Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri Phú Yên có giải pháp, chiến lược phù hợp để hướng dẫn, tạo điều kiện động viên, khuyến khích thế hệ trẻ tham gia giữ gìn lối sống, văn hóa ứng xử, bản sắc văn hóa của dân tộc

04/09/2022 | 10:50

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 3864/VPCP-QHĐP ngày 23 tháng 6 năm 2022, nội dung kiến nghị như sau:

Thời gian qua, các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta được quan tâm, bảo tồn và khôi phục. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chưa đáp ứng kịp, đang có nguy cơ bị mai một, biến dạng hoặc chưa được gìn giữ và phát huy đúng mức. Mặt khác các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh, đoạn phim không đúng với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, tạo hiệu ứng xã hội tiêu cực. Cử tri kiến nghị có giải pháp, chiến lược phù hợp để hướng dẫn, tạo điều kiện động viên, khuyến khích thế hệ trẻ tham gia giữ gìn ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc, lối sống, văn hóa ứng xử, bản sắc văn hóa của dân tộc để bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại, hội nhập mà không đánh mất đi nguồn cội của mình.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 2972/BVHTTDL-VP ngày 10/08/2022 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV như sau:

1. Giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm định hướng đầu tư bảo tồn và khôi phục. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống chưa đáp ứng kịp, đang có nguy cơ bị mai một, biến dạng hoặc chưa được gìn giữ và phát huy đúng mức. Mặt khác, các trang mạng xã hội xuất hiện nhiều hình ảnh, đoạn phim không đúng với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam, tạo hiệu ứng xã hội tiêu cực. Trước bối cảnh đó, rất cần có những giải pháp, chiến lược phù hợp để hướng dẫn, tạo điều kiện động viên, khuyến khích thế hệ trẻ tham gia giữ gìn ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc, lối sống, văn hóa ứng xử, bản sắc văn hóa của dân tộc để bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại, hội nhập mà không đánh mất đi nguồn cội của mình, cụ thể:

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. - Hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

- Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống là thế hệ trẻ.

-Thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.

- Đầu tư kinh phí thích đáng cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. - Đối với sự phát triển bùng nổ của công nghệ số cùng những tác động tiêu cực làm mai một, biến dạng các giá trị văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ, rất cần xây dựng và ban hành một số chính sách:

+ Xây dựng chế tài bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên trong thế giới số. Xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn chi tiết về Luật An ninh mạng để đảm bảo việc người sử dụng được an toàn trên mạng và hạn chế thông tin giả, độc hại, không phù hợp.

+ Hoàn thiện và ban hành bộ Quy tắc ứng xử trên môi trường mạng: Cần xây dựng, ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng với nội dung phù hợp. Việc hình thành văn hóa ứng xử trên mạng cần được tiến hành từ cả hai hướng: các quy định của Nhà nước thông qua các công cụ pháp luật với việc phán xét của tòa án và qua những thông lệ, quy tắc ứng xử đạo đức của người sử dụng.

 + Phát huy đồng bộ vai trò của hệ thống thiết chế văn hóa ở trung ương và cơ sở trong việc cung cấp những dịch vụ văn hóa phù hợp đến người dân, đặc biệt là giới trẻ, định hướng cho thanh, thiếu niên có khả năng đề kháng trước các loại sản phẩm văn hóa độc hại đang lan tràn khó kiểm soát trên báo mạng, mạng xã hội...

 + Xây dựng các "sân chơi", các cuộc thi trên mạng, các hoạt động xã hội với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn nhằm thu hút người tham gia.

+ Nâng cao hiệu quả, sức hấp dẫn của các thiết chế văn hóa như: nhà hát, rạp chiếu phim, các bảo tàng, phòng tranh, sân khấu.

+ Đầu tư nguồn lực cần thiết cho các tổ chức chính trị - xã hội để nâng cao năng lực tuyên truyền, hướng dẫn cho thanh, thiếu niên khi tham gia văn hóa số thông qua các chương trình, dự án cụ thể.

+ Truyền thông, nâng cao nhận thức, đặc biệt là giới trẻ, rèn luyện kỹ năng ứng xử trên mạng, vận dụng linh hoạt và biến những kỹ năng đó thành thói quen thường xuyên của mình với những giao tiếp trên Internet.

+ Tăng cường an ninh mạng, ứng dụng những công nghệ cao ngăn chặn, hạn chế việc truy cập các trang web đen, không lành mạnh, đảm bảo truy cập an toàn cho người dùng là giới trẻ.

 + Trang bị kiến thức, kỹ năng trong việc khai thác, tiếp nhận và xử lý thông tin trên mạng.

+ Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa số tới giới trẻ. Trong đó, chú trọng việc quản lý, giám sát, giáo dục tại gia đình.

 + Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu giới trẻ, nâng cao chất lượng, sức cuốn hút của các loại hình văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam, như phim ảnh nội, âm nhạc nội, sân khấu nội, văn học dân tộc, mỹ thuật dân tộc.

 2. Một số kết quả cụ thể:

- Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2022 đã có nhiều quy định tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực 3 điện ảnh, nhất là đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 9, Điều 21, Điều 32):

- Ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (Quyết định số 3196/QĐ-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) bao gồm 3 Chương, 11 Điều nhằm xác định các chuẩn mực trong hành vi ứng xử, nhằm thống nhất nhận thức, hành động của người hoạt động nghệ thuật, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật và toàn xã hội. - Ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (Quyết định số 874/QĐBTTTT ngày 17 tháng 6 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội, giáo dục ý thức, tạo thói quen tích cực trong các hành vi ứng xử của người dùng trên mạng xã hội, để từng người sử dụng có cách hành xử phù hợp, không cung cấp, sử dụng các nội dung không lành mạnh nêu trên. 

Cá nhân, tổ chức tham gia mạng xã hội được khuyến nghị: Chia sẻ những thông tin có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, quảng bá về đất nước - con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, chia sẻ thông tin tích cực, những tấm gương người tốt, việc tốt; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. 

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không chỉ về các hành vi sai trái, cung cấp thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước mà còn xử lý các hành vi nói xấu, bôi nhọ danh dự, uy tín của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên mạng.

+ Trường hợp xác định được nhân thân: Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nhiều trường hợp người dùng mạng xã hội Youtube, Facebook vi phạm, trong đó đáng chú ý như: Xử phạt kênh Youtube Hoàng Anh -Timmy tại Thành phố Hồ Chí Minh, kênh Hưng blog, Hưng troll tại Bắc Giang, kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương. Điển hình là trường hợp vi phạm của bà Nguyễn Phương Hằng đã bị xử phạt vi phạm hành chính (7,5 triệu đồng) và bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

 + Trường hợp không xác định được nhân thân của tổ chức, cá nhân vi phạm thì Bộ gửi yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ như Google, Youtube, Facebook, Tiktok... thực hiện các biện pháp ngăn chặn, gỡ bỏ. 4 - Đẩy mạnh việc tuyên truyền để từng người dân nâng cao nhận thức, không còn lối suy nghĩ mạng xã hội là "vô danh nên vô trách nhiệm"; tăng cường lan tỏa thông tin chính thống, thông tin tích cực trên không gian mạng, các thông tin khuyến khích thế hệ trẻ giữ gìn văn hóa truyền thống, bảo tồn bản sắc dân tộc…

- Thường xuyên rà quét và yêu cầu các trang mạng xã hội trong nước, các nền tảng xuyên biên giới gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, để cải thiện được vấn đề này rất cần có sự tham gia tích cực của tất cả các Bộ, ngành, địa phương và góp sức của toàn thể nhân dân trong công tác giáo dục, xây dựng chiến lược, khuyến khích thế hệ trẻ tham gia giữ gìn ngôn ngữ, trang phục, kiến trúc, lối sống, văn hóa ứng xử, bản sắc văn hóa của dân tộc để bảo tồn, phát huy trong cuộc sống đương đại, hội nhập mà không đánh mất đi nguồn cội của mình.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên để trả lời cử tri.

Toàn văn nội dung văn bản

Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×