Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình gửi tới sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

02/04/2024 | 11:12

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri đề nghị quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam; sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 1241/BVHTTDL-VP ngày 25/3/2024 về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Bình gửi tới sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV như sau:

Về nội dung kiến nghị ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thế mạnh của Việt Nam

Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam bao gồm 12 lĩnh vực và mỗi lĩnh vực có những tiềm năng, thế mạnh, giá trị, thị trường và mục tiêu phát triển khác nhau. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao trực tiếp phụ trách 5/12 lĩnh vực (gồm: điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; du lịch văn hóa; quảng cáo), 7/12 lĩnh vực còn lại (gồm: kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; xuất bản; thời trang; truyền hình và phát thanh) do các Bộ chuyên ngành quản lý.

Với xu thế hướng đến các sản phẩm và dịch vụ dựa trên việc khai thác những giá trị văn hoá truyền thống, Việt Nam cần lựa chọn một số lĩnh vực đặc trưng có nhiều chất liệu để sáng tạo và tôn vinh văn hóa Việt; đặc biệt các lĩnh vực cần có "dư địa" lớn, tiềm năng trở thành các sản phẩm và dịch vụ mang thương hiệu đại diện cho hình ảnh quốc gia. Đối với một đất nước đang phát triển như Việt Nam, để phát huy được tối đa sức mạnh nội sinh, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hoá, các lĩnh vực được lựa chọn để ưu tiên tập trung đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm đến năm 2030 cần đáp ứng được các tiêu chí về khả năng quảng bá văn hoá, hướng đến giá trị tôn vinh các yếu tố truyền thống, tiềm năng phát triển vượt bậc khi có sự hỗ trợ từ hệ thống cơ chế, chính sách của Nhà nước.

Việt Nam với đặc điểm dân số trẻ, năng động, thích nghi nhanh với các xu hướng mới trên thế giới, do vậy các lĩnh vực nên được lựa chọn để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển phải đáp ứng yêu cầu về tiềm năng phát triển dài hạn, có chất liệu sáng tạo dồi dào dựa trên giá trị văn hóa, vị thế tầm chiến lược gắn với 2 sự phát triển của thời đại. Các lĩnh vực nên được lựa chọn để tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển đến năm 2030 bao gồm: (1) điện ảnh, (2) nghệ thuật biểu diễn, (3) du lịch văn hóa, (4) thủ công mỹ nghệ, (5) phần mềm và trò chơi giải trí, (6) thiết kế (những lĩnh vực còn lại vẫn được tiếp tục đầu tư phát triển đồng thời để phát huy hiệu quả tính liên kết giữa các ngành công nghiệp văn hóa).

Với quan điểm chỉ đạo "ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh của Việt Nam", Kết luận tại Hội nghị toàn quốc về phát triển công nghiệp văn hóa (diễn ra vào tháng 12/2023), Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực công nghệp văn hóa tham mưu Chính phủ ban hành "Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam", dự kiến trình Chính phủ trong tháng 3/2024; đồng thời, nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành mới "Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045" nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 12/2024.

Về nội dung kiến nghị việc bố trí nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực văn hóa; sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam"

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai xây dựng, hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025- 2035, dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội phê chuẩn, đầu tư cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian tới sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của toàn ngành, nhất là đầu tư giải quyết các điểm nghẽn về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình để trả lời cử tri.

>> Toàn văn nội dung văn bản

PV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×