Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời kiến nghị của cử tri Hải Phòng về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức theo truyền thống

02/09/2022 | 13:00

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 487/BDN ngày 14 tháng 6 năm 2022, nội dung kiến nghị như sau:

1. Về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), cử tri đề nghị nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung một số vấn đề sau:

- Bổ sung vào Điều 4 các hành vi: đe dọa, sỉ nhục, chê bai, kiểm soát, gây áp lực thường xuyên về tâm lý, gây tổn hại thể chất và tinh thần đối với nạn nhân cho rõ ràng và phù hợp hơn với thực tiễn biểu hiện hành vi bạo lực gia đình hiện nay.

 - Bổ sung Điều 5: nội dung, nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm trong việc hỗ trợ người bị bạo lực bảo đảm quyền hợp pháp của họ. Theo đó, người bị bạo lực vẫn phải được đảm bảo quyền học tập, lao động và những quyền hợp pháp khác khi đang ở cơ sở hỗ trợ cho nạn nhân.

 - Quy định cụ thể Điều 23 để không bị "tác dụng ngược": người gây bạo lực tiếp tục hành vi bạo lực sau khi bị nhắc nhở, phê bình theo kiểu "trút giận" lên người bị bạo lực.

- Quy định rõ chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của các cấp Hội Phụ nữ trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình tại Điều 58 và Điều 59. - Quy định rõ hơn nguyên tắc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình tại Điều 20, không thay thế biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình, nguyên tắc đảm bảo khách quan, bình đẳng, công minh, có lý, có tình, nhằm tránh sự thiên vị cho người bị bạo lực hoặc người gây ra bạo lực gia đình, hoặc sai lệch sự thật, bất lợi trong quá trình xử lý vụ việc.

 - Xem xét, sửa đổi các quy định về tư vấn, hòa giải; quy định nhiệm vụ cụ thể cho cá nhân, tổ chức tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình; có chế tài xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, thực hiện yêu cầu cam kết và chịu sự giám sát để phòng ngừa tái diễn.

 - Xem xét, bổ sung quy định công tác phối hợp giữa các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình về vấn đề phát hiện, giới thiệu, thông tin nạn nhân bị bạo lực gia đình để họ được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời; đồng thời có thể quy định về đường dây quốc gia tiếp nhận thông tin, số điện thoại về phòng, chống bạo lực gia đình.

- Bổ sung quy định cụ thể về chế độ khen thưởng, đền bù thiệt hại cho những người tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

2. Cử tri đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, cho phép Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức theo truyền thống như trước đây (gồm vòng loại và vòng chung kết), đáp ứng sự mong đợi của người dân thành phố.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời cử tri.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 2986/BVHTTDL-VP ngày 10/08/2022 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV như sau:

1. Về đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất, tiếp thu kiến nghị của cử tri về công tác phối hợp giữa các cơ sở trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình; vấn đề phát hiện, giới thiệu, thông tin nạn nhân bị bạo lực gia đình được bảo vệ và hỗ trợ kịp thời; đường dây quốc gia tiếp nhận thông tin, số điện thoại về phòng, chống bạo lực gia đình; chế độ khen thưởng, đền bù thiệt hại cho những người tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình… Các nội dung này đã được quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 20, Điều 58 và Điều 59 của Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Đối với kiến nghị về việc "Quy định cụ thể Điều 23 để không bị "tác dụng ngược": người gây bạo lực tiếp tục hành vi bạo lực sau khi bị nhắc nhở, phê bình theo kiểu "trút giận" lên người bị bạo lực.", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với cơ quan thẩm tra và các cơ quan có liên quan dự kiến thay thế bằng quy định "Thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng" nhằm giáo dục người có hành vi bạo lực gia đình về tinh thần trách nhiệm, sự chia sẻ với người khác từ đó làm thay đổi hành vi bạo lực sang chống bạo lực.

Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã được trình Quốc hội khóa XV thảo luận tại kỳ họp thứ 3, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2022.

2. Về đề nghị xem xét, cho phép Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn được tổ chức theo truyền thống như trước đây 

Thực hiện Đề án đổi mới công tác tổ chức, quản lý Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, những năm qua, quận Đồ Sơn đã tổ chức lễ hội thành công, an toàn và đúng quy định; công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho nhân dân và du khách, quản lý giết mổ, mua bán thịt trâu trong khuôn khổ lễ hội có nhiều tiến bộ; có biện pháp, cách thức huy động nguồn xã hội hóa để phục vụ công tác tổ chức lễ hội đảm bảo thiết thực, hiệu quả.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội; quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; đảm bảo lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh và chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội theo sự phân cấp của Chính phủ quy định tại Điều 20 Nghị định số 110/2018/NĐ-CP; ý kiến của Bộ Văn hóa, Thể thao 3 và Du lịch tại Công văn số 2928/BVHTTDL-VHCS ngày 08 tháng 8 năm 2022 về việc tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2022, Quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri.

Toàn văn nội dung văn bản


Thủy Bích

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×