Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển các tour du lịch biển

21/10/2021 | 08:00

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 227/BDN ngày 30/8/2021, nội dung kiến nghị như sau:

1. Cử tri đề nghị ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp cho phép các Khu du lịch biển quốc tế tổ chức các dịch vụ vui chơi có thưởng để nâng cao khả năng thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, kéo dài thời gian lưu trú và sử dụng dịch vụ của khách du lịch. Đồng thời, tạo điều kiện để các khu du lịch biển đảo nâng tầm chất lượng dịch vụ, xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch, tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế với các khu du lịch trong khu vực và châu Á.

2. Đề nghị có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện các doanh nghiệp đầu tư phát triển các tour du lịch biển và sinh thái tuyến Cát Bà - Long Châu - Bạch Long Vĩ, tuyến Đồ Sơn - Cát Bà - Bạch Long Vĩ; các tour du lịch từ các tỉnh, thành phố khác trong nước ra đảo. Đồng thời, hỗ trợ cho huyện Bạch Long Vĩ thực hiện các thủ tục xây dựng, phát triển Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch và đảm bảo sự phát triển bền vững.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 3875/BVHTTDL-VP ngày 19/10/2021 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV, như sau:

1. Về đề nghị ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp cho phép các Khu du lịch biển quốc tế tổ chức các dịch vụ vui chơi có thưởng để thu hút khách du lịch

Hiện nay dịch vụ vui chơi có thưởng được xác định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm:

- Trò chơi điện tử có thưởng: Quy định tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài:

+ Cho phép các doanh nghiệp có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng 5 sao được kinh doanh khi đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh tại Nghị định.

+ Đối tượng được phép chơi chỉ gồm người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, giấy thông hành còn giá trị và nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam.

- Kinh doanh casino: Quy định tại Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16/01/2017 của Chính phủ về kinh doanh casino:

+ Cho phép dự án khu dịch vụ, du lịch và khu vui chơi giải trí tổng hợp có vốn đầu tư tối thiểu từ 02 tỷ USD được kinh doanh casino khi đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh tại Nghị định.

+ Đối tượng được phép chơi gồm người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp, giấy thông hành còn giá trị và nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam. Ngoài ra, tại Nghị định số 03/2017/NĐ-CP thí điểm cho phép người Việt Nam được vào chơi tại Điểm kinh doanh casino.

Căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 5 Luật Du lịch năm 2017, Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ cho một số hoạt động liên quan đến du lịch biển đảo như: đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch chất lượng cao; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch đặc thù khác... Tuy nhiên, cho đến nay, du lịch chưa được đưa vào nhóm ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Các hoạt động kinh doanh trong đó có tổ chức các dịch vụ vui chơi có thưởng tuân thủ theo các quy định của ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật liên quan. Thực hiện Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 20/8/2021 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2021, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, bổ sung đưa lĩnh vực du lịch vào ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư của Luật Đầu tư trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung 10 Luật (tại Công văn số 3195/BVHTTDL-PC ngày 01/9/2021). Trong đó, đề nghị ưu đãi đầu tư cho phát triển các khu du lịch quốc gia, các sản phẩm du lịch đặc thù có khả năng cạnh tranh, tạo nên thương hiệu du lịch Việt Nam.

2. Về đề nghị có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển các tour du lịch biển và sinh thái tới Bạch Long Vĩ; Thủ tục xây dựng, phát triển Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ

Ngày 05/3/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về việc ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc ban hành Nghị quyết trên cho thấy Chính phủ cũng đã rất quan tâm, chú trọng đến việc phát triển kinh tế biển bền vững kết hợp với an ninh, quốc phòng. Phát triển du lịch biển đảo là một trong những định hướng được chú trọng trong Chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tiếp tục kiến nghị đưa du lịch vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư trong Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung từ đó có các cơ chế chính sách cụ thể ưu đãi đầu tư thu hút phát triển du lịch biển đảo.

Khoản 2, Điều 75 Luật Du lịch năm 2017 quy định Ủy ban nhân dân các cấp có nhiệm vụ ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương. Để tạo điều kiện, nâng cao cạnh tranh cho các khu du lịch biển đảo, các địa phương cần tích cực thực hiện một số giải pháp cụ thể như: 

- Cải thiện hạ tầng phục vụ phát triển du lịch biển, đặc biệt đẩy mạnh đầu tư nâng cấp và phát triển các hệ thống giao thông (sân bay, cảng biển du lịch) để du khách tiếp cận điểm đến thuận lợi.

- Phát triển và đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch biển đảo.

- Chú trọng kết nối, hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp.

- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức giới thiệu sản phẩm du lịch biển đảo của Việt Nam để tạo sự lôi cuốn thu hút khách du lịch.

- Xây dựng các chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch biển đảo phù hợp với nhu cầu thị trường.

Đối với việc phát triển tuyến du lịch Cát Bà - Long Châu - Bạch Long Vĩ và tuyến du lịch Đồ Sơn - Cát Bà - Bạch Long Vĩ, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chủ động trong việc ban hành các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện các doanh nghiệp đầu tư phát triển các tour du lịch biển và sinh thái với 02 tuyến du lịch trên đảm bảo phát triển kinh tế biển bền vững kết hợp với an ninh, quốc phòng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, thành phố Hải Phòng cần chủ động trong công tác xúc tiến, quảng bá, hợp tác với các tỉnh, thành phố khác trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước trong việc xây dựng, kết nối các tour du lịch ra đảo.

Đối với các thủ tục xây dựng, phát triển Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng cần thực hiện tuân thủ theo quy định của Luật Thủy sản và các quy định liên quan. Ngoài ra, việc hỗ trợ huyện Bạch Long Vĩ thực hiện các thủ tục xây dựng, phát triển Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ cần xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phù hợp với các quy định về quản lý các khu bảo tồn biển theo quy định của pháp luật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.

>> Toàn văn nội dung văn bản.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×