Trải nghiệm - hướng đi kích cầu du lịch tại tỉnh Đắk Lắk
10/05/2022 | 14:46Cùng với việc xây dựng, thiết kế các sản phẩm du lịch trải nghiệm, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đang đầu tư, xây các hạng mục lưu trú thoáng đãng.
Sau 2 năm ảnh hưởng do dịch COVID-19, ngành du lịch Đắk Lắk đang nỗ lực phục hồi bằng nhiều giải pháp như làm mới và đa dạng sản phẩm du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.
Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển du lịch trải nghiệm nhằm tận dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có, đáp ứng nhu cầu của du khách sau đại dịch.
Khai thác lợi thế địa hình
Đắk Lắk được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan đẹp, đa dạng với những đồi núi xen kẽ bình nguyên và thung lũng, cùng hệ thống thác ghềnh hùng vĩ. Tỉnh còn có những hồ chứa nước lớn, hệ sinh thái đa dạng đặc trưng của các vườn quốc gia, khu bảo tồn, rừng đặc dụng và các dòng sông lớn. Đây là lợi thế để tỉnh xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Cụm thác Gia Long-Dray Nur-Dray Sáp nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 25km về phía Nam. Khai thác hệ thống thác, núi, sông xung quanh cụm thác này, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Du lịch Trung Nguyên Healing đã xây dựng tour du lịch trải nghiệm gồm nhiều hoạt động như đạp xe từ thác Dray Nur qua thác Gia Long, chèo thuyền trên sông Sêrêpôk, đi xe công nông xuyên rừng, cắm lều và đốt lửa trại, ngắm bình minh trên đỉnh núi Gia Long.
Xuyên suốt tour, du khách còn được tham quan, tìm hiểu đời sống và văn hóa của người Ê Đê, người M'nông với những ngôi nhà dài, cách trồng và chăm sóc cây cà phê, cây hồ tiêu. Trong hoạt động chèo thuyền trên sông Sêrêpôk, du khách còn được tắm dưới làn nước đổ từ trên cao xuống, thưởng thức khoai lang nướng, bắp nướng cùng nước chè xanh. Với những đoạn có dòng thác cao, nước chảy xiết, du khách dừng việc chèo thuyền, đi bộ trên những triền đá núi lửa cổ xưa với những hình thù độc đáo, nguyên sơ, hữu tình.
Bạn Lò Thị Quế Trâm, đến từ thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết mặc dù đã đi du lịch trong tỉnh Đắk Lắk nhiều lần song mùa Hè năm 2022 là lần đầu tiên Trâm được đi tour du lịch trải nghiệm ở cụm thác Gia Long-Dray Nur. Theo Trâm, tour du lịch này mang lại những trải nghiệm mới lạ, khai thác được địa hình đồi núi và thác ghềnh đẹp.
Anh Nguyễn Minh Nhật, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ trong 2 năm dịch COVID-19 bùng phát anh không đi du lịch. Mùa Hè năm nay, nhóm bạn rủ đi Đắk Lắk. Được trải nghiệm hoạt động đi xe công nông xuyên rừng, khám phá cách trồng và chăm sóc cà phê, tham quan cụm thác Gia Long-Dray Nur, anh Nhật cảm thấy đã lấy lại cân bằng sau dịch bệnh.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Quản lý cụm thác Dray Nur-Dray Sáp Thượng (Gia Long) thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Du lịch Trung Nguyên Healing cho biết, tour du lịch trải nghiệm gắn liền với thiên nhiên là sản phẩm hướng đến khách địa phương, khách quốc tế, giới trẻ. Công ty cũng xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp để đáp ứng nhu cầu khác nhau của du khách. Để đảm bảo an toàn cho du khách khi tham gia các tour trải nghiệm, công ty trang bị đồ bảo hộ, trang thiết bị, định kỳ đào tạo và tập huấn cứu nạn cứu hộ cho cán bộ, công nhân viên.
Gắn với văn hóa bản địa
Một sản phẩm du lịch trải nghiệm khác đang được du khách ưa chuộng ở Đắk Lắk là tour dã ngoại, leo núi Chư Yang Lắk, khám phá thác Bìm Bịp. Tour do bạn Y Xim Ndu, sinh năm 1992, dân tộc M'nông, buôn Yuk La 1, xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, khởi xướng.
Tham gia tour, du khách có 2 ngày 1 đêm leo núi, cắm trại ngủ trong rừng, săn mây và chụp ảnh trên đỉnh Chư Yang Lắk. Hành trình leo núi, du khách được nghe kể những câu chuyện liên quan đến từng ngọn núi, con sông, thác nước đi qua, được hướng dẫn trồng cây để góp phần bảo vệ môi trường.
Điều đặc biệt ở tour du lịch này là gắn liền với đời sống của người M'nông ở chân núi Chư Yang Lắk. Sau khi leo núi, dã ngoại, du khách sẽ được di chuyển bằng xe công nông đi tham quan một số buôn làng M'nông, khám phá nghề làm gốm đất, tham quan vườn ca cao, xem dệt thổ cẩm, ngắm hoàng hôn ở hồ Lắk, chụp hình với voi. Buổi tối, du khách được hòa mình vào tiếng cồng tiếng chiêng, thưởng thức hương men rượu cần, các món ăn của người bản địa như canh măng núi lửa, cơm lam gà nướng, gỏi cà đắng cá khô, cá suối chiên… và ngủ ở nhà sàn.
Bạn Trần Thị Nhật Anh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cảm thấy đã vượt qua được những giới hạn của bản thân khi tham gia tour dã ngoại, leo núi Chư Yang Lắk. Theo Nhật Anh đây là du lịch xanh vì chỉ có những bức chân và những tấm ảnh, không xả rác ra môi trường, cùng với việc khám phá đời sống của người M'nông đã giúp du khách hưởng trọn niềm vui.
Theo bạn Y Xim Ndu, huyện Lắk có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái cộng đồng. Với niềm đam mê của mình, Y Xim Ndu quyết tâm làm du lịch gắn với văn hóa bản địa đặc sắc. Và thực tế, thời gian qua, khi du khách đến huyện Lắk để leo núi, dã ngoại, người dân địa phương cũng có thêm nhiều nguồn thu nhập, vừa quảng bá được hình ảnh, văn hóa bản địa của người M'nông vừa góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng.
Cùng với việc xây dựng, thiết kế các sản phẩm du lịch trải nghiệm, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cũng đang đầu tư, xây dựng các hạng mục lưu trú thoáng đãng. Tỉnh cũng chú trọng phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Với những nỗ lực của tỉnh, du lịch Đắk Lắk đang phục hồi mạnh mẽ. Dịp lễ 30/4-1/5, tỉnh đón gần 56.000 du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng; doanh thu đạt gần 17 tỷ đồng, tăng hơn 80% so với dịp lễ năm 2021.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết bên cạnh việc khảo sát, nâng cấp, làm mới sản phẩm du lịch, Sở đã mở các lớp đào tạo, tập huấn cho các đơn vị khi có du khách mắc COVID-19. Hiện nay, tỉnh đã ký kết hợp tác du lịch với 15 tỉnh, thành phố trong cả nước và hai hãng hàng không; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch mới./.