Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Kiên Giang về ban hành văn bản hướng dẫn địa phương trong việc công nhận điểm du lịch, khu du lịch, quản lý khu du lịch các cấp

11/12/2020 | 08:10

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Kiên Giang do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 386/BDN ngày 29/10/2020, nội dung kiến nghị như sau:

1. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có rất nhiều khu, điểm du lịch đang hoạt động, có điều kiện để được công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp tỉnh, nhưng theo quy định tại Khoản 1, Điều 11, Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 thì điều kiện để công nhận là điểm du lịch phải có tài nguyên du lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tại Khoản 1, Điều 12, đối với điều kiện công nhận khu du lịch cấp tỉnh phải có ít nhất 01 tài nguyên du lịch. Theo quy định của Luật Du lịch 2017 và Nghị định số 168/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch thuộc trách nhiệm Bộ VHTTDL chủ trì thực hiện. Tuy nhiên, đến nay Bộ vẫn chưa triển khai thực hiện nên việc công nhận điểm du lịch, khu du lịch cấp tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, cử tri đề nghị Bộ VHTTDL sớm ban hành văn bản hướng dẫn để địa phương thực hiện (Câu số 1).

2. Cử tri cho rằng, đối với việc quản lý khu du lịch, mặc dù Luật Du lịch có quy định phân cấp: Chính phủ quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia; UBND cấp tỉnh quy định mô hình quản lý khu du lịch cấp tỉnh, nhưng thực tế tại mỗi địa phương lại có nhiều khu du lịch có quy mô khác nhau, mô hình quản lý cũng khác nhau nên gặp khó khăn trong việc tìm mô hình và phương thức quản lý chung. Cử tri đề nghị Bộ VHTTDL sớm ban hành văn bản hướng dẫn để địa phương thực hiện đồng bộ và thống nhất (Câu số 2).

3. Cử tri phản ánh, việc thực hiện thống kê về du lịch thực hiện theo: Thông tư số 26/2014/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL quy định về thống kê du lịch triển khai thực hiện từ năm 2014 và Luật thống kê năm 2003, nhưng đến nay không còn phù hợp với các quy định pháp luật về Thống kê cũng như Luật Du lịch 2017. Vì vậy, cử tri Kiên Giang đề nghị Chính phủ chỉ đạo, rà soát để quy định thống nhất và phù hợp trong tình hình mới, để địa phương dễ thực hiện (Câu số 3).

4. Cử tri Kiên Giang cho rằng, Luật Du lịch năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/1/2018 quy định việc xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện. Chính quy định thông thoáng này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch khi hoạt động không thông báo đến cơ quan quản lý cấp tỉnh về thời điểm bắt đầu hoạt động kinh doanh; tự mạo nhận hạng sao, quảng cáo sai với loại hạng so với thực tế, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch dẫn đến cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các cơ sở lưu trú du lịch có đăng ký xếp hạng và các cơ sở lưu trú không đăng ký xếp hạng, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về lưu trú. Thời gian gần đây, một số dự án du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (du lịch trải nghiệm nông thôn - Farmstay) khá phổ biến, đây là loại hình cơ sở lưu trú du lịch mới, tuy nhiên hiện nay không có văn bản nào quy định việc quản lý đối với loại hình lưu trú này. Vì vậy, cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm: (1) Ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 26/2014/TTBVHTTDL ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để phù hợp với các quy định hiện hành; bổ sung các quy định, hướng dẫn chi tiết việc quản lý, cấp thẻ Hướng dẫn viên du lịch (HDV) vào các Thông tư (thay thế các công văn hướng dẫn của Tổng cục Du lịch (TCDL) làm căn cứ pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện. (2) Phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh (Sở Du lịch) cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đón khách vào Việt Nam (Inbound) để thuận tiện cho công tác quản lý. (3) Hướng dẫn cụ thể công tác quản lý nhà nước đối với chi nhánh văn phòng đại diện của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong nước; (4) Triển khai việc điều tra phân loại đánh giá tài nguyên du lịch làm cơ sở để công nhận các khu, điểm du lịch theo quy định. (5) Hướng dẫn địa phương công tác quản lý nhà nước đối với loại hình cơ sở lưu trú du lịch "du lịch trải nghiệm nông thôn - Farmstay" và loại hình "Condotel" (Câu số 4).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 4577/BVHTTDL-VP ngày 08/12/2020 về việc giải quyết kiến nghị của cử tri trước kỳ họp 10, Quốc hội khóa XIV, như sau:

1. Về kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn phân loại tài nguyên du lịch cấp tỉnh

Tại khoản 4 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017 quy định tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Tại Điều 3 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, quy định rõ trách nhiệm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định điều tra tổng thể tài nguyên du lịch. Căn cứ nhu cầu thực tiễn hoặc theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định điều tra bổ sung để cập nhật thông tin về tài nguyên du lịch. Thời gian thực hiện điều tra do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Kế hoạch phối hợp với các địa phương, bộ, ngành triển khai thực hiện công tác điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch năm 2021. Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện phân loại, xếp hạng các di tích, thắng cảnh theo Luật Di sản văn hóa. Do đó, trong thời gian chưa có kết quả điều tra, phân loại tài nguyên du lịch, để thực hiện công nhận các khu, điểm du lịch cấp tỉnh, các địa phương có thể xem xét các di sản, di tích, thắng cảnh được xác định phân loại các cấp theo Luật Di sản để làm cơ sở xem xét các loại tài nguyên du lịch cấp tỉnh.

2. Về kiến nghị ban hành văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện đồng bộ và thống nhất mô hình quản lý khu du lịch các cấp

Mô hình quản lý các khu du lịch quốc gia hiện nay rất đa dạng, nhưng chủ yếu là trực thuộc UBND cấp tỉnh. Bên cạnh đó, có nhiều mô hình trực thuộc UBND cấp huyện như: Khu du lịch Núi Sam, Ba Bể, Côn Đảo…; một số khu du lịch trực thuộc Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch như: Khu du lịch Tràng An, Tân Trào, Côn Sơn - Kiếp Bạc, Năm Căn…; một số khu du lịch khác có Ban Quản lý được lồng ghép trong Ban Quản lý vườn quốc gia… Ngoài ra, một số khu du lịch có mô hình đặc biệt như: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khu du lịch Cù Lao Chàm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, Khu du lịch quốc gia Mũi Né có có hai Ban Quản lý trực thuộc 2 đơn vị hành chính cấp huyện khác nhau… Mỗi mô hình đều có những thuận lợi và khó khăn riêng. Một số mô hình đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả trong công tác quản lý hoạt động du lịch. Tuy nhiên, một số mô hình hiện nay còn chưa xác định được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc chồng chéo trong quá trình quản lý, gây ra những khó khăn trong thực thi nhiệm vụ.

Hiện nay, Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và trình Chính phủ Nghị định về mô hình quản lý khu du lịch quốc gia trong năm 2021 theo tinh thần của Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Về kiến nghị rà soát, sửa đổi lại Thông tư số 26/2014/TT-BVHTTDL của Bộ VHTTDL quy định về thống kê du lịch

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng các Thông tư về hệ thống chỉ tiêu và chế độ báo cáo thống kê ngành du lịch phù hợp với Luật Du lịch năm 2017, Luật Thống kê năm 2015 và tình hình thực tiễn để triển khai thống nhất trong cả nước, dự kiến ban hành trong năm 2020, thay thế cho Thông tư số 26/2014/TT-BVHTTDL.

4. Về kiến nghị bổ sung các quy định, hướng dẫn chi tiết việc quản lý, cấp thẻ Hướng dẫn viên du lịch (HDV) vào các Thông tư

Hiện nay, các quy định, hướng dẫn chi tiết việc quản lý, cấp thẻ HDV được thực hiện theo quy định của Luật Du lịch năm 2017, Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch và Thông tư số 13/2019/TT-BVHTTDL ngày 25/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

5. Về kiến nghị phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh (Sở Du lịch) cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đón khách vào Việt Nam (Inbound)

Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành đón khách vào Việt Nam (Inbound) là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, với tính chất hoạt động kinh doanh phức tạp và trên phạm vi cả nước. Luật Du lịch năm 2017 đã quy định thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế của Tổng cục Du lịch. Do đó, việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy phép cho cơ quan quản lý du lịch cấp tỉnh theo ý kiến của cử tri cần được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Du lịch theo trình tự, thủ tục quy định.

6. Về kiến nghị hướng dẫn cụ thể công tác quản lý nhà nước đối với chi nhánh văn phòng đại diện của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành trong nước

- Theo quy định tại Điều 44 Luật Du lịch năm 2017, cơ quan chuyên môn quản lý du lịch cấp tỉnh tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.

- Thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài đã được quy định cụ thể tại:

+ Thông tư số 11/2016/TT-BCT ngày 05/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định biểu mẫu thực hiện nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam;

+ Nghị định số 07/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam;

+ Thông tư số 33/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.

Các thủ tục trên đã được hướng dẫn cụ thể trên trang thông tin của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch.

7. Về kiến nghị triển khai điều tra, phân loại đánh giá tài nguyên du lịch làm cơ sở để công nhận các khu, điểm du lịch theo quy định

- Khoản 4 Điều 3 Luật Du lịch năm 2017 quy định tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, yếu tố tự nhiên và các giá trị văn hóa làm cơ sở để hình thành sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch. Tài nguyên du lịch bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa. Điều 3 Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, quy định rõ trách nhiệm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định điều tra tổng thể tài nguyên du lịch. Căn cứ nhu cầu thực tiễn hoặc theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định điều tra bổ sung để cập nhật thông tin về tài nguyên du lịch. Thời gian thực hiện điều tra do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Kế hoạch phối hợp với các địa phương, bộ ngành triển khai thực hiện công tác điều tra, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch năm 2021. Đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện phân loại, xếp hạng các di tích, thắng cảnh theo Luật Di sản văn hóa. Do đó, trong thời gian chưa có kết quả điều tra, phân loại tài nguyên du lịch, để thực hiện công nhận các khu, điểm du lịch cấp tỉnh, các địa phương có thể xem xét các di sản, di tích, thắng cảnh được xác định phân loại các cấp theo Luật Di sản văn hóa để làm cơ sở xem xét các loại tài nguyên du lịch cấp tỉnh.

8. Về kiến nghị hướng dẫn địa phương công tác quản lý nhà nước đối với loại hình cơ sở lưu trú du lịch "du lịch trải nghiệm nông thôn - Farmstay" và "Condotel"

- Về đề nghị hướng dẫn công tác quản lý nhà nước đối với loại hình cơ sở lưu trú du lịch "du lịch trải nghiệm nông thôn - Farmstay":

Mô hình trang trại nghỉ dưỡng (Farmstay) được hiểu là mô hình kết hợp khai thác giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp và hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng.

Quản lý mô hình Farmstay không chỉ là quản lý cơ sở lưu trú du lịch, mà thực chất là việc quy hoạch, cấp phép đầu tư dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất rừng để kết hợp sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch. Đây là vấn đề mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Thủ tướng Chính phủ đã giao các Bộ liên quan nghiên cứu, kiến nghị đề xuất những nội dung quản lý. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số nội dung như: nghiên cứu, xây dựng ban hành tiêu chí cụ thể đối với mô hình trang trại nghỉ dưỡng; điều chỉnh, bổ sung Luật Du lịch, xem xét bổ sung loại hình cơ sở lưu trú du lịch "trang trại nghỉ dưỡng nông thôn – Farmstay" vào Luật Du lịch để thống nhất quản lý; nghiên cứu hoàn thiện quy chế quản lý loại hình bất động sản nghỉ dưỡng tại các dự án Farmstay; nghiên cứu, ban hành quy định về tỉ lệ diện tích đất nông nghiệp tại các dự án Farmstay được phép xây dựng các công trình nhà ở kiên cố phục vụ phát triển du lịch; kiến nghị chính sách ưu đãi khuyến khích phát triển mô hình liên kết phát triển nông nghiệp, du lịch.

- Về đề nghị hướng dẫn công tác quản lý nhà nước đối với loại hình "Condotel":

Ngày 28/10/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BVHTTDL về Quy chế quản lý, kinh doanh căn hộ khách sạn (condotel và biệt thự du lịch nghỉ dưỡng). Việc ban hành quy chế này, nhằm phục vụ cho việc quản lý kinh doanh loại hình dịch vụ lưu trú du lịch đối với loại hình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang để trả lời cử tri./.

>> Toàn văn nội dung văn bản

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×