Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trao giải cuộc thi tìm hiểu “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng”

05/10/2010 | 09:43

(VP)- Sáng 4/10, Lễ Tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu “Thăng Long-Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng” đã được tổ chức trang trọng tại Nhà hát lớn, Hà Nội.

Tới dự có: ông Nguyễn Bắc Son, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi; bà Ngô Thị Doãn Thanh – Chủ tịch HĐND Thành phố Hà Nội; ông Hồ Anh Tuấn- Thứ trưởng Bộ VHTTDL; bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; ông Hồ Quang Lợi – Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; ông Tô Quang Phán – Tổng biên tập Báo Hà Nội mới;  cùng đại diện các ban, ngành của Trung ương và Hà Nội.

Cuộc thi tìm hiểu “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng” do Ban chỉ đạo các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND Thành phố Hà Nội, Báo Hà Nội mới phối hợp tổ chức.  


Ông Nguyễn Bắc Son phát biểu tại lễ trao giải

Tổng kết về cuộc thi, ông Nguyễn Bắc Son, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, sau 10 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia sôi nổi của nhân dân cả nước. Với 69 đầu mối đơn vị, BTC đã nhận được 3.273.479 bài dự thi. Nhiều bài thi được trình bày rất công phu, sưu tầm tài liệu, tranh, ảnh sinh động bằng các chất liệu độc đáo; hoặc nhiều bài có sự đầu tư sâu về trí tuệ phần nội dung và cách trình bày rất sáng tạo. Trong đó, có nhiều bài dự thi cung cấp thêm các tư liệu quý, nhiều minh họa, thông tin lý giải, dẫn chứng phong phú, sinh động để làm rõ cả câu hỏi lẫn câu trả lời.  

Qua 3 vòng chấm, từ 5.818 bài dự thi cấp Quốc gia được các ban chỉ đạo và Ban tổ chức 69 tỉnh, thành phố và tương đương gửi về, Ban chấm thi đã lựa chọn ra 230 bài dự thi vào vùng chung khảo, từ đó chọn ra 84 bài thi xuất sắc nhất để trao 1 Giải Đặc biệt, 3 giải Nhất, 10 giải Nhì, 20 giải Ba và 50 giải Khuyến khích cho các cá nhân.  


Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn trao giải cho những tập thể xuất sắc

Ban chỉ đạo và Ban chấm thi cũng quyết định trao 1 giải Đặc biệt, 3 giải Nhất, 5 giải Nhì, 10 giải Ba và 20 giải Khuyến khích cho các tập thể triển khai cuộc thi hoành tráng, đạt hiệu quả cao.  

Ngoài ra, 8 cá nhân đặc biệt đã để lại ấn tượng sâu sắc khi tham gia cuộc thi cũng đã được nhận giải. Đây là những tác giả, tác phẩm tiêu biểu, thể hiện sâu sắc tình yêu với Thăng Long - Hà Nội, kết tinh trí tuệ và tấm lòng của đồng bào cả nước dành cho Thủ đô yêu dấu. Được biết, những bài dự thi đạt giải cao, bài dự thi có hình thức thể hiện độc đáo sẽ được trưng bày, giới thiệu để công chúng cả nước thưởng thức tại các địa chỉ văn hóa danh tiếng của Thủ đô như: Bảo tàng Hà Nội, Thư viện Hà Nội, Nhà hát lớn - coi đây như một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu của Thủ đô thời hiện đại để lại dấu ấn tới mai sau.  

Đặc biệt cuộc thi có những bài thi ấn tượng như: Bài dự thi in trên hình Rồng cao 2.2m, dài 28m của Đoàn Thanh niên Công ty Cavico Việt Nam; Bài dự thi in trên khổ giấy A0 của Đoàn cơ sở Trung đoàn BB38, Quân khu V; Bài dự thi được trình bày bằng vật liệu mika, giấy dó với kiểu chữ thư pháp của Cung thiếu nhi Hà Nội.


Trao tặng những cá nhân đoạt giải tại cuộc thi

Cuộc thi còn thu hút sự tham gia của một số nhân vật đặc biệt, vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, địa lý… như bài dự thi của ông Steven người Canada trình bày trên 5 chiếc nón lá; em Nguyễn Duy Khánh, 9 tuổi, học sinh khiếm thị Trường Nguyễn Đình Chiểu làm bài dự thi bằng chữ nổi; bạn Nguyễn Thị Xiêm, vô địch bóng bàn toàn quốc dành cho người khuyết tật; bạn Nguyễn Thị Linh ở Đăk Lăk làm bài dự thi bằng tiếng Việt và tiếng dân tộc; bạn Dư Thu Trang, du học sinh tại Cộng hòa Pháp; Đại úy Nguyễn Tất Thắng, Phó Bí thư đoàn.    

Một số tác giả có bài dự thi ấn tượng:

Người dự thi cao tuổi nhất: Cụ Vũ Duy Bính, 100 tuổi ở Hà Nội.

Người dự thi nhỏ tuổi nhất: em Ngô Hoàng Khánh Văn, lớp 2E trường Tiểu học Mai Động, Hà Nội.

Bài dự thi có số lượng trang dày nhất là 1.261 trang và được chia thành 5 tập của tác giả Châu Hồng Tâm, Bình Định.

HCTC

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×