Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình về chế độ chính sách cho cán bộ trông coi di tích lịch sử đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia

28/12/2020 | 14:20

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 9525/VPCP-QHĐP ngày 13/11/2020, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri đề nghị Chính phủ quan tâm đến chế độ chính sách cho cán bộ cơ sở thôn, cán bộ trông coi di tích lịch sử đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia (Câu số 114).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 4782/BVHTTDL-VP ngày 24/12/2020 về giải quyết kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV, như sau:

Điều 16 Luật Di sản văn hóa năm 2001 đã quy định các quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa. Ngày 27/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 2946/BVHTTDL-DSVH gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiện toàn bộ máy quản lý di tích, trong đó có đối tượng là người trông coi trực tiếp di tích.

Theo trách nhiệm, thẩm quyền được phân cấp của các địa phương, trước đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã có chính sách hỗ trợ người trông nom trực tiếp di tích, xã có di tích quốc gia được hỗ trợ 01 người với số tiền bằng 01 tháng lương cơ bản. Tuy nhiên, do tình hình ngân sách địa phương khó khăn nên từ đầu năm 2020 đã không có kinh phí để hỗ trợ các đối tượng này. Như vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã có chính sách quan tâm hỗ trợ kinh phí đối với người đang trông coi các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, tuy nhiên không được nhiều và liên tục. Cùng với tỉnh Thái Bình, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và ban hành quy chế quản lý di tích, trong đó quy định rất cụ thể trách nhiệm, quyền lợi của tổ chức, cá nhân trông nom di tích (Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Ninh,…).

Trong giai đoạn 2021-2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện Luật Di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành để điều chỉnh, bổ sung, quy định chi tiết hơn các nội dung, trong đó có nội dung quy định về hỗ trợ đối với người trực tiếp trông coi di tích trình Chính phủ và Quốc hội xem xét ban hành, nhằm hiện thực hóa chính sách đối với đối tượng là người trông coi trực tiếp di tích.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình để trả lời cử tri./.

>>Toàn văn nội dung văn bản.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×