Triển lãm 250 hình ảnh, hiện vật "Họ Hồ ở miền Tây Thừa Thiên Huế"
17/05/2019 | 15:49Triển lãm "Họ Hồ ở miền Tây Thừa Thiên Huế - Lịch sử và Nhân chứng" đã giới thiệu hơn 250 hình ảnh, tư liệu, hiện vật chủ yếu xoay quanh những câu chuyện cảm động về tình cảm của Bác Hồ với các dân tộc miền Tây Thừa Thiên Huế.
Ngày 17/5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP Huế) đã khai mạc triển lãm "Họ Hồ ở miền Tây Thừa Thiên Huế - Lịch sử và Nhân chứng". Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2019) và hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày đồng bào các dân tộc miền Tây Thừa Thiên - Huế mang họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2019).
Triển lãm "Họ Hồ ở miền Tây Thừa Thiên Huế - Lịch sử và Nhân chứng" đã giới thiệu hơn 250 hình ảnh, tư liệu, hiện vật, tập trung vào ba nội dung chính, gồm: Các dân tộc ở miền Tây Thừa Thiên Huế; Họ Hồ ở miền Tây Thừa Thiên Huế; Lịch sử và nhân chứng và trên quê hương những người mang họ Bác Hồ.
Không gian triển lãm "Họ Hồ ở miền Tây Thừa Thiên Huế - Lịch sử và Nhân chứng".
Các hiện vật trưng bày tại triển lãm hầu hết là những hiện vật gốc được Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế dày công sưu tầm và những nhân chứng lịch sử từ hai huyện miền núi Nam Đông, A Lưới đã trao tặng cho Bảo tàng trong hơn 20 năm qua. Mỗi hiện vật đều chứa đựng những câu chuyện xúc động về tình cảm của Bác Hồ dành cho đồng bào cũng như tình cảm của đồng bào các dân tộc với Bác Hồ, trong đó có nhiều hiện vật gốc do Bác Hồ đã tặng những người con kiên trung là đồng bào dân tộc đã được Bác gặp.
Ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế cho biết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến đồng bào các dân tộc, ngoài việc gặp gỡ, trò chuyện, động viên trực tiếp, những người con miền Tây Thừa Thiên Huế được ra thăm miền Bắc, Người còn gửi thư, kỷ vật từ miền Bắc vào để động viên tinh thần, hỗ trợ người dân miền Tây Thừa Thiên Huế lao động sản xuất, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, với niềm tôn kính, trân trọng những tình cảm thiêng liêng của lãnh tụ Hồ Chí Minh dành cho họ. Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, bằng niềm thương tiếc vô hạn, đồng bào miền Tây Thừa Thiên Huế đã đồng loạt nhận họ Hồ của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm họ của mình.
Triển lãm thu hút sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân.
"Triển lãm sẽ lan tỏa những giá trị nhân văn qua những câu chuyện lịch sử cảm động và sâu sắc để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt nhiều thành tựu trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong giai đoạn hiện nay", ông Hải cho biết thêm.
Được biết triển lãm sẽ kéo dài từ ngày 17/5 đến hết ngày 20/8/2019.
Một số hình ảnh được Báo điện tử Tổ Quốc ghi nhận tại triển lãm:
Tấm vải nâu của ông Quỳnh Khòm (thôn A Đeeng, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới) nhận được vào năm 1963, theo chủ trương của Đảng, của Bác Hồ gửi tặng. Ông Quỳnh Khòm lúc đó là Chủ tịch Mặt trận xã Bắc Sơn, kiêm trưởng ban nuôi quân đã không may áo quần mà trân trọng cất giữ để làm kỷ niệm.
Xà lẹc - dụng cụ gùi cõng, kỷ vật gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Hồ Văn Lai, một cán bộ dân tộc Cơ Tu ở thôn Gabin, xã Hương Hữu, huyện Nam Đông. Năm 1959, ông Lai là một trong những già làng trưởng bản được ra thăm miền Bắc và gặp Bác Hồ.