Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- những bằng chứng lịch sử và pháp lý"
06/08/2020 | 18:28Tổ chức hiệu quả, an toàn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân; Trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam- những bằng chứng lịch sử và pháp lý"; Hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản văn hóa được triển khai hiệu quả là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc.
Ninh Bình: Ngày 5/8, tại thị trấn Bình Minh, UBND huyện Kim Sơn phối hợp với Bảo tàng Ninh Bình, Sở Văn hóa và Thể thao đã tổ chức khai mạc triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử và pháp lý".
Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu "Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý" tại huyện Kim Sơn lần này đã giới thiệu 125 tư liệu là các tài liệu, bản đồ, hình ảnh và hiện vật, được sắp xếp theo chủ đề gồm 6 phần: Đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về vấn đề biển Đông; Tài liệu, thư tịch cổ về Hoàng Sa, Trường Sa; Châu bản thời Nguyễn; Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ cổ Việt Nam; Hoàng Sa, Trường Sa trên tư liệu, bản đồ phương Tây và Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển, đảo Việt Nam…
Các tư liệu, hình ảnh thể hiện tính pháp lý, tính sở hữu Nhà nước của Việt Nam với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách chân thực, khách quan.
Triển lãm sẽ mở cửa đón khách tham quan trong 5 ngày. Đây là một trong những sự kiện quan trọng, thiết thực nhằm đưa thông tin tuyên truyền về biển, đảo đến trực tiếp với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện.
Qua đó, góp phần giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hà Nội: Trong tháng 7/2020, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã kiểm tra 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, dịch vụ thể dục thể thao và quảng cáo; lập biên bản VPHC và ra Quyết định xử phạt VPHC 21 trường hợp, tháo dỡ 3.500 băng rôn vi phạm.
Thực hiện nhiệm vụ công tác tháng 7, Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức hiệu quả, an toàn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân, kích cầu du lịch: Các hoạt động kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh liệt sỹ; 46 buổi biểu diễn nghệ thuật do các Nhà hát thuộc Thành phố tổ chức; 45 buổi chiếu phim, 21 chương trình biểu diễn nghệ thuật của các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức trên địa bàn Thành phố; 07 sự kiện tại khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (trong đó có 01 sự kiện quốc tế); đón tiếp gần 78.000 lượt khách tham quan tại 03 di tích do Sở trực tiếp quản lý (Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Nhà tù Hỏa Lò; đền Ngọc Sơn).
Công tác chuẩn bị tổ chức hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô 05 tháng cuối năm 2020 được chủ động triển khai thực hiện: Tham mưu Ban cán sự đảng UBND Thành phố trình Thường trực Thành ủy Kế hoạch tổ chức chuỗi các hoạt động, sự kiện từ tháng 8 đến tháng 12/2020; Kế hoạch tổ chức Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, Đại hội Thi đua yêu nước Thành phố giai đoạn 2020 – 2025; tham mưu, dự thảo Kế hoạch của UBND Thành phố về tổ chức các hoạt động chào mừng và chào mừng thành công Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII.
Các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở đã chủ động, tích cực nghiên cứu các giải pháp để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tại đơn vị, khắc phục những khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, điển hình: Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức thành công khai mạc chương trình trình trải nghiệm "Đêm thiêng liêng – Sáng ngời tinh thần Việt", Ban Quản lý Di tích danh thắng Hà Nội tăng thời gian mở cửa di tích đền Ngọc Sơn đón khách tham quan, du lịch vào các ngày cuối tuần.
Bên cạnh đó, Sở phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND Thành phố về công tác đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn trên địa bàn Thành phố trong năm 2020. Triển khai công tác thiết kế tổng thể trang trí Con đường gốm sứ Hà Nội.
Thực hiện dự án Bảo tàng Hà Nội: Hoàn thành công tác thiết kế kỹ thuật tầng 2, 3; triển khai khu trưng bày mẫu tại tầng 2 Bảo tàng Hà Nội. Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu, trình UBND Thành phố về điều chỉnh kế hoạch thầu.
Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao đã kiểm tra 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, dịch vụ thể dục thể thao và quảng cáo; lập biên bản VPHC và ra Quyết định xử phạt VPHC 21 trường hợp, tháo dỡ 3.500 băng rôn vi phạm.Vĩnh Phúc: Trong 5 năm qua, công tác quản lý và hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị Di sản văn hóa trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai thực hiện và đạt được kết quả quan trọng.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quan tâm, chú trọng việc lập quy hoạch, lập dự án đầu tư tu bổ các di tích, cụm di tích trọng điểm như: Khu quần thể di tích - danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo); Đình Tiên Hường thuộc cụm di tích Đình Hương Canh (Bình Xuyên); di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bình Sơn (Sông Lô), đình Thổ Tang (Vĩnh Tường). Xây dựng hồ sơ di sản quốc gia Lễ hội đền Ngự Dội (Vĩnh Tường).
Bên cạnh đó, tập trung điều tra nghiên cứu lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể: Năm 2015, tổ chức Lễ công bố và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trò chơi Kéo co (Kéo Song) thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên). Triển khai đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghi lễ cấp sắc của đồng bào dân tộc Dao ở Lãng Công và hát Trống quân Đức Bác (Sông Lô); Lễ hội Tây Thiên và tín ngưỡng thờ Quốc Mẫu Tây Thiên (Tam Đảo).
Trong năm 2019, tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Tháp gốm men chùa Trò là bảo vật Quốc gia và khai mạc trưng bày chuyên đề "Di sản văn hóa thời Lý - Trần trên đất Vĩnh Phúc".
Đặc biết, trong năm 2020, Sở VHTTDL đã phối hợp với UBND huyện Tam Đảo tổ chức thành công Lễ dâng hương tưởng niệm ngày giỗ Quốc mẫu Tây Thiên và đón nhận Quyết định công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Công tác bảo vệ, tôn tạo di tích Lịch sử văn hóa được các địa phương quan tâm, gắn trách nhiệm mỗi người dân cùng Nhà nước thực hiện có hiệu quả, ngăn chặn hiện tượng mất cắp cổ vật trong các di tích lịch sử văn hóa.