Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh về một số nội dung liên quan tới Luật Đầu tư

01/01/2022 | 18:06

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 8243/VPCP-QHĐP ngày 10 tháng 11 năm 2021, nội dung kiến nghị như sau:

Tại điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư năm 2020 quy định các dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ: "dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt",  đề nghị sửa đổi theo hướng Thủ tướng Chính phủ chỉ xem xét đối với trường hợp "dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt." Lý do: quy định trên không thống nhất với quy định tại Điều 32 Luật Di sản văn hóa và Điều 4 Nghị định 109/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, cụ thể:

Thứ nhất, khoản 1 Điều 32 Luật Di sản văn hóa quy định rõ các khu vực bảo vệ di tích: "Các khu vực bảo vệ di tích bao gồm: a) Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; b) Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I". Đồng thời quy định việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Thứ hai, Điều 4 Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, quy định: Khu vực bảo vệ I và Khu vực bảo vệ II có tính chất khác nhau và có yêu cầu bảo vệ, tôn tạo khác nhau. Vì vậy việc quy định các dự án nằm trong phạm vi bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt mà không phân biệt Khu vực bảo vệ I hay Khu vực bảo vệ II đều thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư là chưa phù hợp.

Thứ ba, thực tiễn tại tỉnh Quảng Ninh: Vịnh Hạ Long đã được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới từ năm 1994, tại thời điểm đó đã xác định phác thảo về ranh giới của vùng đệm (vùng được khai thác để phát triển), vùng lõi (vùng hạn chế phát triển) và được sử dụng đến ngày nay. Do ranh giới được xác định từ những gần 30 năm trước nên đã không còn chính xác, không phản ánh đúng sự phát triển của địa phương. Thực tế rà soát cho thấy, một phần diện tích rất lớn các khu dân cư hiện trạng, đồi núi, các công trình văn hóa, chính trị, an ninh - quốc phòng... và phần lớn diện tích giáp biển của thành phố Hạ Long nằm trong ranh giới vùng đệm di sản. Như vậy việc đầu tư xây dựng các công trình nhà dân cũng cần xin ý kiến của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc xây dựng các dự án với quy mô 1000m2 cũng cần chấp thuận chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Điều này thực tế đã hạn chế rất nhiều khả năng phát triển của thành phố biển, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục pháp lý, đánh mất cơ hội đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 4913/BVHTTDL-VP ngày 30/12/2021 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, như sau:

Ngày 16 tháng 9 năm 2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 3395/BVHTTDL-DSVH gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan về việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư  để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ việc nghiên cứu, đề xuất phân cấp, phân quyền cho các địa phương gắn với phân rõ trách nhiệm của các địa phương trong công tác quản lý nhà nước nói chung, trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn gây cản trở cho quá trình phát triển chung của đất nước, bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi cho việc thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhiệm vụ nhanh hơn, hiệu quả hơn đồng thời tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Ngày 05 tháng 10 năm 2021, Chính phủ đã có Tờ trình số 376/TTr-CP gửi Quốc hội về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hải quan và Luật Thi  hành án dân sự, trong đó có nội dung về việc sửa đổi điểm g khoản 1 Điều 31 Luật Đầu tư.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh để trả lời cử tri.

>> Toàn văn nội dung văn bản./.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×