Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Long An về việc khuyến khích phát triển xã hội hóa và tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử
14/08/2019 | 06:20Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Long An do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 199/BDN ngày 12/6/2019, nội dung kiến nghị như sau:
1. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng đưa nội dung đầu tư di tích lịch sử vào danh mục được hưởng chính sách khuyến khích phát triển xã hội hóa theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, nhằm huy động thêm các nguồn lực của xã hội phục vụ cho việc quản lý, duy tu, bảo dưỡng, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa tại các địa phương (Câu số 3).
2. Về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử (không có kết nối mạng internet và không phải là trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài), sau đây gọi là trò chơi điện tử: Thời gian qua, hoạt động trò chơi điện tử (phổ biến nhất là máy bắn cá) phát sinh những biểu hiện thiếu lành mạnh, lợi dụng để đánh bạc hoặc có thưởng không đúng quy định pháp luật, gây bức xúc, ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, trật tự, an toàn xã hội. Trước tình hình trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Công văn số 96/BVHTTDL-KHTC ngày 13/01/2016 về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử. Theo đó, đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện kiểm duyệt và dán tem, nhãn kiểm soát đối với toàn bộ máy trò chơi điện tử sản xuất trong nước và nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 Điều 8, khoản 2 Điều 11 Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ thực hiện việc kiểm tra hoặc thẩm định, phê duyệt nội dung và dán tem, nhãn kiểm soát, lưu hành đối với hàng hóa (trong đó bao gồm máy trò chơi điện tử) do thương nhân thuộc địa phương nhập khẩu hợp pháp theo quy định của pháp luật. Đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc thẩm định, phê duyệt nội dung và dán tem, nhãn kiểm soát, lưu hành đối với máy trò chơi điện tử sản xuất hoặc lắp ráp trong nước (kể cả quy định về hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với máy trò chơi điện tử không có dán tem, nhãn kiểm soát, lưu hành).
Mặt khác, văn bản pháp quy về việc quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử ban hành trước đây là Thông tư số 08/2000/TT-BVHTT ngày 28/4/2000 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đến nay không còn phù hợp để điều chỉnh, quản lý loại hình hoạt động này. Do đó, kiến nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản quy phạm quản lý hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử thống nhất trong cả nước (Câu số 4).
3. Hiện nay, hoạt động của các xe bán kẹo kéo kèm ca nhạc, hoạt động cho thuê "dàn nhạc sống, karaoke di động" đang phát triển mạnh, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, phát sinh một số biểu hiện tiêu cực, gây ồn ào, huyên náo, ảnh hưởng đến việc học tập, công tác, sức khỏe, giờ nghỉ ngơi của mọi người. Kiến nghị Chính phủ và Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch sớm ban hành các Nghị định và Thông tư quản lý hoạt động này (Câu số 5).
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 3047/BVHTTDL-VP Hà Nội, ngày 02 tháng 08 năm 2019 về nội dung kiến nghị của cử tri:
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
1. Về đề nghị sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ
Với hơn 4 vạn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh (sau đây gọi chung là di tích) đã được lập danh mục kiểm kê; gần 10.000 di tích cấp tỉnh, 3.493 di tích quốc gia , 105 di tích quốc gia đặc biệt và 08 di tích tiêu biểu được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới thì nguồn lực cần đáp ứng để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp sẽ rất lớn. Do đó, trong thực tế giai đoạn vừa qua, ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ mang tính chất "vốn mồi" và các địa phương đã chủ động thu hút xã hội hóa nguồn vốn để tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích.
Tuy nhiên, để đánh giá toàn diện hiệu quả của việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa để quản lý, duy tu, bảo dưỡng, phát huy giá trị của các di tích lịch sử - văn hóa tại các địa phương thì cần có nghiên cứu cụ thể. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận kiến nghị này của cử tri để xem xét, đánh giá cụ thể trong thời gian tới.
2. Về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử
Thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan cùng các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tiến hành tuyên truyền phổ biến, tập huấn, thanh tra, kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử tại các địa phương trên cả nước.
Bên cạnh hệ thống các văn bản pháp luật quy định về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử là cơ sở pháp lý điều chỉnh toàn diện hoạt động kinh doanh này như: Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013, Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16/12/2009 hướng dẫn Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009, Thông tư số 28/2014/TT- BVHTTDL ngày 31/12/2014 quy định về quản lý hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế thuộc diện quản lý chuyên ngành văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… và các cam kết quốc tế áp dụng trực tiếp đối với điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử của Việt Nam khi gia nhập, trên cơ sở kết quả tổng kết, tiếp thu kiến đề xuất của địa phương và kiến nghị của các cử tri, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động xây dựng cũng như phối hợp với các cơ quan liên quan, đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản, chính sách mới, hoặc tiếp tục sửa đổi, bổ sung theo hướng quản lý chặt chẽ, phù hợp và thống nhất hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử (bao gồm loại hình máy bắn cá) như:
- Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi năm 2016) Phụ lục 4, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn liên quan (quy định kinh doanh trò chơi điện tử, máy/thiết bị/phần mềm trò chơi điện tử là đối tượng quản lý theo điều kiện…);
- Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017, Nghị định số 142/2018/NĐ-CP ngày 09/10/2018, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018;
- Thông tư số 26/2018/TT-BVHTTDL sửa đổi một số điều của Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL, Thông tư số 24/2018/TT-BVHTTDL…
Như vậy, đến nay hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành quy định về hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử tương đối đầy đủ. Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất xây dựng chính sách và các văn bản hướng dẫn phù hợp theo hướng tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, các chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật, kiểm soát nội dung chặt chẽ… đối với các máy, thiết bị cài đặt trò chơi điện tử theo đúng thẩm quyền trách nhiệm Chính phủ phân công.
Riêng đối với các các hành vi lợi dụng kinh doanh máy trò chơi điện tử để đánh bạc trá hình, trả thưởng trái quy định pháp luật, biến loại hình vui chơi giải trí này thành tệ nạn xã hội… thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan công an. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã, đang và sẽ tích cực tham gia với tư cách là cơ quan phối hợp với Bộ Công an trong quá trình Bộ Công an chỉ đạo và xử lý các máy trò chơi điện tử đánh bạc trá hình trên cả nước; đồng thời trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ và chỉ đạo cơ quan văn hóa địa phương phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền địa phương để chỉ đạo lực lượng công an phát hiện, điều tra, xử lý theo đúng thẩm quyền.
3. Về đề nghị ban hành các văn bản quản lý hoạt động của các xe bán kẹo kéo kèm ca nhạc, hoạt động cho thuê "dàn nhạc sống, karaoke di động"
Về nội dung kiến nghị này, ngày 14/02/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 441/BVHTTDL-VP gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An. Theo đó, hoạt động kinh doanh karaoke là hoạt động kinh doanh có điều kiện được Quy định tại Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.
Các xe bán kẹo kéo kèm ca nhạc, hoạt động cho thuê "dàn nhạc sống, karaoke di động" không thuộc hoạt động kinh doanh karaoke. Hoạt động nêutrên khi vi phạm sẽ xử lý theo các quy định về an ninh trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, để xử lý vi phạm đối với loại hình hoạt động này cần căn cứ vào các quy định khác của pháp luật về quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn tại khu vực thông thường (khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính) thì hành vi gây tiếng ồn vượt quá giới hạn tối đa cho phép sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo quy định tại Điều 48 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP thì thẩm quyền xử phạt hành chính thuộc Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp. Do vậy, về nội dung kiến nghị này do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp xử lý, giải quyết theo quy định.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An để trả lời cử tri./.