Tri ân "những hạt giống đỏ" của cách mạng Việt Nam
19/12/2023 | 16:09Ngày 19/12, hưởng đến kỷ niệm 65 năm ra đời tác phẩm "Đạo đức cách mạng" của Chủ tịch Hồ Chí Minh (12/1958-12/2023) và kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024), Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức trưng bày chuyên đề: "Những hạt giống đỏ".
Trưng bày được tổ chức nhằm giúp công chúng tiếp cận với những kỷ vật, tài liệu gốc cùng tư liệu, hình ảnh quý giá hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng nói về Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những cán bộ đầu tiên được Bác Hồ ươm mầm, gieo trồng, đào tạo; về khí phách của những người cộng sản đấu tranh trong nhà tù thực dân – những hạt giống đỏ đầu tiên đã hi sinh xương máu cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ: Hội nghị thành lập Đảng được tổ chức từ ngày 6/1/1930 đến ngày 7/2/1930 tại Hương Cảng dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng thống nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là một mốc lớn đánh dấu bước ngoặt trọng đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài mấy chục năm.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với vai trò và sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Người đã lựa chọn, ươm mầm những hạt giống đỏ - thế hệ những người cộng sản đầu tiên cho cách mạng Việt Nam, tạo tiền đề cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930). Những chiến sĩ cộng sản kiên trung thế hệ đầu tiên đó đã chiến đấu, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, lãnh đạo Nhân dân tiến hành thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; là nhân tố quan trọng thúc đẩy hoàn thành sự nghiệp đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, đổi mới và hội nhập quốc tế.
Trưng bày gồm hơn 100 tài liệu, hiện vật và nhiều hình ảnh tư liệu quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những cán bộ đầu tiên được Bác Hồ ươm mầm, gieo trồng, đào tạo và những chiến sĩ cách mạng đấu tranh trong nhà tù thực dân, đế quốc.
Nội dung trưng bày gồm 2 phần: Phần 1: Người ươm mầm những hạt giống đỏ, giới thiệu vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh với việc đào tạo, ươm mầm những hạt giống đỏ cho cách mạng Việt Nam thông qua tác phẩm cuốn Đường Kách mệnh (Bảo vật quốc gia); các khóa đào tạo huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc); những hình ảnh, tài liệu, hiện vật và câu chuyện về đội ngũ thế hệ cán bộ cách mạng Việt Nam đầu tiên.
Phần 2: Khí phách người Cộng sản, giới thiệu tài liệu, hiện vật, hình ảnh về sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3/2/1930 gắn với vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng những hạt giống đỏ đầu tiên – học trò xuất sắc của Người.
Cùng với đó là những kỷ vật, tác phẩm, tài liệu chính trị, câu trích, câu nói nổi tiếng đầy khí phách của những chiến sĩ cách mạng trong nhà tù thực dân, đế quốc. Mặc dù trong điều kiện giam giữ vô cùng khắc nghiệt, bị tra tấn tàn bạo nhưng với khẩu hiệu "Biến nhà tù thành trường học cách mạng", tại nơi tù ngục này, các Đảng viên đã bí mật thành lập Chi bộ Đảng. Những cán bộ của Đảng đã cùng nhau trao đổi, biên soạn tài liệu lý luận chính trị, tổ chức các lớp học văn hóa, lý luận, trau dồi chủ nghĩa Mác Lênin… góp phần quan trọng cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc sau này.
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Nguyễn Thị Thu Hoan cho biết: "Điểm nhấn trong trưng bày chính là tinh thần "Biến nhà tù thành trường học cách mạng", nhấn mạnh tinh thần cộng sản, khí phách của chiến sĩ cộng sản được phát triển, thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong điều kiện khắc nghiệt đó, bằng chứng là có rất nhiều tác phẩm tiêu biểu được ra đời trong thời kỳ này".
"Thông qua trưng bày "Những hạt giống đỏ", chúng tôi mong muốn góp phần tuyên truyền tới đông đảo các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về những cống hiến to lớn của lớp thành niên trong những năm tháng đầu tiên của cách mạng vô sản Việt Nam. Qua đó thể hiện sự tri ân đối với thế hệ cha anh đã không quản hi sinh xương máu cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, góp phần khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào về lịch sử dân tộc, quyết tâm học tập, rèn luyện đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ và dựng xây đất nước hôm nay" – bà Nguyễn Thị Thu Hoan nhấn mạnh.
Từng là người lính bị địch bắt và tra tấn, Phó Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày Nguyễn Tiến Mộ bày tỏ: "Khi đến tham quan khu trưng bày, nhìn lại những hình ảnh cũ, tôi vô cùng xúc động và nhớ về các đồng đội của mình. Lúc đó, khổ cực và đau đớn nhưng chúng tôi đã luôn động viên nhau để vượt qua. Vậy nên, tôi nghĩ trưng bày lần này có ý nghĩa rất lớn, sẽ giúp cho thế hệ trẻ nhìn lại những năm tháng vất vả của những người chiến sĩ, hiểu hơn về sự hy sinh không quản tính mạng của cha ông ta để mang lại cuộc sống tự do cho hôm nay. Qua đó, thế hệ sau sẽ có nhiều tấm gương để noi theo, cố gắng học tập, rèn luyện bản thân để phụng sự đất nước".
Trưng bày chuyên đề "Những hạt giống đỏ" mở cửa đến tháng 3/2024./.