Trả lời kiến nghị của cử tri TP.Hải Phòng về các giải pháp để quản lý tốt các vấn đề đạo đức, văn hóa xã hội
28/12/2020 | 14:22Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 9525/VPCP-QHĐP ngày 13/11/2020, nội dung kiến nghị như sau:
Cử tri lo lắng, bức xúc trước một bộ phận công dân trong xã hội xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức trên nhiều lĩnh vực, như: y tế (trong bệnh viện), trong gia đình (quan hệ giữa các thành viên); đáng chú ý, là một bộ phận cán bộ trong một số cơ quan công quyền cũng có biểu hiện sa sút đạo đức xã hội; đó là chưa kể hoạt động tội ác của các băng, đảng "xã hội đen". Những sự xuống cấp này đang gây nhiều hệ lụy, nhức nhối trong xã hội. Cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các giải pháp, biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để quản lý tốt hơn nữa về đạo đức xã hội, văn hóa xã hội - "nền tảng tinh thần xã hội" là một trong 4 trụ cột xây dựng, phát triển đất nước (Câu số 115).
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 4783/BVHTTDL-VP ngày 24/12/2020 về giải quyết kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV, như sau:
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa con người Việt Nam, cụ thể:
- Tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản liên quan đến công tác xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam.
- Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐCP ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa; Thôn, làng, ấp, bản... văn hóa, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
- Tổ chức Hội nghị Tổng kết Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000-2018.
- Triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình"; "Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam đến 2020"; "Kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2016-2020"; "Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến năm 2020"; "Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020"...
- Tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng đạo đức, lối sống. Xây dựng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương.
- Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm các vi phạm đạo đức trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bản quyền tác giả, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, tổ chức lễ hội, du lịch, thể dục thể thao, nhất là những hành vi bạo lực, phản cảm, ứng xử thiếu văn hóa. Siết chặt quản lý các sản phẩm, dịch vụ văn hóa độc hại.
Để tăng cường công tác xây dựng đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa con người Việt Nam thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất các giải pháp sau:
* Đối với cả hệ thống chính trị:
Tiếp tục thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ của Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng con người Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm gương mẫu của người đứng đầu, của Đảng viên; Kết luận số 76/KL/TW ngày 4/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
* Đối với công tác quản lý nhà nước:
- Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
+ Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả quy định của Đảng, văn bản quy phạm pháp về xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
+ Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống các văn bản pháp luật về xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
+ Phát huy giá trị văn hóa của di sản, văn học, nghệ thuật.
+ Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao, góp phần giáo dục đạo đức, tạo dựng lối sống lành mạnh. Nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
+ Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, nhân cách con người. Biểu dương cái tốt, bài trừ cái xấu, tạo dư luận lành mạnh lên án cái ác, ca ngợi cái đẹp, lấy gương người tốt, việc tốt, người tử tế để giáo dục, cổ vũ, khuyến khích tính hướng thiện của con người.
- Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về ứng xử văn hóa, đạo đức trong cơ quan, cơ sở giáo dục và đào tạo; triển khai bộ quy tắc ứng xử trong trường học; đề xuất các chế tài xử lý các vi phạm đủ mạnh để phòng ngừa, răn đe; chỉ đạo các cơ sở giáo dục, đào tạo đưa các tiêu chí về ứng xử văn hóa, đạo đức để đánh giá bình xét thi đua cuối năm.
- Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí tăng cường chuyên trang, chuyên mục, chương trình; các hoạt động thông tin, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, những hành vi ứng xử nhân văn, hành động dũng cảm…; tăng cường công tác quản lý nhà nước, đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý những ấn phẩm văn hóa độc hại, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam trên mạng xã hội.
- Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Tăng cường công tác tập huấn, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững; thực hiện bình đẳng giới trong gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình; lồng ghép nội dung giáo dục đời sống gia đình vào các buổi sinh hoạt, sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đời sống gia đình cho cán bộ các cấp Hội, nhằm tạo dựng môi trường an toàn, tin cậy, yêu thương trong gia đình, dòng họ.
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:
+ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về văn hóa giao thông đối với các cơ sở đào tạo, người tham gia giao thông, chủ quản lý các phương tiện giao thông.
+ Lựa chọn một số tiêu chí trong Bộ tiêu chí văn hóa về an toàn giao thông phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng.
- Trách nhiệm của các Bộ có liên quan: Xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp cụ thể khắc phục những hiện tượng xuống cấp đạo đức xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
* Đối với gia đình:
- Nêu cao vai trò gương mẫu của ông bà, cha mẹ bằng những việc làm cụ thể từ lời nói đến việc làm; chuẩn mực trong cách ứng xử, giao tiếp.
- Giáo dục con cháu về đạo lý, gia phong; những phép tắc trong đối nhân xử thế: hiếu thảo, lễ phép trong quan hệ cha mẹ - con cái, ông bà - con cháu; thủy chung, tình nghĩa trong quan hệ vợ chồng; hòa thuận, hiếu lễ trong quan hệ anh em, dòng họ.
* Đối với nhà trường:
- Xây dựng các tiêu chí, nhân cách cho học sinh: trung thực, lễ phép, hiếu thảo, kỷ luật, kiên nhẫn, thương người, giữ gìn môi trường...
- Đổi mới phương thức giáo dục đạo đức, tránh áp đặt những chuẩn mực đạo đức không phù hợp, thiếu tính thực tiễn, không khả thi. Cách giảng dạy, truyền đạt phải sinh động, có sức hấp dẫn, truyền cảm.
- Các hình thức giáo dục phải linh hoạt, đa dạng: kết hợp các bài giảng trên lớp với các hoạt động ngoại khóa, bằng bài học hoặc qua phim ảnh, hướng dẫn đọc, sách, gặp gỡ các cá nhân, điển hình...
- Các bài giảng, bài học đạo đức phải có chiều sâu nhân văn, có sức lay động, cảm hóa cao, phải sinh động, thiết thực
*Với cộng đồng xã hội:
- Phát huy vai trò giáo dục con người trong các môi trường xã hội khác nhau, trong các không gian văn hóa cộng đồng: văn hóa làng (khu dân cư, buôn, bản, phum, sóc…).
- Tạo hiệu ứng lan tỏa về văn hóa ứng xử với các giá trị, chuẩn mực, khuôn mẫu đạo đức chung trong cộng đồng.
- Nâng cao, nhân rộng các hình thức sinh hoạt, rèn luyện tại cộng đồng để tạo lập những môi trường lành mạnh trong thực hành đạo đức, ứng xử chuẩn mực về: đạo đức công sở, y đức trong ngành y, lương tâm nhà giáo, các cơ quan pháp luật, báo chí, văn hóa doanh nghiệp…
- Đẩy mạnh vai trò, phát huy thế mạnh của các thiết chế văn hóa-xã hội, các sinh hoạt văn hóa làm gia tăng tính cố kết cộng đồng và giáo dục truyền thống, điều chỉnh các hành vi ứng xử của các thành viên trong cộng đồng.
* Với công tác truyền thông:
- Phát huy vai trò định hướng dư luận, nêu gương tốt và phê phán cái xấu. Khi đưa tin, cần phân tích các hành vi xét trên góc độ văn hóa và đưa ra những khuyến nghị, định hướng.
- Phản ánh những tấm gương người tốt, việc tốt, xây dựng một hình ảnh xã hội tích cực, đồng thời phê phán những hạn chế, tiêu cực, phản văn hóa, từ đó tạo ra hiệu ứng lên án cái xấu trong xã hội...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.