Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn về một số nội dung quy định tại Luật Thư viện
12/08/2019 | 14:25Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lạng Sơn do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 199/BDN ngày 12/6/2019, nội dung kiến nghị như sau:
Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Thư viện
1. Tại Điều 2 quy định về giải thích từ ngữ
- Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung giải thích một số khái niệm đã được nêu ra tại Điều 5 như: Thư viện cộng đồng, thư viện công cộng, thư viện truyền thống, thư viện tích hợp...để cụ thể hóa trong triển khai thực hiện luật.
- Tại Khoản 1, đề nghị bỏ từ "xử lý". Sau khi chỉnh sửa, bổ sung, Khoản 1 viết lại như sau: "Thư viện là tổ chức hoặc một bộ phận của tổ chức thực hiện việc xây dựng, bảo quản vốn tài liệu, cung cấp thông tin, tài liệu và tiện ích thư viện phục vụ nhu cầu thông tin, nghiên cứu, giáo dục, giải trí của người sử dụng nhằm mục tiêu kích thích học tập cá nhân và thúc đẩy xã hội phát triển".
2. Tại Điều 3 quy định về Chức năng, nhiệm vụ của thư viện
- Tại Khoản 1, Điều 3 bổ sung từ "phổ biến" cụ thể như sau: "Thu thập, lưu trữ, bảo tồn, phát triển vốn tài liệu, cung cấp thông tin, phổ biến, truyền bá tri thức, giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại".
- Tại Khoản 2, Điều 3 bổ sung cụm từ "phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí của người sử dụng" và "mọi tầng lớp". Sau khi chỉnh sửa, bổ sung, Khoản 2 viết lại như sau: "Tổ chức sử dụng chung vốn tài liệu trong xã hội phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí của người sử dụng; nhằm phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, tạo môi trường học tập suốt đời cho mọi tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
3. Tại Điều 4 quy định về chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện
Tại Điểm c, Khoản 1 Điều 4 đề nghị bổ sung từ "xã hội". Sau khi bổ sung, Điểm c viết lại như sau: "Sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học, xã hội".
4. Tại Điều 8 quy định về điều kiện thành lập và hoạt động thư viện
- Tại Điểm c, Khoản 1 đề nghị nghiên cứu bổ sung cụm từ "theo chuẩn chứng chỉ, bằng cấp". Sau khi chỉnh sửa, bổ sung, Điểm c Khoản 1 Điều 8 viết lại như sau: "Người làm thư viện có chuyên môn, nghiệp vụ thư viện theo chuẩn chứng chỉ, bằng cấp".
Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết cụ thể quy định này (một số nội dung có tính chất định lượng như: Vốn tài liệu, cơ sở vật chất...).
- Tại Điểm d, Khoản 1 đề nghị bổ sung từ "đủ" và cụm từ "để thực hiện các hoạt động tối thiếu của thư viện theo quy định". Sau khi chỉnh sửa, bổ sung, Điểm d viết lại như sau: "Có đủ cơ sở vật chất để thực hiện các hoạt động tối thiểu của thư viện theo quy định".
5. Tại Điều 14 quy định về xây dựng vốn tài liệu và tiện ích thư viện
- Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định khi xây dựng vốn tài liệu thư viện phải bảo đảm điều kiện về nguồn gốc pháp lí.
- Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 14 đề nghị nghiên cứu bổ sung cụm từ "theo quy định của từng loại thư viện tại Điều 5", sau khi bổ sung, Điểm d, Khoản 1 viết lại như sau: "Định kỳ kiểm kê, thanh lọc tài liệu thư viện theo quy định của từng loại thư viện tại Điều 5".
6. Tại Điều 29 quy định về quyền và nghĩa vụ của thư viện chuyên ngành
Tại khoản 7, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định như sau: "Cho phép người ngoài cơ quan, tổ chức mình sử dụng vốn tài liệu, các sản phẩm, dịch vụ thông tin thư viện phù hợp với nội quy thư viện".
7. Tại Điều 49 quy định về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp
- Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong quản lý Nhà nước về thư viện.
- Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, thống nhất tên của Chương IV "Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện" với tên của Mục 2, Chương IV "Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện".
- Đồng thời, đề nghị quy định rõ (hoặc tách biệt nội dung quy định giữa quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện nêu tại Mục 2 Chương IV (Điều 32,33,34), vì tại các Điều này chủ yếu quy định về trách nhiệm, chưa rõ quy định về quyền của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thư viện.
8. Một số nội dung khác
- Đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết đối với hoạt động thư viện (quyền, nghĩa vụ, vốn tài liệu...) của một số cơ sở giáo dục thuộc lực lượng vũ trang (Công an, Quân đội...) để bảo đảm bí mật Nhà nước.
- Đề nghị bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về công tác tổ chức hệ thống thư viện công cộng để thư viện trở thành thiết chế văn hóa.
- Về thể thức trình bày văn bản: Đề nghị cơ quan soạn thảo chỉnh sửa đánh số trang đặt canh giữa theo chiều ngang trong phần lề trên của văn bản theo quy định tại Điều 76 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Câu số 18).
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số: 3045/BVHTTDL-VP Hà Nội, ngày 2 tháng 08 năm 2019 về nội dung kiến nghị của cử tri:
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
Dự thảo Luật Thư viện đã được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Các nội dung kiến nghị của cử tri, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận và chuyển cho Ban Soạn thảo, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, tiếp thu và quy định cụ thể trong dự thảo Luật.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn để trả lời cử tri./.