Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định về việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch và hiệu quả công tác gia đình

10/01/2019 | 08:00

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 470/BDN ngày 15/11/2018, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành du lịch; đi đôi với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các công ty du lịch, nhất là chấn chỉnh tình trạng việc hướng dẫn viên du lịch tuyên truyền xuyên tạc, sai sự thật về lịch sử, đất nước Việt Nam. Nâng cao hiệu quả công tác gia đình để tạo nền tảng đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống (Câu số 15).

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 5777/BVHTTDL-VP ngày 24/12/2018 về nội dung kiến nghị của cử tri:

1. Về tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành du lịch

Thời gian qua, công tác phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với các cơ quan và địa phương trong triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được thực hiện tốt từ việc xây dựng kế hoạch đến việc triển khai các hoạt động, đặc biệt là việc phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương trọng điểm phát triển du lịch như: Quảng Ninh, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Đề án nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, định vị thương hiệu du lịch Việt Nam nổi bật trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng số lượng và chất lượng khách du lịch quốc tế và nội địa, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để nâng cao hình ảnh của các điểm đến du lịch, trong năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan trong nước và nước ngoài tổ chức thường kỳ các hoạt động xúc tiến quảng bá (như tham gia các hội chợ quốc tế, tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, Châu Âu, các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...) để tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tại các thị trường khu vực và thế giới. Trong nước, Tổng cục Du lịch thường xuyên tổ chức các chương trình khảo sát kết hợp tổ chức tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch các địa phương (từ năm 2017 đến nay: tổ chức các đoàn khảo sát tại các tỉnh Đông Bắc-Tây Bắc, Duyên hải Nam Trung bộ, đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long..., tổ chức khảo sát và tọa đàm phát triển du lịch nông nghiệp), giúp chính quyền và doanh nghiệp ở địa phương kết nối và hợp tác với các trung tâm du lịch và các doanh nghiệp lữ hành gửi khách lớn của cả nước.

2. Về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các công ty du lịch, nhất là chấn chỉnh tình trạng việc hướng dẫn viên du lịch tuyên truyền xuyên tạc, sai sự thật về lịch sử, đất nước Việt Nam

Trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch:

- Đã ban hành Công văn số 2583/BVHTTDL-TCDL ngày 06/7/2016; Công văn số 3142/BVHTTDL-TTr ngày 12/8/2016 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch và tập trung hỗ trợ doanh nghiệp du lịch Việt Nam.

- Đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch ban hành Công văn số 798/TCDL-LH ngày 01/8/2016 yêu cầu các địa phương trên cả nước tăng cường quản lý các thị trường du lịch trọng điểm, trong đó có thị trường khách Trung Quốc; Công văn số 111/TCDL-LH ngày 09/02/2017 về sử dụng phiên dịch hỗ trợ hướng dẫn viên trong công tác giới thiệu và phục vụ khách theo chương trình du lịch; đồng thời ban hành Kế hoạch số 1036/KH-BVHTTDL ngày 15/3/2017 triển khai đồng loạt trên cả nước kế hoạch tăng cường công tác quản lý chấn chỉnh hoạt động lữ hành và hướng dẫn du lịch.

Tại một số địa phương trọng điểm tập trung nhiều khách du lịch Trung Quốc như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc (Kiên Giang)... có hiện tượng một số doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và đối tác Trung Quốc sử dụng người Trung Quốc để tham gia hỗ trợ cho các đoàn khách Trung Quốc trong thời gian tham quan du lịch tại Việt Nam. Các đối tượng Trung Quốc này đã lợi dụng việc hỗ trợ khách để núp bóng hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên trái phép tại Việt Nam gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội và có những lời giải thích, thông tin sai lệch về văn hóa, lịch sử, chủ quyền biển đảo của nước ta (cụ thể ở TP. Đà Nẵng). Để ngăn chặn tình trạng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trực tiếp tổ chức buổi làm việc với UBND và các cơ quan chuyên môn các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng để đề ra biện pháp tăng cường quản lý hoạt động du lịch trên địa bàn. Đồng thời, để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch tại điểm đến; đã chỉ đạo Tổng cục Du lịch ban hành các văn bản hướng dẫn quản lý tour du lịch giá rẻ, hướng dẫn các biện pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt hướng dẫn viên du lịch, phối hợp với các địa phương tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành và hoạt động hướng dẫn du lịch tại các tỉnh/thành phố, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch.

Thanh tra Bộ đã phối hợp thanh tra chuyên ngành ở các địa phương kiểm tra trên 120 công ty và chi nhánh công ty kinh doanh lữ hành quốc tế tại một số địa bàn du lịch trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang; đã xử lý và thu hồi 07 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, tước 30 giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, dừng hoạt động 143 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế; phát hiện và lập biên bản, lập hồ sơ chuyển vụ việc có yếu tố nước ngoài cho cơ quan công an xử lý vi phạm, buộc xuất cảnh đối với 50 người nước ngoài hành nghề trái phép trong lĩnh vực du lịch. Đến nay tình trạng núp bóng để hoạt động kinh doanh lữ hành trái phép và việc sử dụng người nước ngoài làm hướng dẫn viên du lịch đã hạn chế và có chuyển biến tích cực. Hoạt động kinh doanh lữ hành đang từng bước đi vào ổn định.

3. Về nâng cao hiệu quả công tác gia đình để tạo nền tảng đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu với Đảng, Chính phủ hoàn thiện cơ chế chính sách, xây dựng các chương trình nhằm giúp cho các gia đình, thành viên gia đình thực hiện chức năng của mình, xây dựng gia đình ngày càng no ấm, tiến bộ và hạnh phúc. Cụ thể:

- Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2013/NĐ-CP ngày 03/01/2013 của Chính phủ quy định về công tác gia đình (quy định về xây dựng và hướng dẫn nhân rộng các mô hình gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững).

- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29/5/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và 3 mục tiêu cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu chung của Chiến lược); Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hàng năm, Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020 (các đề án quy định về xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc thông qua hoạt động tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa và kỹ năng xây dựng hạnh phúc gia đình, về hoạt động yêu thương chia sẻ xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc).

- Đã ban hành Thông tư số 12/2013/TT-BVHTTDL ngày 17/12/2013 quy định chi tiết hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng; Quyết định số 4843/QĐ-BVHTTDL ngày 08/12/2017 ban hành thí điểm "Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình", các Chương trình phối hợp liên ngành với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (Nội dung tiêu chí ứng xử trong gia đình đặt vào 4 mối quan hệ cơ bản trong gia đình gồm mối quan hệ vợ chồng, cha mẹ-con, ông bà-cháu và anh chị em. Bộ đã có văn bản đề nghị các tổ chức đoàn thể, UBND các tỉnh/thành phối hợp chỉ đạo thực hiện).

Hiện nay, 100% các tỉnh/thành đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chiến lược gia đình; nhiều địa phương Hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố ban hành nghị quyết về công tác gia đình nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Chiến lược, các đề án, văn bản nêu trên. 100% các tỉnh, thành phố thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung nhằm vận động nhân dân giữ gìn truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Nội dung công tác truyền thông hết sức sinh động và giàu tính văn hóa đã thu hút lượng lớn người xem. Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 chủ đề Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương, Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 chủ đề Yêu thương và chia sẻ hàng năm được tổ chức đều đặn và đây là dịp cao điểm thực hiện các hoạt động truyền thông tích cực cho việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với gia đình và công tác gia đình. Nhận thức của người dân về xây dựng gia đình hạnh phúc được nâng cao hơn và có nhiều hành động thiết thực để xây dựng gia đình hạnh phúc, số lượng bạo lực gia đình có chiều hướng năm sau giảm hơn năm trước: Năm 2011: cả nước có 45.264 vụ, năm 2012: 40.973 vụ, năm 2013: 29.289 vụ, năm 2014: 21.848 vụ, năm 2015: 19.274 vụ, năm 2016: 14.790 vụ, năm 2017: 13.221 vụ.

Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trương tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về gia đình: Kiến nghị sửa đổi Luật phòng, chống bạo lực gia đình, chuẩn bị tổng kết việc thực hiện Chiến lược gia đình giai đoạn 2010-2020 và xây dựng Chiến lược gia đình giai đoạn 2020-2030. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động: Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhân dịp Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; tiếp tục xây dựng tài liệu mẫu phục vụ công tác tuyên truyền ở cơ sở, tích cực phối hợp với cơ quan báo chí liên quan xây dựng chuyên trang, chuyên mục về xây dựng gia đình hạnh phúc. Tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa", với các quy định cụ thể, phù hợp với từng địa phương, đối tượng. Phối hợp các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai thực hiện toàn diện các nội dung của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", trong đó chú trọng xây dựng gia đình văn hóa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định để trả lời cử tri./.

>> Toàn văn nội dung văn bản

Cổng TTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×