Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh về một số nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa và du lịch

16/03/2023 | 08:36

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 2081/BDN ngày 30/12/2022, nội dung kiến nghị như sau:

1. Cử tri bày tỏ sự lo ngại về sự an toàn tại các lễ hội đông người sau thảm họa Itewon, đề nghị có giải pháp để ngăn chặn thảm hoạ tương tự khi tổ chức các lễ hội tại Việt Nam.

2. Cử tri kiến nghị Bộ tổng kết việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trong thời gian vừa qua đã mang lại lợi ích gì cho xã hội, để hạn chế những mặt tiêu cực và phát huy mặt tích cực, đặc biệt là định hướng lối sống cho giới trẻ.

3. Cử tri kiến nghị Bộ tăng cường hoạt động quảng bá du lịch, truyền thông thương hiệu đất nước, quảng bá các danh lam, thắng cảnh của Việt Nam tại nhiều trang tin điện tử, tạp chí, kênh truyền thông phổ biến đến bạn bè quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 670/BVHTTDL-VP ngày 28/02/2023 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV như sau:

1. Về đề nghị có giải pháp ngăn chặn thảm hoạ khi tổ chức các lễ hội tại Việt Nam

Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội có quy định về công tác đảm bảo an toàn, an ninh trật tự khi tổ chức lễ hội, theo đó:

- Nguyên tắc tổ chức lễ hội: Tổ chức lễ hội phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường (Mục 5 Điều 5).

- Trách nhiệm người tham gia lễ hội: Người tham gia lễ hội thực hiện trách nhiệm không chen lấn, xô đẩy gây mất trật tự an ninh; giữ gìn vệ sinh môi trường (Mục 2 Điều 6).

- Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hội: Cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội theo quy định và thực hiện theo nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, trong đó có phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật (Mục 1 Điều 7).

- Trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của Ủy ban nhân dân các cấp quy định tại Mục 1, 2 Điều 20. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động lễ hội trên địa bàn theo thẩm quyền, có các nhiệm vụ chỉ đạo các sở, ban, ngành địa phương trong việc phối hợp quản lý và tổ chức lễ hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lễ hội trên địa bàn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động lễ hội tại địa phương.

Như vậy, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định đầy đủ trách nhiệm của người tham gia lễ hội; cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hội và của Ủy ban nhân dân các cấp. Công tác an ninh trật tự của từng lễ hội được xây dựng và triển khai nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, văn minh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ giá trị văn hóa của người dân tại các lễ hội.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát để ngừng và tạm ngừng tổ chức lễ hội khi có các hoạt động vi phạm theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.

Vừa qua, thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023 và Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón tết Nguyên đán Quý Mão vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 5256/BVHTTDL-VP ngày 29/12/2022 về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch mừng Xuân Quý Mão 2023. Đồng thời, các địa phương đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo công tác quản lý, tổ chức lễ hội; tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội năm 2023 an toàn, hiệu quả.

2. Về kiến nghị tổng kết lợi ích của các cuộc thi sắc đẹp mang lại cho xã hội, định hướng cho giới trẻ

Nhằm tạo khung khổ pháp lý cho các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tham mưu xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Nghị định số 144/2020/NĐ-CP không có điều, khoản quy định giới hạn số lượng cuộc thi sắc đẹp trong một năm nhằm mục đích tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân, không còn tình trạng hạn chế số lượng, độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế tình trạng "thi chui", thi trái phép trong hoạt động tổ chức thi người đẹp. Theo phân cấp tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chấp thuận tổ chức cuộc thi, liên hoan toàn quốc và quốc tế của các hội chuyên ngành về nghệ thuật biểu diễn thuộc Trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật thuộc Trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận tổ chức cuộc thi, liên hoan được tổ chức trên địa bàn quản lý. Công tác thẩm định, kiểm tra hồ sơ tổ chức cuộc thi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân các tỉnh tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự và không phát hiện hành vi vi phạm quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng như dấu hiệu vi phạm về an ninh, trật tự an toàn xã hội trong các cuộc thi người đẹp, người mẫu.

Để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản yêu cầu tất cả các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu đăng tải công khai, phối hợp cung cấp thông tin hàng tháng, chủ động trao đổi với cơ quan liên quan trước khi ban hành văn bản chấp thuận nhằm hạn chế các tranh chấp. Ngày 23/9/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch, theo đó, yêu cầu các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Quản lý hoạt động tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu: quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng các cuộc thi người đẹp, người mẫu trên địa bàn; tăng cường công tác phối hợp trong quản lý đối với cuộc thi người đẹp, người mẫu có quy mô lớn, có yếu tố nước ngoài, liên quan đến công tác dân tộc, bình đẳng giới, trẻ em, được tổ chức nhiều vòng ở nhiều địa phương; thẩm định chặt chẽ hồ sơ (trong đó rà soát kỹ Đề án bảo đảm tính thống nhất, phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc, văn hóa truyền thống, phù hợp với lứa tuổi, giới tính và điều kiện thực tiễn của địa phương) trước khi tham mưu chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu; tăng cường kiểm tra, theo dõi sau khi cấp văn bản chấp thuận, kiên quyết dừng cuộc thi người đẹp, người mẫu, chỉ đạo việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả cuộc thi trong trường hợp có vi phạm pháp luật.

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề về định hướng giá trị văn hóa theo đường lối của Đảng và Nhà nước, thực thi quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ và trang bị kiến thức quản lý chuyên ngành cho các chuyên viên thẩm định hồ sơ và đại diện các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, kinh doanh dịch vụ tổ chức thi người đẹp, người mẫu.

Các cuộc thi người đẹp, người mẫu khi được tổ chức đúng quy định sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động văn hóa, du lịch tại địa phương, điển hình như Chung kết cuộc thi Hoa hậu Thế giới Việt Nam - Miss World Việt Nam 2022 đã thu hút 15.000 khán giả, đóng góp lượng chi tiêu lớn cho chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch của tỉnh Bình Định.

3. Về đề nghị tăng cường hoạt động quảng bá du lịch, truyền thông thương hiệu đất nước, quảng bá các danh lam, thắng cảnh của Việt Nam tại nhiều trang tin điện tử, tạp chí, kênh truyền thông phổ biến đến bạn bè quốc tế

Công tác giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, xúc tiến du lịch, quảng bá các danh lam, thắng cảnh của Việt Nam được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, quan tâm đẩy mạnh thực hiện, gắn liền với quá trình triển khai chủ trương, đường lối, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước về văn hóa và du lịch, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, các Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020 và Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, các Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030…

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ, ngành, cơ quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các báo đài và các cơ quan thường trú của các báo đài tại nước ngoài triển khai rộng rãi công tác truyền thông đối ngoại về văn hóa và du lịch đến khán giả, công chúng, bạn bè quốc tế bằng 13 ngôn ngữ khác nhau như tiếng Việt, Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Lào, Thái Lan, Khmer, Indonesia... Các cơ quan thường trú, thông tấn báo chí không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá về văn hóa đối ngoại Việt Nam mà còn giúp nhân dân trong nước có cơ hội tiếp thu tinh hoa những nền văn hóa trên thế giới. Hệ thống cơ quan và phóng viên thường trú tại nước ngoài còn là cầu nối cộng đồng người Việt Nam để kịp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con người Việt ở nước ngoài, tìm hiểu và kết nối những người bạn nước ngoài có thiện cảm với Việt Nam và hướng đồng bào ta về Tổ quốc. Từ đầu năm 2022, khi đại dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, cùng với những nỗ lực của toàn ngành trong phục hồi hoạt động du lịch, công tác truyền thông về đất nước, quảng bá các danh lam, thắng cảnh của Việt Nam được chú trọng đẩy mạnh, cụ thể:

* Truyền thông chính sách phục hồi du lịch

- Website https://vietnamtourism.gov.vn đóng vai trò truyền thông chính sách, phục vụ công tác quản lý nhà nước và xúc tiến du lịch; cung cấp chính xác, cập nhật kịp thời những thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực du lịch trên toàn quốc, cũng như các hoạt động nổi bật của toàn ngành. Năm 2022, website https://vietnamtourism.gov.vn đã thu hút hàng chục triệu lượt truy cập, trở thành nguồn thông tin tin cậy cho các tổ chức, cá nhân liên quan trong ngành và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương.

- Website https://vietnam.travel chuyên trách quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra nước ngoài liên tục cập nhật thông tin về chính sách mở cửa du lịch thông thoáng của Việt Nam, dỡ bỏ các hạn chế về kiểm soát y tế, khôi phục chính sách miễn thị thực, xuất nhập cảnh như trước khi xảy ra dịch bệnh... Thời gian qua, website https://vietnam.travel đã tăng hạng mạnh trên thế giới. Tính đến tháng 10 năm 2022, website được xếp hạng #152 nghìn trên toàn cầu, tăng 423 nghìn bậc so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng cao nhất so với các đối thủ trong khu vực. Sự tăng hạng vượt bậc cho thấy sự quan tâm lớn của du khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam, cũng như ghi nhận bước tiến mới trong công tác truyền thông số của Tổng cục Du lịch.

- Cùng với đó là hệ thống các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Instagram… nhằm lan tỏa mạnh mẽ thông tin du lịch Việt Nam.

- Bám sát định hướng truyền thông theo chủ đề "Live fully in Vietnam" hướng tới thị trường quốc tế và "Du lịch an toàn, trải nghiệm trọn vẹn" hướng tới thị trường nội địa, các kênh thông tin của Tổng cục Du lịch đã tích cực phản ánh các hoạt động, sự kiện sôi nổi của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch và các địa phương, doanh nghiệp trong cả nước nhằm tái khởi động, phục hồi du lịch, kết nối lại thị trường... Đặc biệt, các điểm đến hấp dẫn, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng đã được quảng bá, giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước thông qua các video clip, bài viết, hình ảnh đẹp mắt.

* Chương trình "Việt Nam: Đi Để Yêu!" - dấu ấn của sự đổi mới sáng tạo, tình yêu quê hương, đất nước: Chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số YouTube với chủ đề "Việt Nam: Đi Để Yêu!" do Tổng cục Du lịch thực hiện đã ra mắt những video clip đẹp, miêu tả vẻ rực rỡ, sống động đất nước, con người và các dịch vụ du lịch chu đáo, đẳng cấp tại Việt Nam, truyền cảm hứng cho du khách đi du lịch Việt Nam. Các video clip đã thu hút hàng triệu lượt xem trên kênh YouTube chính thức của Tổng cục Du lịch. Trong năm 2022, các video clip trong chương trình "Việt Nam: Đi Để Yêu!" tiếp tục được ra mắt vào những thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với ngành du lịch, tiêu biểu như clip "Xuân đoàn viên" vào dịp Tết nguyên đán; clip "Trải nghiệm trọn vẹn" nhân dịp du lịch Việt Nam mở cửa trở lại từ 15/3/2022 và chào đón Năm Du lịch quốc gia 2022 tại Quảng Nam; clip "Let's shine and live fully" quảng bá du lịch dịp SEA GAMES 31 tổ chức ở Việt Nam; clip "Wonders of Vietnam" nhân dịp kỷ niệm 62 năm thành lập ngành Du lịch Việt Nam (9/7/1960 - 9/7/2022)…

Tại Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ VIII do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức (05/11/2022), chương trình "Việt Nam: Đi Để Yêu!" đã vinh dự đạt Giải Nhì, ghi nhận sự đóng góp tích cực của chương trình vào quảng bá rộng rãi hình ảnh, thương hiệu du lịch Việt Nam đến với đông đảo du khách trong nước và bạn bè quốc tế.

* Truyền thông thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch: Website https://vietnamtourism.gov.vn của Tổng cục Du lịch đã hình thành một chuyên mục về "Chuyển đổi số" để phổ biến các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, các tài liệu hướng dẫn, giới thiệu về hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch, hoạt động hỗ trợ của Tổng cục Du lịch đối với các địa phương, doanh nghiệp. Hoạt động truyền thông đã góp phần tích cực thúc đẩy nâng cao nhận thức trong toàn ngành cũng như khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp nỗ lực hành động triển khai chuyển đổi số trong hoạt động du lịch ở địa bàn, đơn vị. Qua đó, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc.

Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trên cơ sở nguồn kinh phí xúc tiến du lịch cấp cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và nguồn lực huy động từ các địa phương, doanh nghiệp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tăng cường việc xúc tiến quảng bá tại các thị trường mục tiêu, thị trường chiến lược, tiếp tục quảng bá trên các kênh truyền thông như trang tin điện tử, tạp chí hoặc kênh truyền thông phổ biến của thế giới. Các hoạt động đón các đoàn nhà báo, người nổi tiếng nước ngoài đến thăm, khảo sát sản phẩm du lịch Việt Nam trong năm 2023 cũng sẽ là kênh chính trong việc tuyên truyền, giới thiệu văn hóa, danh lam thắng cảnh và sản phẩm du lịch Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Một số nhóm nhiệm vụ tập trung triển khai gồm: (1) Tiếp tục duy trì và phát triển công tác truyền thông số theo các kênh nêu trên; (2) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp, lựa chọn đối tượng phù hợp, tổ chức các đoàn khảo sát dành cho cơ quan báo chí, truyền hình, blogger, người có ảnh hưởng từ một số thị trường du lịch trọng điểm đến khảo sát điểm đến, sản phẩm du lịch nổi trội của Việt Nam để đăng tin, bài, ảnh, video giới thiệu du lịch Việt Nam trên các kênh truyền thông, mạng xã hội nước ngoài; (3) Xem xét, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình quốc tế lớn, có phạm vi ảnh hưởng rộng, thu hút lượng người xem đông đảo như CNN, BBC, CNBC...; (4) Tổ chức hoạt động truyền thông rộng rãi hướng đến các doanh nghiệp du lịch (B-B), đến đông đảo công chúng, khách du lịch quốc tế (BC) kết hợp với các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam ở nước ngoài, chương trình tham gia Hội chợ quốc tế lớn, chương trình họp báo, chương trình Tuần, Ngày Du lịch - Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài... (5) Phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động truyền thông ở trong và ngoài nước liên quan.

Bên cạnh công tác truyền thông của các báo chí chuyên ngành, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động mời, đón các đoàn làm phim, các hãng thông tấn báo chí quốc tế (trung bình 25-30 đoàn/năm) vào Việt Nam làm phim, đưa tin, viết bài giới thiệu, quảng bá, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam tại các địa phương. Đây là kênh thông tin hiệu quả đưa hình ảnh Việt Nam lên sóng các hãng truyền thông hàng đầu thế giới như BBC (Anh), CNN (Mỹ), NHK (Nhật Bản), CCTV (Trung Quốc), ARD (Đức), KBS (Hàn Quốc)....

Kết hợp công tác quảng bá văn hóa đối ngoại với xúc tiến du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai công tác bổ nhiệm, phát huy vai trò của các Đại sứ Du lịch (Ông Bobby Chinn - quốc tịch New Zealand (nhiệm kỳ 2014- 2017); Bà Anoa Suzanne Dussol Perran - Việt kiểu Việt Nam tại Pháp (nhiệm kỳ 2015-2018); Ông Jordan Vogt-Roberts - quốc tịch Mỹ (nhiệm kỳ 2017-2020); Ông Lý Xương Căn - quốc tịch Hàn Quốc (nhiệm kỳ 2017-2020) và Ông Gregory J. Norman - quốc tịch Úc (nhiệm kỳ 2018-2021)). Hoạt động của các Đại sứ Du lịch Việt Nam đã góp phần quan trọng trong công tác quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người và du lịch Việt Nam, khuyến khích và mở ra cơ hội cho những cá nhân ưu tú mong muốn có đóng góp cho công tác quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới. Các Đại sứ Du lịch Việt Nam đã hỗ trợ tích cực triển khai một số dự án lớn như Dự án Ngôi nhà Việt Nam tại Pháp (năm 2017); Khai trương Văn phòng đại diện Xúc tiến Du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc (năm 2019), tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc…

Nhờ những nỗ lực đó, thời gian qua, Việt Nam đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá, thể hiện sự công nhận của cộng đồng quốc tế, trong đó World Travel Awards trao tặng: Giải thưởng Điểm đến hàng đầu châu Á (2018 và 2019), Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á (2019 và 2020), Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á (2019 và 2020), Điểm đến di sản hàng đầu châu Á (2020), Điểm đến di sản hàng đầu thế giới (2020); World Golf Awards trao tặng: Điểm đến Golf tốt nhất châu Á (2017-2019), Điểm đến Golf tốt nhất thế giới (2019).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri.

>> Toàn văn nội dung văn bản./.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×