Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi về việc rà soát lại các cuộc thi sắc đẹp và triển khai thực hiện Luật Du lịch 2017
19/01/2019 | 14:43Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ngãi do Ban Dân nguyện chuyên đến theo Công văn số 470/BDN ngày 15/11/2018, nội dung kiến nghị như sau:
1. Về xây dựng tiêu chuẩn, quy chế thi và quản lý người đạt các danh hiệu trong các cuộc thi sắc đẹp: Thời gian qua, một số vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến các người mẫu, hoa hậu, á hậu của các cuộc thi sắc đẹp (như: môi giới mại dâm, bán dâm, có lối sống không lành mạnh, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với vị trí, danh hiệu đạt được...) đã tác động rất lớn đến đạo đức xã hội; gây phản cảm về lối sống thực dụng, xa hoa; ảnh hưởng không tốt đến thuần phong, mỹ tục, nhất là hình ảnh cao đẹp của người Phụ nữ Việt Nam. Cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành rà soát, kiểm tra lại việc xây dựng quy định, thể lệ, tiêu chuẩn của các cuộc thi sắc đẹp và quy chế quản lý, hoạt động của các người đẹp đạt giải để đảm bảo chọn được người có trí tuệ, nhan sắc, đạo đức, có trách nhiệm với bản thân, xã hội và phát huy các truyền thống tốt đẹp của người Phụ nữ Việt Nam (Câu số 17).
2. Hoạt động du lịch có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng tác động rất lớn đến các vấn đề về môi trường, văn hóa, xã hội, kinh tế, an ninh, trật tự... Đặc biệt, tác động rất lớn đến hình ảnh, thương hiệu du lịch của quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn còn nhiều nơi, điểm du lịch xảy ra những hình ảnh, hoạt động không tốt, như: chèo kéo, "chặt chém" du khách; xả rác thải gây ô nhiễm môi trường; du khách gây mất trật tự, an ninh; hướng dẫn viên nước ngoài thực hiện hướng dẫn "chui", không đảm bảo tiêu chuẩn,... đã gây ảnh hưởng không tốt tới chất lượng dịch vụ, nhất là những giới thiệu, thuyết minh sai lệch về lịch sử, văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa và an ninh, trật tự. Cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định mới của Luật Du lịch năm 2017, nhất là kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động du lịch (quy định tại Điều 9 của Luật Du lịch năm 2017) (Câu số 24).
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn Số: 5787/BVHTTDL-VP ngày 24/12/2018 về nội dung kiến nghị của cử tri:
1. Về việc rà soát, kiểm tra lại quy định, thể lệ, tiêu chuẩn của các cuộc thi sắc đẹp và quy chế quản lý, hoạt động của các người đẹp đạt giải
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP. Trong quá trình lấy ý kiến góp ý, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao đều đánh giá chính sách quản lý hoạt động thi người đẹp, người mẫu là nhạy cảm, phức tạp cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo trước khi xây dựng quy định pháp luật.
Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu, điều chỉnh các quy định về quản lý hoạt động thi người đẹp cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý nhà nước theo hướng: Tăng cường sự phối hợp, phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương; quy định kiểm soát chặt chẽ điều kiện đối với việc tổ chức các cuộc thi người đẹp ngay từ giai đoạn trước khi cấp giấy phép; quy định nội dung cụ thể về thẩm định hồ sơ đề nghị cho phép tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu (đặc biệt là năng lực tổ chức, ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị đề nghị, điều kiện đáp ứng của địa phương...); quy định mẫu quy chế tổ chức cuộc thi để hướng dẫn đơn vị tổ chức báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó, quy định cụ thể nội dung về trách nhiệm của thí sinh dự thi, thí sinh đạt giải và cơ chế xử lý thí sinh vi phạm... Theo kế hoạch, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP sẽ trình Chính phủ vào năm 2019.
2. Về việc triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định mới của Luật Du lịch năm 2017
Để chấn chỉnh và nâng cao hình ảnh điểm đến du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Kế hoạch số 1036/KH-BVHTTDL ngày 15/3/2017 về việc tăng cường công tác quản lý điểm đến du lịch và Kế hoạch số 1037/KH-BVHTTDL ngày 15/3/2017 về việc tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hoạt động hướng dẫn du lịch; chỉ đạo Tổng cục Du lịch đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện đồng bộ các kế hoạch trên cả nước và đã đạt được những kết quả tích cực về hình ảnh điểm đến.
Để nâng cao chất lượng dịch vụ hướng dẫn tại điểm đến, các địa phương và doanh nghiệp đã tăng cường hoạt động đào tạo bồi dưỡng hướng dẫn viên tại điểm, tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch.
Trong quá trình thực tiễn quản lý, thanh kiểm tra hoạt động du lịch tại các địa phương, đã phát hiện một số trường hợp người nước ngoài hành nghề hướng dẫn du lịch trái pháp luật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chỉ đạo kịp thời với những nội dung cụ thể như sau:
Tăng cường tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh hoạt động hướng dẫn du lịch trên toàn quốc, thu hồi thẻ đối với hướng dẫn viên có hành vi vi phạm theo quy định của Luật Du lịch và pháp luật có liên quan.
Phối hợp với các cơ quan công an, an ninh để giám sát và buộc xuất cảnh đối với các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam hành nghề hướng dẫn trái phép.
Sử dụng công nghệ hiện đại để in thẻ từ có vân chống giả để ngăn chặn việc in thẻ giả; thực hiện công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý hướng dẫn viên giả mạo; in mã QR trên thẻ hướng dẫn viên để khách du lịch chủ động kiểm tra hướng dẫn viên được cấp thẻ.
- Công khai danh sách hướng dẫn viên được cấp thẻ trên trang web: huongdanvien.vn để khuyến nghị khách du lịch và doanh nghiệp lữ hành sử dụng người có đủ năng lực phục vụ khách du lịch.
Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền thực hiện Luật Du lịch 2017, phối hợp với các tổ chức xã hội nghề nghiệp nâng cao trình độ nghiệp vụ cho hướng dẫn viên, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể:
- Tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai Luật Du lịch và các giải pháp quản lý điểm đến du lịch và hoạt động của hướng dẫn viên du lịch, tăng cường vai trò của các cơ quan quản lý khu du lịch, điểm du lịch trong việc quản lý hoạt động hướng dẫn du lịch.
- Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về du lịch như Hiệp hội Lữ hành, Hiệp hội hướng dẫn viên, Câu lạc bộ hướng dẫn viên miền Trung... hướng dẫn đánh giá, xếp hạng hướng dẫn viên, nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên.
- Áp dụng công nghệ cao để hỗ trợ khách du lịch tiếp cận thông tin điểm đến qua thiết bị di động cầm tay.
- Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ hướng dẫn viên, khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp và hiệp hội cùng tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho hướng dẫn viên, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên tại điểm.
- Tăng cường kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm, bổ sung các hành vi vi phạm những điều cấm của Luật Du lịch liên quan đến việc thu lợi bất hợp pháp từ khách du lịch, phân biệt đối xử với khách du lịch vào dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi để trả lời cử tri./.