Trưng bày trên 500 tài liệu, hiện vật, hình ảnh về gốm Chu Đậu
15/11/2019 | 20:09Trưng bày giúp người xem hiểu rõ nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của gốm Chu Đậu trong dòng chảy lịch sử gốm Việt và thêm trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc.
Ngày 15/11, Bảo tàng tỉnh Hải Dương và Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu đã Khai mạc trưng bày chuyên đề "Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam."
Ban tổ chức đã giới thiệu trên 500 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được sưu tầm, chọn lọc từ nhiều lần khai quật tại di tích gốm Chu Đậu thuộc xã Thái Tân; gốm Mỹ Xá, xã Minh Tân (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) và những hiện vật gốm được trục vớt từ con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam).
Các hiện vật gốm đa dạng và phong phú gồm bình, lọ, bát, đĩa, ấm, chén… với những họa tiết hoa văn được vẽ thủ công tinh xảo như hoa cúc dây, hoa phù dung, hoa sen, hoa văn thiên nga, chim chích chòe, các loài thủy sản như tôm, cua, cá.
Các hiện vật cũng cho thấy sự phong phú về màu men gốm như màu men trắng ngà hoa lam, men trắng trong, vàng nhạt, xanh lục, tam thái.
Di tích gốm Chu Đậu-Mỹ Xá là một dải gốm nằm ven sông Thái Bình có cùng niên đại nhưng do thôn Chu Đậu là điểm phát hiện đầu tiên nên các nhà khoa học gọi chung là gốm Chu Đậu.
Di tích được phát hiện vào năm 1983 và khai quật vào năm 1986. Kết quả khảo cổ học đã khẳng định tồn tại một làng gốm cổ tại Chu Đậu ở thời Lê vào thế kỷ XV-XVI.
Từ năm 1986 đến nay, Bảo tàng tỉnh Hải Dương phối hợp với các cơ quan chuyên môn đã tiến hành 9 cuộc khai quật khảo cổ tại Chu Đậu và Mỹ Xá. Các nhà khoa học đã xác định phạm vi phân bố di tích khoảng 70.000m2, chủ yếu thuộc xã Thái Tân và Minh Tân (huyện Nam Sách).
Các cuộc khảo cổ tại di tích cùng với việc trục vớt con tàu đắm ở Cù Lao Chàm thu được hàng vạn hiện vật gốm cho thấy Chu Đậu là một trung tâm sản xuất gốm sứ cao cấp phát triển rực rỡ vào thế kỷ XV-XVI và là nơi hội tụ, tiếp thu tinh hoa của nhiều dòng gốm.
Từ đây, nhiều sản phẩm gốm chất lượng đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia và có mặt tại nhiều nước trên thế giới.
Do thăng trầm lịch sử, các lò gốm tại Chu Đậu-Mỹ Xá ngừng hoạt động và làng nghề gốm bị mai một từ 4 thế kỷ trước.
Đến năm 2001, Công ty Sản xuất dịch vụ và Xuất nhập khẩu Nam Hà Nội đã thành lập Xí nghiệp gốm Chu Đậu, nay là Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu với mong muốn làm hồi sinh nghề gốm ở Chu Đậu.
Ngày nay, các sản phẩm gốm Chu Đậu được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống, bên cạnh men trắng vẽ lam, hiện nay gốm Chu Đậu có thêm sản phẩm gốm vẽ vàng kim.
Đến với không gian trưng bày "Gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt Nam," công chúng, đặc biệt là những người yêu cổ vật có cơ hội hiểu thêm về nguồn gốc, lịch sử hình thành và phát triển của gốm Chu Đậu trong dòng chảy lịch sử gốm Việt và thêm trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc.
Cũng dịp này, đại diện lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã trao Quyết định của Ủy ban Nhân dân tỉnh xếp hạng Bảo tàng tỉnh Hải Dương là bảo tàng hạng 2./.