Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh về việc hướng dẫn mô hình quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn các tỉnh, thành phố

02/04/2024 | 10:05

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024, nội dung kiến nghị như sau:

Đề nghị ban hành hướng dẫn mô hình quản lý các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn các tỉnh, thành phố, đảm bảo khoa học, hiệu quả và đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 1243/BVHTTDL-VP ngày 25/03/2024 về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh gửi tới sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV như sau:

Ngày 27/8/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 2946/BVHTTDL-DSVH gửi các Bộ, ngành và địa phương về việc hướng dẫn kiện toàn bộ máy quản lý di tích đảm bảo tinh gọn, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ di tích, chấm dứt tình trạng không có hoặc không rõ người chịu trách nhiệm bảo vệ, trông nom di tích.

Đối với các di sản thế giới, ngày 21/9/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2017/NĐ-CP quy định về việc quản lý và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới ở Việt Nam, theo đó nội dung Điều 15 và 16 quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ của các Ban quản lý di sản thế giới.

Đồng thời, để thực hiện chức năng quản lý di tích theo phân cấp của Chính phủ, sau khi di tích được xếp hạng, các địa phương trên cả nước đã căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng, ban hành các quy chế phân cấp quản lý di tích trên địa bàn, thành lập các Ban/Trung tâm quản lý di tích (08 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, nhiều di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia cũng đã được thành lập các Ban/Trung tâm quản lý hoặc được giao cho các đơn vị có chức năng để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị), qua đó đã xác định rõ trách nhiệm trông nom, quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại địa phương...

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang hoàn thiện dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đã bổ sung quy định về người đại diện, ban quản lý di tích, nhiệm vụ của ban quản lý di tích. Trong quá trình tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định liên quan đến việc quản lý di tích để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh để trả lời cử tri.

>> Toàn văn nội dung văn bản

PV

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×