Trả lời kiến nghị của cử tri TP Hồ Chí Minh về một số nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa, gia đình.
30/09/2022 | 14:00Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 685/BDN ngày 29/7/2022, nội dung kiến nghị như sau:
1. Cử tri kiến nghị sớm trình Quốc hội thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đồng thời đưa ra các chính sách cụ thể hơn nữa để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của một nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số.
2. Trong Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có quy định mới là lệnh "cấm tiếp xúc" cụ thể: "người có hành vi bạo lực phải giữ khoảng cách với nạn nhân từ 50m trở lên và quy định phải bố trí nơi tạm lánh cho người bị bạo lực gia đình" nhằm bảo vệ người bị bạo hành, người bị xâm hại... Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa đề cập đến quyền "được chọn nơi tạm lánh" của người bị bạo lực gia đình. Đề nghị cần bổ sung quy định cho phép người bị bạo hành, xâm hại được cư trú ngay tại nhà, phòng trọ của mình và quy định trục xuất, yêu cầu người có hành vi bạo hành đi ra khỏi nhà hoặc phòng trọ nơi đã gây ra vụ việc... Đồng thời đề nghị địa chỉ nơi tạm lánh được bảo mật để đảm bảo an toàn cho người bị bạo lực gia đình.
3. Cử tri kiến nghị có thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật đồng bộ, xứng tầm, đồng thời có chính sách kêu gọi đầu tư từ các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước nhằm xây dựng thiết chế văn hóa xứng tầm, biểu tượng văn hóa của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (có những ưu đãi về giá thuê đất, thuế).
4. Cử tri kiến nghị có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chính sách phát huy và bảo vệ giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc, truyền thống.
5. Cử tri kiến nghị quan tâm đầu tư trực tiếp nhằm phát huy, bảo vệ giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc truyền thống; đưa các loại hình này quảng bá trong các trường học nhằm lôi cuốn thanh thiếu niên tìm hiểu giá trị cao đẹp của văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc; kết hợp đào tạo và truyền nghề, xây dựng chính sách ưu đãi, tuyển dụng tài năng trong hoạt động văn học nghệ thuật dân tộc.
6. Cử tri kiến nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đổi mới trong công tác đào tạo trong các trường đại học chuyên ngành văn hóa, văn học nghệ thuật trong đó đặc biệt chú ý phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, tài năng trẻ để tạo ra đội ngũ nhà văn hóa, văn nghệ sĩ chuyên nghiệp gắn bó với sự nghiệp của Đảng, dân tộc ta xứng tầm với thành tựu xây dựng và phát triển nước nhà; có trình độ khoa học kỹ thuật áp dụng những thành tựu mới trong công nghệ trình diễn, sản xuất các sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật nhưng vẫn đảm bảo tính đặc sắc riêng có của dân tộc (các công nghệ ngành điện ảnh, sân khấu, thời trang, thư viện, thông tin điện tử…).
7. Cử tri kiến nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có chính sách đào tạo đội ngũ ê kíp trẻ đạo diễn, diễn viên, biên tập, thiết kế quay phim, âm nhạc… có trình độ ngoại ngữ, có đam mê, tài năng, tố chất thực sự; tuyển chọn kỹ lưỡng từ 3 miền Bắc, Trung, Nam (tránh trường hợp cục bộ) đưa đi du học ở nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, …) để cập nhật mới, hay và lạ về phục vụ đất nước.
8. Cử tri kiến nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tạo điều kiện đưa phim điện ảnh đi nước ngoài - tổ chức tuần phim Việt Nam tại các nước Châu Âu - Châu Á để chiếu trên thị trường quốc tế nhằm giao lưu, học hỏi lẫn nhau với các nước trong và ngoài khu vực.
9. Cử tri kiến nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức hội chợ phim Việt Nam nhằm bán (có bản quyền) các phim điện ảnh - truyền hình của nước ta cho các nước trên thế giới hoặc giao lưu với các hãng phim truyền hình, điện ảnh nước ngoài, bán phim Việt Nam cho các nước khác. Đồng thời, tổ chức các chuyến giao lưu điện ảnh với các nước.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 3683/BVHTTDL-VP ngày 26/09/2022 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, như sau:
1. Về đề nghị sớm trình Quốc hội thông qua Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đưa ra các chính sách cụ thể hơn nữa để đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của một nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp thu và quy định các nội dung liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của một nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và người dân tộc thiểu số tại Điều 4, Điều 5, Điều 14, Điều 33, Điều 34 và Điều 36 của Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được trình Quốc hội khóa XV thảo luận tại kỳ họp thứ 3, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022.
2. Về đề nghị Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đề cập đến quyền "được chọn nơi tạm lánh" của người bị bạo lực gia đình, trục xuất, yêu cầu người có hành vi bạo hành đi ra khỏi nhà hoặc phòng trọ nơi đã gây ra vụ việc…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp thu và quy định về nội dung này tại khoản 5 Điều 25: "Khi áp dụng quyết định cấm tiếp xúc, người bị bạo lực gia đình được quyền lựa chọn chỗ ở trong thời gian cấm tiếp xúc" và quy định tại điểm c khoản 1 Điều 9 của Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) về quyền của người bị bạo lực: "Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này".
3. Về đề nghị có thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật đồng bộ, có chính sách kêu gọi đầu tư từ các nguồn lực xã hội trong và ngoài nước nhằm xây dựng thiết chế văn hóa xứng tầm, biểu tượng văn hóa của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có những ưu đãi về giá thuê đất, thuế
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện, phát huy hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp, trong đó có nội dung kiến nghị giao nhiệm vụ Bộ Tài chính theo thẩm quyền: (1) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật, kinh phí; cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa để huy động các nguồn lực hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân tiếp tục hoàn thiện và tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao các cấp. (2) Hướng dẫn các địa phương về việc liên kết với các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng cơ sở vật chất đã được nhà nước đầu tư để tổ chức hiệu quả các hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao các cấp và nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với thiết chế văn hóa, thể thao các cấp; chế độ ưu đãi đào tạo hạt nhân năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao.
Đối với lĩnh vực văn học nghệ thuật, biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo, tham mưu Chính phủ chấp thuận phân bổ kinh phí để thực hiện Dự án Cải tạo Nhà hát lớn và Không gian văn hóa nghệ thuật quốc gia, xây dựng Nhà hát kịch Việt Nam cơ sở 2, Dự án Cải tạo, nâng cấp Trung tâm Triển lãm Văn hóa, Nghệ thuật quốc gia Việt Nam. Một số tỉnh, thành phố đã chủ động trong việc thúc đẩy xây dựng thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật xứng tầm như Nhà văn hóa nghệ thuật tỉnh Phú Thọ, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch Opera Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh)… nhằm mục đích kết nối cơ sở hạ tầng của địa phương và tăng liên kết vùng kinh tế - văn hóa một cách đồng bộ. Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển thêm các thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật các địa phương cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Xác định các vùng kinh tế - văn hóa và trung tâm vùng kinh tế - văn hóa để xây dựng thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật mang tính biểu tượng của vùng đồng bộ với quy hoạch cơ sở hạ tầng, tạo sự thuận tiện trong quá trình khai thác, sử dụng.
- Tính toán lại nguồn lực nghệ sĩ, diễn viên, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân và thị trường nhằm phân bổ nguồn lực hợp lý, đáp ứng quá trình hoạt động của thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật tránh việc lãng phí tài nguyên đất, lãng phí chi phí xây dựng thiết chế.
- Rà soát các vấn đề bất cập trong thực tế khi khai thác, sử dụng thiết chế để đề xuất xây dựng biện pháp quản lý, chế tài xử phạt hành vi vi phạm, ngăn chặn tình trạng lợi dụng thiết chế văn hóa, văn học nghệ thuật để trục lợi, né tránh nghĩa vụ thuế làm thất thu ngân sách nhà nước và lãng phí tài nguyên đất.
Đối với chính sách ưu đãi về giá, thuế cho các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi về giá thuê đất, thuế cho các Nhà đầu tư nói chung, Nhà đầu tư vào lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật nói riêng.
4. Về đề nghị có chính sách chiến lược phát triển nguồn nhân lực, chính sách phát huy và bảo vệ giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật dân tộc, truyền thống
Ngày 12 tháng 11 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1909/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2030, trong đó có xác định nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.
Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn - hóa nghệ thuật và Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa - nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang được triển khai thực hiện hiệu quả trên phạm vi cả nước, góp phần thu hút người học, tăng cường tuyển sinh cho các ngành nghệ thuât truyền thống và đặc thù.
Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Đề án "Đặt hàng đào tạo 300 chỉ tiêu các ngành hiếm, khó tuyển sinh, ngành truyền thống, dân tộc và đặc thù tại các cơ sở đào tạo Văn hóa nghệ thuật trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch" (Quyết định số 287/QĐ-BVHTTDL ngày 06 tháng 02 năm 2020 và Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án ban hành kèm theo Quyết định số 490/QĐ-BVHTTDL ngày 20 tháng 02 năm 2020).
Để giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt trong đào tạo lĩnh vực nghệ thuật, hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật (Tờ trình số 207/TTrBVHTTDL ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Nghị định sau khi được ban hành sẽ góp phần tạo khung khổ pháp lý, điều kiện thuận lợi cho đào tạo nghệ thuật trong đó có các ngành nghệ thuật truyền thống.
5. Về đề nghị kết hợp đào tạo và truyền nghề, xây dựng chính sách ưu đãi, tuyển dụng tài năng trong hoạt động văn học nghệ thuật dân tộc
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó đã lồng ghép các quy định phù hợp với tính đặc thù của đào tạo lĩnh vực nghệ thuật kết hợp giữa đào tạo chuyên môn nghệ thuật với đào tạo văn hóa, tăng cường sử dụng các nghệ nhân, nghệ sỹ có uy tín tham gia giảng dạy để truyền nghề góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, dự thảo Nghị định cũng đã quy định về chế độ ưu đãi đối với tuyển dụng đối với các sinh viên tốt nghiệp lĩnh vực nghệ thuật có kết quả học tập xuất sắc và các giải thưởng cao trong các kì thi nghệ thuật trong nước và quốc tế. Các chính sách này sẽ được áp dụng sau khi Chính phủ ban hành Nghị định.
6. Về đề nghị đổi mới trong công tác đào tạo trong các trường đại học chuyên ngành văn hóa, văn học nghệ thuật nhưng vẫn đảm bảo tính đặc sắc riêng vốn có của dân tộc
Hiện nay, các loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, dân ca kịch... đang xảy ra tình trạng khủng hoảng nguồn nhân lực. Nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống do các thế hệ đi trước dày công vun đắp theo chiều dài lịch sử của dân tộc đang có nguy cơ mai một do thiếu nghệ nhân, nghệ sỹ chuyên nghiệp. Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và sự bùng nổ các loại hình nghệ thuật giải trí cũng tác động không nhỏ đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói riêng. Nhằm thu hút đầu vào, nâng cao chất lượng nguồn tuyển và đào tạo, bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang thực hiện một số giải pháp sau:
(1) Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên theo học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hóa nghệ thuật, cụ thể:
- Quyết định số 82/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các bộ môn nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hoá-nghệ thuật;
- Quyết định số 41/2014/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ ưu đãi đối với học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các trường văn hoá-nghệ thuật;
- Quyết định số 1341/QĐ-TTg ngày 8 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
- Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030.
(2) Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu xã hội, bổ sung nhân lực kế cận cho các đơn vị nghệ thuật (Nhà hát Tuồng Việt Nam, Chèo Việt Nam, Ca, Múa, Nhạc Việt Nam...) đến năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật triển khai thực hiện Đề án đào tạo nhân lực cho các Nhà hát với phương thức đào tạo kết hợp giữa các nhà hát với cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật.
(3). Định kỳ hai hoặc ba năm một lần, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thi tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường Văn hóa nghệ thuật với mục đích: Động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên tích cực học tập, rèn luyện, sáng tạo, nâng cao kỹ thuật biểu diễn, đạo đức nghề nghiệp và học hỏi kinh nghiệm trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; Phát hiện tài năng trẻ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn ở trong nước và nước ngoài nhằm bổ sung nguồn lực lượng cán bộ giảng dạy, nghệ sĩ giỏi phục vụ cho sự nghiệp phát triển văn hóa nghệ thuật của đất nước; Đánh giá chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật; tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tìm ra giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo, hợp lý cơ cấu đào tạo đáp ứng nhu cầu của ngành và toàn xã hội… Hội thi cũng là cơ hội vinh danh công lao các thầy cô giáo trong việc đào tạo, bồi dưỡng các tài năng trẻ. Bên cạnh đó, định kỳ 02 năm một lần, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong học tập của các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ.
(4) Bên cạnh việc triển khai thực hiện các Đề án Đào tạo tài năng và nhân lực ở nước ngoài lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tháng 8/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về đào tạo các ngành, nghề chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật; trình Thủ tướng Chính phủ Đề án "Xây dựng đội ngũ trí thức ngành văn hóa, thể thao và du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035", trong đó có nội dung ưu tiên cử sinh viên, nghệ sĩ tài năng đi đào tạo ở nước ngoài đối với các ngành/chuyên ngành trong nước chưa có khả năng đào tạo hoặc đào tạo nhưng chất lượng chưa cao, chú trọng đào tạo các ngành phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.
(5). Rà soát, điều chỉnh và ban hành mới các văn bản quy định về đào tạo tài năng, chất lượng cao, các ngành hiếm, khó tuyển, cần bảo tồn trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
7. Về đề nghị có chính sách đào tạo đội ngũ đạo diễn, diễn viên, biên tập, thiết kế quay phim, âm nhạc…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội hồ sơ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, trong đó có quy định về phát triển nguồn nhân lực điện ảnh. Tại Điều 6 Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định như sau:
"1. Nhà nước có chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển tài năng điện ảnh, ưu tiên hỗ trợ tài năng trẻ; đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực điện ảnh.
2. Nhà nước ưu tiên đầu tư, xây dựng một số cơ sở đào tạo, ngành đào tạo về điện ảnh đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật đào tạo chuyên ngành hoặc liên kết đào tạo điện ảnh ở trong nước và nước ngoài.
3. Nhà nước khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nguồn nhân lực điện ảnh phục vụ sản xuất, phát hành, phổ biến phim thông qua triển khai các chương trình, dự án của Nhà nước và hợp tác với nước ngoài; kết hợp đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh với nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ".
Ngày 06 tháng 3 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 756/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030", với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng nòng cốt phục vụ cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn văn hóa nghệ thuật của đất nước. Theo kế hoạch, từ năm 2020 đến năm 2030, lựa chọn và cử đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài khoảng 30 học sinh trung cấp, 227 cử nhân, 144 thạc sĩ và 45 tiến sĩ; bồi dưỡng ngắn hạn cho khoảng 325 giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh các cơ sở đào tạo, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật. Các cơ sở đào tạo được lựa chọn tại các nước tiên tiến, có kinh nghiệm, uy tín trong đào tạo về văn hóa nghệ thuật đối với các lĩnh vực và ngành đào tạo thuộc Đề án, gồm: Liên bang Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Hoa kỳ, New Zealand và một số quốc gia khác, trong đó lựa chọn các cơ sở đào tạo đã có thỏa thuận với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về việc công nhận văn bằng, chứng chỉ đào tạo... Tính đến nay, đã có 29 ứng viên tuyển sinh đang theo học tại các quốc gia: Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Úc, Vương quốc Anh, Canada. Trong số 16 lưu học sinh (LHS) đã tuyển các năm 2018, 2019 có 03 LHS (Mỹ, Úc) đã về nước và hoàn thành thủ tục báo cáo tốt nghiệp, 09 LHS đang theo học tại Hoa Kỳ dự kiến tốt nghiệp trong năm 2022, 04 LHS đang theo học tại Liên bang Nga.
Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng ngoại ngữ và chính trị tư tưởng cho đối tượng trúng tuyển trước khi đi đào tạo ở nước ngoài. Việc tuyển sinh, lựa chọn được thông báo rộng rãi trên cả nước tới các cơ quan, đơn vị, gồm: các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ sở đào tạo và có đào tạo văn hóa nghệ thuật trên cả nước, đồng thời đưa trên trang tin điện tử của cơ quan chủ trì thực hiện.
Trên thực tế, đối với lĩnh vực điện ảnh, trong những năm gần đây, các cơ sở đào tạo trong nước đã và đang thúc đẩy hợp tác quốc tế về đào tạo, liên kết, trao đổi đào tạo với tổ chức Hiệp hội các trường điện ảnh và truyền hình quốc tế CILECT, Mạng lưới đại học Châu Âu - ASIA (ASIA-UNINET); cử sinh viên tham gia các hội nghị - hội thảo về Sản xuất phim quốc tế như: Hội thảo Sản xuất phim kỹ thuật số Nhật Bản tại Malaysia; Hội thảo sản xuất phim và dựng phim tại Malaysia 2019; khuyến khích sinh viên đăng ký học tập ở nước ngoài (học chuyên ngành Quay phim Điện ảnh tại Mỹ); hợp tác với Hiệp hội Courant 3D - Pháp, Viện Pháp ngữ, Lãnh sự quán Pháp… tổ chức Lễ hội Phim ngắn Pháp.
Bên cạnh các dự án đào tạo của các trường điện ảnh trong phạm vi hoạt động thường niên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với đối tác nước ngoài tổ chức các khóa học kỹ thuật nâng cao tay nghề cho các ngành kỹ sư, kỹ thuật điện ảnh như: Khóa dựng phim và âm thanh do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tài trợ; key learning sound do KOFIC hỗ trợ. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức các đoàn đi học tập ở nước ngoài nằm trong dự án, chương trình do nhà nước hỗ trợ như: Khóa học phim hoạt động tại Nhật Bản, về công nghiệp văn hóa tại Nhật Bản; đồng thời phối hợp, tổ chức chương trình đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao tay nghề cho các nhà làm phim Việt Nam. Cụ thể, trong các kỳ Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội, chương trình Đào tạo tài năng trẻ được tổ chức trong 5 ngày với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà làm phim uy tín quốc tế, các tác giả trẻ của Việt Nam được tiếp cận, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, sáng tác một số kịch bản chất lượng tham dự Liên hoan Phim quốc tế.
8. Về đề nghị tạo điều kiện đưa phim điện ảnh đi nước ngoài, tổ chức tuần phim Việt Nam tại các nước Châu Âu - Châu Á
Mục 2 Khoản 16 Điều 1 Luật Điện ảnh năm 2009 (hiện hành) quy định:
"Cơ sở sản xuất phim, phát hành phim, phổ biến phim, đài truyền hình, đài phát thanh-truyền hình được quyền tham gia liên hoan phim quốc tế, hội chợ phim quốc tế, tổ chức những ngày phim Việt Nam ở nước ngoài;
Phim tham gia liên hoan phim quốc tế, hội chợ phim quốc tế, tổ chức những ngày phim Việt Nam ở nước ngoài phải có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh, hoặc có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh-truyền hình".
Thực tế trong nhiều năm qua, các cơ sở điện ảnh Việt Nam đã chủ động giới thiệu phim do doanh nghiệp của mình sản xuất hoặc thông qua các đối tác hợp pháp, đưa phim điện ảnh Việt Nam tham dự các Liên hoan phim quốc tế (LHPQT) như LHP Cannes (Pháp), LHP Hongkong, LHPQT Berlin (Đức), LHPQT Venice (Italia), LHPQT Busan (Hàn Quốc), LHPQT Băng Kốc (Thái Lan), LHPQT Ma-lai-xi-a, LHPQT Thượng Hải… Nhiều phim của Điện ảnh Việt Nam tham dự LHPQT được trao giải thưởng có giá trị.
Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2022 có nhiều quy định về phát hành phim, trong đó:
- Điều 15 quy định về Quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phát hành phim, Điều 16 quy định về Trao đổi, mua, bán, cho thuê phim và Điều 17 quy định về Xuất khẩu, nhập khẩu phim.
- Tại Khoản 4 Điều 17 quy định "Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tham gia xuất khẩu phim".
- Mục 1 Chương VI quy định về Quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh:
+ Điều 37 quy định về quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh
+ Điều 39 quy định về Tổ chức chương trình phim, Tuần phim Việt Nam tại nước ngoài.
Bên cạnh đó, hàng năm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều tổ chức tuyển chọn phim điện ảnh Việt Nam gửi tham dự vòng loại phim nói tiếng nước ngoài tại Giải thưởng OSCAR do Viện Hàn lâm Điện ảnh Hoa kỳ tổ chức; gửi các phim điện ảnh Việt Nam tham dự các sự kiện văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài như các Tuần phim Việt Nam ở nước ngoài (Ác-hen-ti-na, Ba Lan, I-ta-li-a, Mỹ, Tây Ban Nha, Nga…), Những ngày văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, Kỷ niệm các năm chẵn quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới; phối hợp với các Bộ Văn hóa, cơ quan, doanh nghiệp điện ảnh, các tổ chức nước ngoài tổ chức Tuần phim Việt Nam tại nước ngoài; chủ động tổ chức các tuần phim nước ngoài tại Việt Nam.
9. Về đề nghị tổ chức hội chợ phim Việt Nam nhằm bán các tác phẩm điện ảnh - truyền hình, giao lưu với các hãng phim truyền hình, điện ảnh nước ngoài
Luật Điện ảnh hiện hành và Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2022 có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 quy định nhiều nội dung mới phù hợp với tình hình thực tế, tạo cơ hội để phim điện ảnh Việt Nam đến với khán giả nước ngoài.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức các Chợ dự án làm phim trong khuôn khổ Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội; cử các đoàn cán bộ, nghệ sĩ điện ảnh tham gia Tuần phim Việt Nam ở nước ngoài và giao lưu với khán giả. Từ năm 2010 đến nay, điện ảnh Việt Nam đã tham gia 148 liên hoan phim quốc tế với 330 lượt đầu phim, gửi phim tham dự các liên hoan phim như: Liên hoan phim Cannes, Liên hoan phim Berlin, Liên hoan phim Thượng Hải... ; tổ chức các tuần phim, ngày phim Việt Nam tại nước ngoài như Tuần phim Việt Nam tại Canada, Trung Đông, Venezuela, Tây Ban Nha, Hàn Quốc... trong khuôn khổ 48 chương trình giới thiệu phim Việt Nam ra nước ngoài với 186 đầu phim. Dự kiến năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam tổ chức farmtrip cho các nhà sản xuất, làm phim Pháp khám phá bối cảnh quay phim tại các tỉnh, thành phố như Tuyên Quang, Lâm Đồng, Huế…
Đối với việc tổ chức hội chợ phim điện ảnh Việt Nam như kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế, đề án tổ chức hội chợ phim Việt Nam ở nước ngoài trên cơ sở quy định của pháp luật nhằm tạo nhiều cơ hội xuất khẩu phim điện ảnh Việt Nam góp phần xây dựng hình ảnh và quảng bá điện ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua các bộ phim đặc sắc, hấp dẫn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Đối với phim truyền hình sẽ do Đài Truyền hình, Đài Phát thanh-Truyền hình chủ động tổ chức giới thiệu phim ra nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Hội chợ phim là một hình thức quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khuyến khích các cơ sở điện ảnh, các nhà đầu tư quan tâm đến điện ảnh Việt Nam, các nhà phát hành phim Việt Nam chủ động có kế hoạch tổ chức hội chợ phim Việt Nam thường niên ở nước ngoài, đăng ký các gian hàng phim Việt Nam tại các Liên hoan phim quốc tế uy tín, hoặc thông qua các sự kiện văn hóa, điện ảnh của Việt Nam ở nước ngoài để tổ chức hội chợ phim Việt Nam.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh để trả lời cử tri.