"Tre già măng mọc" gìn giữ, lan tỏa tình yêu nghệ thuật Chèo
12/10/2022 | 08:09Sự tham gia sôi nổi của các nhà hát, đơn vị nghệ thuật tại Liên hoan Chèo toàn quốc hứa hẹn đem đến cơ hội cho khán giả thưởng thức nghệ thuật Chèo mà còn là dịp để các nghệ sĩ Chèo hội ngộ, so tài, cùng tiếp tục gìn giữ, lan tỏa tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa đồng bằng Bắc bộ.
Giữ lửa tinh túy nghệ thuật Chèo
Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD)- Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTTDL tỉnh Hà Nam tổ chức sẽ diễn ra từ 12 - 28/10 tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. 16 đơn vị nghệ thuật Chèo trên cả nước sẽ tham gia liên hoan lần này với 27 vở diễn.
Khán giả Hà Nam sẽ có hơn 2 tuần lễ sống trong không khí của nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp với những tác phẩm đặc sắc được biểu diễn vào các buổi sáng và tối tại Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam.
Với tiêu chí không hạn chế đề tài, Liên hoan đã tạo sự đa dạng cho các vở diễn tham dự. Bên cạnh đó, BTC cũng khuyến khích các tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế".
Để đảm bảo yếu tố mới, hấp dẫn, Liên hoan cũng quy định, những vở diễn tham gia Liên hoan phải đảm bảo các điều kiện: được dàn dựng từ năm 2017 đến nay hoặc được phục dựng với ê kíp sáng tạo mới nhưng đơn vị chưa tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ VHTTDL, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và địa phương tổ chức. Thời lượng các vở diễn từ 90 đến 150 phút (không kể thời gian giải lao, nếu có); các vở diễn có nội dung đi ngược chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, xâm phạm đời tư của các cá nhân sẽ không được tham gia.
Trong 27 vở diễn tham dự Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022 có gần 40% các vở diễn có đề tài có tính tiết chế tinh thần mới và 60% giữ vững giá trị nghệ thuật chèo truyền thống. Nhiều vở diễn đề cập đến nhân vật, sự kiện lịch sử của dân tộc.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông: Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, các chương trình văn hóa, giải trí ngập tràn trên internet, trên sóng truyền hình khiến cho nghệ thuật truyền thống nói chung, nghệ thuật Chèo nói riêng bị lấn át, có nguy cơ mai một nếu không có định hướng phát triển phù hợp. Để Chèo đến gần hơn với công chúng, được khán thính giả yêu thích, việc giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật Chèo là cả một vấn đề nan giải. Với những cố gắng, nỗ lực, làng Chèo Việt Nam mong muốn và hy vọng sẽ làm cho công chúng ngày càng biết đến và yêu Chèo nhiều hơn.
NSƯT Trần Ly Ly- Quyền Cục trưởng Cục NTBD cho biết: "Quy chế chấm, xét giải liên hoan cũng nêu rõ không có ranh giới về đề tài, một trong những tiêu chí để xét giải thưởng đối với vở diễn đó là đề cao cái đẹp và giá trị nhân văn, mang tính dự báo, có tác động tích cực tới đời sống xã hội, nhận thức của khán giả yêu nghệ thuật và mọi tầng lớp nhân dân. Dẫu là tác phẩm khai thác đề tài lịch sử, dân gian, dã sử hay hiện đại thì mấu chốt vẫn phải mang tới những thông điệp tích cực, có ý nghĩa đối với đời sống xã hội hôm nay".
Cũng theo bà Trần Ly Ly, song song với chủ đề tư tưởng nội dung thì các vở diễn phải bám sát được yêu cầu về nghệ thuật và hình thức thể hiện. Hội đồng nghệ thuật sẽ không chấm điểm, xét giải đối với các vở diễn phá vỡ nguyên tắc, đặc trưng của loại hình nghệ thuật Chèo.
"Tác phẩm đạt tính thẩm mỹ cao về hình tượng nghệ thuật và giá trị nhân văn, khắc họa rõ nét đặc trưng của loại hình nghệ thuật Chèo. Hội đồng nghệ thuật của Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 đều là những nhà chuyên môn có uy tín trong ngành, tầm ảnh hưởng về phẩm chất và tài năng cùng những đóng góp cho sự nghiệp phát triển của ngành nghệ thuật biểu diễn của xã hội là điều mà chúng tôi cân nhắc rất kỹ lưỡng khi mời"- Quyền Cục trưởng Trần Ly Ly cho biết.
Hứa hẹn những nhân tố mới
Đến với Liên hoan lần này, có nhiều tên tuổi của ngành sân khấu, đặc biệt là sân khấu Chèo. Có thể kể đến những cái tên như: NSND Lê Hùng đạo diễn vở "Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm" (Nhà hát Chèo Thái Bình)- kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện, chuyển thể của tác giả Lê Thế Song. Vở diễn được dàn dựng dựa trên tư liệu lịch sử có thật về nhân vật lịch sử Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm (1875-1929), người con ưu tú của quê hương xã Văn Cẩm huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông là người có tư chất đặc biệt thông minh với tài sáng tác thơ phú, làm câu đối ứng khẩu, chẩn bệnh cứu người và cũng là người đóng góp to lớn trong phong trào yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc.
NSND Thanh Ngoan- Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam dàn dựng vở "Hồng Hà nữ sĩ", kịch bản của tác giả Trần Đình Ngôn (Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, cây đại thụ của làng Chèo). Đây là tác phẩm nói về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm với những áng thơ bất hủ.
NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam làm đạo diễn vở "Những vì sao không tắt" (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hà Nam) là câu chuyện về huyền thoại 10 nữ dân quân Lam Hạ (Phủ Lý, Hà Nam) đã anh dũng hy sinh ngay trên mâm pháo trong trận chiến ác liệt năm xưa, đến hôm nay họ vẫn trong tâm trí người dân Lam Hạ và được tưởng nhớ như "Những vì sao không tắt".
Bên cạnh những nghệ sĩ, đạo diễn gạo cội, tài năng thì cũng có những nhân tố mới, những người trẻ, chưa từng tham gia xét giải. Sự xuất hiện của rất nhiều gương mặt trẻ dưới 35 tuổi, được coi là thế hệ “tre già măng mọc” đan xen kết nối giữa các thế hệ, tín hiệu tốt cho nghệ thuật Chèo truyền thống tiếp tục được trao truyền, gìn giữ và phát huy.
Bà Trần Ly Ly cho biết: "Chúng tôi muốn có nhân tố mới để mở rộng sự nhìn nhận của giám khảo hơn. Tất nhiên, hội đồng nghệ thuật đều thống nhất sáng tạo của các thành phần tham gia vở diễn phải có tính thống nhất, tạo nên vở diễn hoàn chỉnh và đồng nhất phong cách. Chắc chắn sẽ không trao giải cho những vở diễn theo xu hướng "kịch cắm chèo" hay những vở diễn cách tân sai lệch với đặc trưng của loại hình nghệ thuật chèo. Tôi tin vào sự thẩm định của Hội đồng nghệ thuật ở các đơn vị nghệ thuật cũng như của các Sở VHTTDL, Sở VHTT… Hơn thế, đã tới một cuộc thi nghệ thuật của ngành Chèo, bản thân các đơn vị nghệ thuật sẽ phải ý thức về trách nhiệm để làm Chèo cho ra Chèo"./.