Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện một số quy định có liên quan tới quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới Thành Nhà Hồ

05/09/2020 | 08:00

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa gửi Thủ tướng Chính phủ do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 6531/VPCP-QHĐP ngày 08/8/2020, nội dung kiến nghị như sau:

Theo Quyết định số 1316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể Thành Nhà Hồ, Quyết định số 3034/2017/QĐ-UBND ngày 18/8/2017 của UBND tỉnh Thanh Hóa về ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới Thành Nhà Hồ quy định các công trình xây dựng không vượt quá 12m, trong khi đó việc cấp phép xây dựng các trạm BTS theo kỹ thuật thiết kế, đơn xin cấp phép là 36m trở lên, như vậy là không được cấp phép, dẫn đến hạ tầng viễn thông trên địa bàn huyện không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Một số dự án xây dựng thuộc vị trí quy hoạch Thành Nhà Hồ cũng không triển khai được. Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu giải quyết, đáp ứng nhu cầu của nhân dân (Câu số 114).

Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 3210/BVHTTDL-VP ngày 31/08/2020 về nội dung kiến nghị của cử tri, như sau:

Ngày 12/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1316/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch. Theo đó, di tích Thành Nhà Hồ được phân thành 02 vùng: Vùng lõi bao gồm 03 hợp phần của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ. Vùng đệm bao gồm các khu: Khu di tích tôn giáo, tín ngưỡng và cảnh quan liên quan đến Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ; khu cánh đồng cổ Xuân Giai và Nam Giao; khu cánh đồng mẫu lớn; làng truyền thống Xuân Giai, Tây Giai và Đông Môn và các làng xã khác; thị trấn Vĩnh Lộc; khu quản lý, đón tiếp, trưng bày, tổ chức lễ hội và khu lưu trú - dịch vụ du lịch.

Đối với Vùng đệm, Quy hoạch tổng thể bảo tồn, phát huy giá trị di tích Thành Nhà Hồ và vùng phụ cận gắn với phát triển du lịch quy định: "Thị trấn Vĩnh Lộc: ... Không xây dựng công trình với mật độ cao (mật độ xây dựng 30%- 45%), nhiều tầng (không quá 03 tầng) và hiện đại ở thị trấn Vĩnh Lộc. Hạn chế xây dựng trên tuyến đường Hòe Nhai, khống chế mật độ xây dựng (tối đa 35%), chiều cao công trình từ khu vực Trung tâm quản lý đón tiếp đến núi Đún (không quá 12m). Phong cách kiến trúc phải trên cơ sở khai thác yếu tố truyền thống".

Quy định hạn chế xây dựng tại một số khu vực có ảnh hưởng tới các di tích gốc của Di sản là nhằm mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và bảo vệ cảnh quan, môi trường- sinh thái của khu di sản. Do đó, việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, (trong đó có trạm BTS...) cần nghiên cứu hiện trạng, xác định vị trí thuộc khu vực nào trên bản đồ quy hoạch di tích Thành Nhà Hồ để đề xuất giải pháp thiết kế, xây dựng công trình phù hợp (ví dụ: lựa chọn, đề xuất trạm BTS có công nghệ hiện đại, tiên tiến) trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định trên cơ sở đảm bảo tuân thủ Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại Công văn số 3310/BTTTT-VP ngày 26/8/2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc phối hợp trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thanh Hóa, việc đưa ra các quy định quản lý hoạt động xây dựng (hạn chế mật độ xây dựng, chiều cao công trình) nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của các di sản đặc biệt là các di sản đã được thế giới công nhận như Thành Nhà Hồ là hết sức cần thiết, tuy nhiên cũng cần cân nhắc, lựa chọn một số vị trí (như tại khu vực vùng đệm) tạo điều kiện, cho phép các doanh nghiệp viễn thông triển khai các trạm thu phát sóng di động mới (được thiết kế bảo đảm phù hợp với cảnh quan của khu vực) nhằm bảo đảm việc cung cấp dịch vụ viễn thông cho người dân, cũng như khách du lịch góp phần phát huy giá trị của di sản đồng thời góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông di động khảo sát, đánh giá tình hình thực tế và đưa ra các giải pháp kỹ thuật phù hợp (như triển khai các trạm thu phát sóng lưu động phục vụ các đợt cao điểm về du lịch,…) nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông đồng thời bảo đảm tuân thủ các quy định về quản lý, bảo vệ khu di sản. Đồng thời, trên cơ sở kiến nghị của cử tri, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông khảo sát các trường hợp tương tự để có đánh giá tổng thể về khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định có liên quan, từ đó trao đổi, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp phù hợp đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa để trả lời cử tri./.

>> Toàn văn nội dung văn bản

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×