Trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng về đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa
02/02/2024 | 13:10Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023, nội dung kiến nghị như sau:
1. Về Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Cử tri phản ánh, hiện nay quy trình triển khai thực hiện hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp di tích ngoài việc chịu sự điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa còn phải tuân thủ quy định tại Luật khác như: Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu… và các văn bản dưới luật, trong đó có một số nội dung chưa phù hợp, dẫn đến nhiều vướng mắc trong thực hiện hồ sơ, thủ tục bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp di tích, làm kéo dài thời gian thực hiện, nhất là về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án (quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công; khoản 1 Điều 17, khoản 1 Điều 18 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ; Điều 32, 34 Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13, khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009). Cử tri kiến nghị nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để phù hợp với thực tiễn hiện nay.
2. Cử tri cho rằng, việc phát triển kinh tế ban đêm ở các khu du lịch, trong đó có Đồ Sơn vẫn là một điểm yếu do chưa có chính sách, cơ chế phù hợp để phát huy tiềm năng và lợi thế của ngành. Để phát triển sản phẩm du lịch kinh tế đêm đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với các khu du lịch quốc gia, cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo hướng cho phép các quán karaoke, vũ trường trong khu du lịch "được hoạt động 24/24 giờ.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.
Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 334/BVHTTDL-VP ngày 24/01/2024 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV như sau:
1. Về đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa để phù hợp với thực tiễn hiện nay
- Việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp di tích là hoạt động đặc thù, ngoài việc chịu sự điều chỉnh của pháp luật về di sản văn hóa, cần bảo đảm tuân thủ pháp luật về đầu tư công và xây dựng. Do đó, việc đề xuất chủ trương bảo quản, tu bổ, phục hồi và chống xuống cấp di tích tại địa phương cần tuân thủ các nguyên tắc tu bổ di tích quy định tại pháp luật về di sản văn hóa (Điều 34 Luật Di sản văn hóa) trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tu bổ di tích nhằm tránh phê duyệt chủ trương đầu tư làm ảnh hưởng đến các giá trị, yếu tố gốc cấu thành di tích.
- Theo Khoản 6 và khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019, Hội đồng nhân dân của địa phương phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án.
Tại khoản 7 Điều 4 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định: “Chủ trương đầu tư là quyết định của cấp có thẩm quyền về những nội dung chủ yếu của chương trình, dự án đầu tư, làm căn cứ để lập, trình và phê duyệt quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư công.”
Tại khoản 1 Điều 27 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm: a) Giao cơ quan chuyên môn hoặc Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; b) Thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao đơn vị có chức năng để thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đối với chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công thuộc cấp mình quản lý”.
Như vậy, nội dung chủ trương đầu tư các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đối với di tích được xếp hạng các cấp đã được cơ quan chuyên môn của tỉnh lập, Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chức năng thẩm định bảo đảm nội dung chuyên môn bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quy định của pháp luật.
- Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định: “Căn cứ danh mục dự án thành phần của quy hoạch di tích đã được phê duyệt, sự xuống cấp của di tích và khả năng bố trí kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc khả năng huy động nguồn kinh phí khác theo quy định của pháp luật về đầu tư và đầu tư công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Thủ trưởng bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di tích quyết định việc lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích và lựa chọn chủ đầu tư của dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích.”.
Như vậy, quy định về thẩm quyền quyết định đầu tư dự án tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP khác so với Luật Đầu tư công. Căn cứ khoản 2 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần áp dụng Luật Đầu tư công, quy định của Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ không tạo ra vướng mắc đối với thủ tục quy định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), dự thảo Luật này đã được gửi đi xin ý kiến rộng rãi tới các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị liên quan và nhân dân. Trong thời gian tới, trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu, sửa đổi một số quy định theo hướng đơn giản hóa thủ tục thẩm định dự án tu bổ di tích quốc gia để rút ngắn thời gian, quy trình tu bổ, tôn tạo, phục hồi di tích.
2) Về kiến nghị sửa đổi Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường theo hướng cho phép các quán karaoke, vũ trường trong khu du lịch được hoạt động 24/24 giờ
Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19/6/2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh dịch vụ, góp phần hạn chế các tiêu cực trong hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường trên cả nước. Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: “Thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trên địa bàn”. Vì vậy, việc đề xuất cho phép các quán karaoke, vũ trường trong khu du lịch hoạt động 24/24 thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng.
Căn cứ Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, Thành phố Hải Phòng được xác định là một trong mười địa phương cho phép thực hiện thí điểm phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Ngày 14/7/2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm”, trong đó Hải Phòng là một trong mười hai địa phương được phép thực hiện thí điểm xây dựng Đề án mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND Thành phố Hải Phòng chủ động nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển du lịch đêm phù hợp với lợi thế và điều kiện thực tiễn ở địa phương, trên cơ sở đó báo cáo, đề xuất HĐND Thành phố nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy xây dựng sản phẩm du lịch đêm. Đồng thời, đề nghị Thành phố chủ động lồng ghép trong quá trình xây dựng Quy hoạch thành phố thời kỳ mới, trong đó tập trung nghiên cứu quy hoạch những khu vực, địa điểm có khả năng (trong đó có Đồ Sơn) để xây dựng sản phẩm du lịch đêm phù hợp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.