việc với nhiều vị HVL, chuyên gia nước ngoài. Họ làm việc rất bài bản từ thời gian ăn uống, tập luyện nghỉ ngơi. Nếu để những người có chuyên môn thực sự về đào tạo trẻ huấn luyện cho các em ở lứa tuổi U11, U12 chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra được lứa cầu thủ có chất lượng tốt hơn rất nhiều".

Bảo Trân

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×