Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh về việc đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa và xây dựng thiết chế văn hóa

19/04/2019 | 14:07

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh gửi Thủ tướng Chính phủ sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 803/VPCP-QHĐP ngày 28/01/2019, nội dung kiến nghị như sau:

"Đề nghị xem xét ban hành cơ chế chính sách thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cụ thể: Quan tâm đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia đã xuống cấp, nhất là các di tích lịch sử văn hóa cách mạng; tăng mức hỗ trợ xây dựng thiết chế văn hoá, thể thao, Trạm truyền thanh cơ sở đạt tiêu chí nông thôn mới cho các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa và đầu tư hạ tầng giao thông, môi trường xây dựng thị trấn huyện đạt chuẩn văn mình đô thị, đặc biệt đối với các thị trấn miền núi dọc tuyến đường Hồ Chí Mình" (Câu số 2).

Thực hiện sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 912/BVHTTDL-VP ngày 14/3/2019 về nội dung kiến nghị của cử tri:

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30/6/2017. Theo đó, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa đã hỗ trợ các địa phương kinh phí để thực hiện dự án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nhằm tu bổ, tôn tạo tổng thể 20 di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt và một số di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu; hỗ trợ nâng cấp, tu bổ cấp thiết khoảng 400 lượt di tích cấp quốc gia, trong đó đặc biệt quan tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện các di tích lịch sử văn hóa cách mạng.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều thiết chế văn hóa xã, thôn được quan tâm đầu tư đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân, tuy nhiên, các thiết chế văn hóa tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn thiếu và chưa đạt. Theo báo cáo sơ kết 03 năm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa năm 2015 đạt 17,8% (cả nước là 34,6%), tuy nhiên đến năm 2018 đạt 30% (cả nước đạt 52,7%). Nguồn lực phân bổ của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, trong khi đó nguồn lực xã hội hóa, đóng góp của nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với các tỉnh vùng đồng bằng còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới những hạn chế về nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa tại các vùng này.

Để thực hiện hiệu quả các thiết chế văn hóa tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Chính phủ, Quốc hội tăng nguồn kinh phí hỗ trợ đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ kinh phí các tỉnh vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, đề nghị UBND các tỉnh miền núi khi được bố trí nguồn lực từ các chương trình, dự án cần quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, đồng thời có chính sách đối với cán bộ làm công tác văn hóa tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao.

Đối với tỉnh Hà Tĩnh, thông qua Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đề xuất của tỉnh trong kế hoạch từ năm 2016 đến năm 2019, Bộ đã hỗ trợ tu bổ, tôn tạo 05 di tích trên địa bàn với số kinh phí là: 1,8 tỷ đồng (Năm 2017: 800 triệu đồng cho 02 di tích: Đền Voi Mẹp: 400 triệu đồng, Đền Cả: 400 triệu đồng; Năm 2019: 01 tỷ đồng cho 03 di tích: Đền Cả Tổng Du Đồng: 400 triệu đồng, Nhà thờ Cao Thắng: 300 triệu đồng, Đền Gôi Vị: 300 triệu đồng). Trong kế hoạch năm 2020, trên cơ sở đề xuất của tỉnh, Bộ sẽ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí sự nghiệp để tu bổ, tôn tạo một số di tích quốc gia đang bị xuống cấp trên địa bàn tỉnh, trong đó có di tích lịch sử cách mạng. Đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh nghiên cứu, xem xét bố trí ngân sách của địa phương và huy động nguồn xã hội hóa để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích trong đó có di tích lịch sử cách mạng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, Bộ đã và dự kiến hỗ trợ tỉnh Hà Tĩnh xây dựng hoàn thiện Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp xã, Nhà Văn hóa - Khu Thể thao thôn cụ thể: Năm 2018: Tổng kinh phí hỗ trợ là 3 tỷ 550 triệu đồng (bao gồm cấp xã: Hỗ trợ xây dựng mới 01 Trung tâm và đầu tư trang thiết bị cho 08 Trung tâm, hỗ trợ hoạt động tại chỗ cho 10 xã. Cấp thôn: Hỗ trợ xây dựng 05 thôn, đầu tư trang thiết bị cho 05 thôn, hỗ trợ tổ chức hoạt động tại chỗ cho 07 thôn). Năm 2019: Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ là 5 tỷ đồng. Năm 2020: Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ là 6 tỷ 500 triệu đồng.

Tại Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho 01 Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp huyện của tỉnh Hà Tĩnh (năm 2017).

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh để trả lời cử tri./.

>> Toàn văn nội dung văn bản

Cổng TTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×