Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng về kiến nghị có chế tài xử lý với các nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng do nghệ sĩ thực hiện

30/08/2023 | 13:59

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 742/BDN ngày 14 tháng 6 năm 2023, nội dung kiến nghị như sau:

1. Hiện nay, có nhiều nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng. Cử tri đề nghị phải có chế tài xử lý cũng như quản lý thuế với các quảng cáo đồng thời phải chịu trách nhiệm về việc những quảng cáo do nghệ sĩ thực hiện.

2. Trong các khu công nghiệp chưa có các sân chơi thể thao (sân cầu lông, bóng đá, bóng chuyền…), nhà văn hóa để phục vụ nhu cầu văn hóa thể thao, giảm căng thẳng sau thời gian làm việc tại công ty, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Trong thời gian tới đề nghị quan tâm, xây dựng nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc gần khu công nghiệp để công nhân lao động có điều kiện được sinh hoạt văn hóa, tập luyện văn hóa thể thao.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 3330/BVHTTDL-VP ngày 11/8/2023 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV như sau:

1. Về kiến nghị có chế tài xử lý với các nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng do nghệ sĩ thực hiện

 Khi quảng cáo, tham gia thực hiện quảng cáo thực phẩm (trong đó có thực phẩm chức năng), các tổ chức, cá nhân đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo cũng như các hành vi bị cấm trong quảng cáo, phương tiện quảng cáo, tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo... Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về quảng cáo, đặc biệt là đối với các nghệ sĩ tham gia quảng cáo thực phẩm chức năng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến như sau:

- Tại Luật Quảng cáo hiện hành có khái niệm về: "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo", do đó, khi tham gia vào hoạt động quảng cáo, "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo" sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Tuy nhiên, để xác định cụ thể trách nhiệm của nghệ sĩ khi tham gia quảng cáo, cần phải căn cứ vào từng trường hợp, mối quan hệ giữa người chuyển tải sản phẩm quảng cáo với người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (tự thực hiện hoặc được thuê), từ đó áp dụng các chế tài xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

- Hiện nay, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Sau khi tổng kết, lấy ý kiến, Bộ Văn hóa, 2 Thể thao và Du lịch đã đề xuất đưa quy định về "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng" (trong đó có nghệ sĩ) vào nội dung dự kiến của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Quảng cáo nhằm tạo hành lang pháp lý quản lý chặt chẽ hơn đối với chủ thể này khi tham gia hoạt động quảng cáo, phát huy lợi thế về sức ảnh hưởng tích cực đồng thời và giảm thiểu những tác động tiêu cực đến xã hội.

Về nội dung liên quan đến quản lý thuế: Khi thực hiện quảng cáo, các tổ chức, cá nhân tham gia phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

2. Về đề nghị quan tâm, xây dựng nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp hoặc gần khu công nghiệp để công nhân lao động có điều kiện được sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể thao

Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao trong khu công nghiệp, khu chế xuất được Chính phủ giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì. Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động nói chung hiện nay có:

- 04 Cung văn hóa lao động cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Cung văn hóa lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh), Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô (Thành phố Hà Nội), Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Nhật (tỉnh Quảng Ninh), Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp (thành phố Hải Phòng);

- 02 Trung tâm văn hóa lao động cấp tỉnh: Trung tâm văn hóa thể thao và du lịch Công đoàn Đường sắt, Trung tâm văn hóa lao động tỉnh Bình Dương; 23 Nhà văn hóa lao động cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tuyên Quang, Phú Thọ, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Kiên Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ;

- 04 thiết chế văn hóa, thể thao ở khu công nghiệp: Trung tâm sinh hoạt văn hóa công nhân tỉnh Sóc Trăng, Nhà văn hóa công nhân khu công nghiệp Điện Nam Điện Ngọc (tỉnh Quảng Nam), Nhà văn hóa công nhân khu công nghiệp Khai Quang (tỉnh Vĩnh Phúc), Trung tâm văn hóa thể thao khu công nghiệp Đồng Văn (tỉnh Hà Nam);

- 17 Nhà văn hóa lao động quận, huyện, khu công nghệ cao trực thuộc Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà văn hóa lao động thành phố Thủ Đức, quận Tân Bình, quận Tân Phú, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, quận Bình Tân, quận Bình Thạnh, quận 6, quận 7, quận 8, quận 11, quận 12, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ, nhà văn hóa lao động khu công nghệ cao.

Về thiết chế văn hóa, thể thao các cấp gồm: 66 thiết chế văn hoá cấp tỉnh (Trung tâm văn hoá, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh,...); 689/705 quận, huyện có Trung, tâm Văn hoá - Thể thao hoặc Nhà Văn hoá (đạt tỷ lệ khoảng 97,7%); 8.207/10.598 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hoá - Thể thao, đạt tỷ lệ 77,4% trong đó có 5.625 đạt chuẩn (tỷ lệ 53%); 69.070/90.508 làng, thôn, bản, ấp… có Nhà Văn hoá, đạt tỷ lệ khoảng 76,3% trong đó có 44.836 đạt chuẩn (tỷ lệ 49,5%).

Với mục tiêu phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đồng bộ, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân ở các vùng, miền, khu vực trong cả nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến 2020 "100% Khu công nghiệp, Khu chế xuất có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động; Trong đó tối thiểu 30% Khu công nghiệp, Khu chế xuất đã hoạt động xây dựng được Trung tâm Văn hóa - Thể thao phục vụ công nhân, người lao động" và đến năm 2030, "50% Khu công nghiệp, Khu chế xuất có Trung tâm Văn hóa - Thể thao".

Để khắc phục tình trạng thiếu sân chơi cho công nhân, người lao động tại các Khu công nghiệp, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai thực hiện một số giải pháp trước mắt và lâu dài, cụ thể:

- Thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo việc làm bền vững nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp số 2862/CTPH-BVHTTDL-TLĐLĐVN ngày 13 tháng 10 năm 2021 về xây dựng đời sống văn hoá, nâng cao hiệu quả hoạt động thể dục thể thao của công chức, viên chức, công nhân lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giai đoạn 2021-2026. Ban hành: Công văn số 1204/BVHTTDL-VHCS ngày 01 tháng 4 năm 2019 về nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; Công văn số 1339/BVHTTDL-VHCS ngày 09 tháng 4 năm 2019 gửi Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về việc nâng cao chất lượng và phối hợp tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi giải trí cho trẻ em tại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở…

- Đề nghị chính quyền địa phương quản lý, khai thác, phát huy tối đa hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp phục vụ nhu cầu của công nhân, người lao động tại Khu công nghiệp đóng trên địa bàn; Chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch địa phương xây dựng Chương trình phối hợp với Liên đoàn Lao động các tỉnh/thành phố tổ chức thường xuyên các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao tại các Khu công nghiệp;

- Đề nghị UBND cấp tỉnh và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tích cực hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 đối với thiết chế văn hóa, thể thao công đoàn tại các Khu công nghiệp.

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan liên quan tiến hành khảo sát, kiểm tra các thiết chế văn hoá, thể thao tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất để có những giải pháp tốt hơn tạo điều kiện cho công nhân lao động được sinh hoạt văn hóa, tập luyện thể thao. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng để trả lời cử tri.

Toàn văn nội dung văn bản

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×