Trải nghiệm Ca trù Chanh Thôn
06/09/2018 | 14:30Trải nghiệm nghệ thuật ca trù Chanh Thôn là hoạt động nằm trong khuôn khổ chuỗi chương trình Về nguồn - Trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam do Trung tâm văn hóa thành phố Hà Nội thuộc Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội tổ chức vào ngày 7/9/2018.
Theo đó, những bạn trẻ yêu mến di sản văn hóa phi vật thể ca trù sẽ tham gia trải nghiệm, tìm hiểu về loại hình nghệ thuật đặc sắc này tại làng Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên – một trong những cái nôi của ca trù Hà Nội.
Chương trình trải nghiệm Hát Ca trù sẽ diễn ra vào 7/9/2018 tại làng ca trù Chanh Thôn
Vào năm 2007, một năm sau khi nghệ thuật hát ca trù ở nước ta được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới thì bất ngờ người ta phát hiện ra ở Chanh Thôn, Phú Xuyên cũng đã có phường hát ca trù từ trước Cách mạng Tháng 8. Theo sách lịch sử xã Văn Nhân, vào đầu thế kỷ XIX, nho sĩ Nguyễn Văn Đỉnh, vốn là một kép đàn cừ khôi về làng Chanh Thôn sinh sống, đã lập ra phường hát và truyền dạy đàn, hát ca trù cho con cháu rồi lan tỏa ra cả làng. Từ đó một dòng ca trù riêng của Chanh Thôn hình thành và nhiều địa chỉ hát được phát triển rộng khắp thu hút khách thập phương kéo về. Vào những thập niên 30 của thế kỷ trước, ca trù Chanh Thôn đã kết hợp với các phường giáo ca trù xung quanh thành phố Hà Nội tổ chức hội thi đàn và hát ca trù để chọn kép đàn và ca nương giỏi đi phục vụ cung đình Huế.
Cho đến cuối năm 2006, đầu năm 2007, ca trù Chanh Thôn đã được những người có trách nhiệm tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phát hiện, khảo sát và đánh giá “là vật báu quốc gia”, nghệ thuật hát ca trù Chanh Thôn được công nhận là Địa chỉ văn hóa dân gian. Từ đó, CLB Ca trù Chanh Thôn được thành lập với nhiệm vụ vừa bảo tồn vốn cổ của ông cha, vừa truyền lửa yêu ca trù cho lớp trẻ kế cận./.
Gia Linh