Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời cử tri thành phố Hải Phòng về việc đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa

26/08/2019 | 08:49

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 248/BDN ngày 15/7/2019, nội dung kiến nghị như sau:

Cử tri đề nghị đầu tư xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở; khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư; quan tâm việc trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng; hỗ trợ kinh phí xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, có chế tài mạnh hơn nữa để xử lý triệt để các hoạt động núp bóng văn hóa, tín ngưỡng, du lịch tâm linh để trục lợi, hành nghề mê tín dị đoan (Câu số 5).

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số Số: 3277/BVHTTDL-VP Hà Nội, ngày 21 tháng 08 năm 2019 về nội dung kiến nghị của cử tri:

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:

1. Về đề nghị đầu tư xây dựng, hoàn thiện, khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa

Nhìn chung, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở đã thực hiện tốt vai trò tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua; thúc đẩy việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và tổ chức các mô hình câu lạc bộ sở thích, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; đồng thời, là nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao cho các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Về nội dung kiến nghị của cử tri, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tiến hành các giải pháp sau:

- Tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030.

- Ban hành Quyết định số 2563/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2015 phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn".

- Ban hành các thông tư quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở các cấp (huyện, xã, thôn).

- Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng hợp, đánh giá hiệu quả các thiết chế văn hóa nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư và chất lượng hoạt động.

- Chỉ đạo, hướng dẫn ngành văn hóa các địa phương thực hiện các mục tiêu về văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới để tổ chức khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.

- Tổ chức tập huấn, kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa.

- Thường xuyên phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể, UBND cấp tỉnh triển khai công tác quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Chỉ đạo Ngành văn hóa đề xuất UBND cấp tỉnh hàng năm trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, có nội dung quy hoạch, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; chú trọng xây dựng cơ sở vật chất văn hóa trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Trong thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Tham mưu ban hành cơ chế, chính sách quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và tiêu chí cho hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp.

- Đề nghị các địa phương quan tâm bố trí vốn đầu tư cho thực hiện quy hoạch thiết chế văn hóa thể thao cơ sở, tăng đầu tư kinh phí cho phát triển cơ sở vật chất văn hóa nông thôn mới.

- Đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể liên quan: Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chế độ chính sách (tiền lương, chế độ thù lao...) đối với cán bộ hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; ban hành các chính sách nhằm khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; xây dựng các chính sách ưu tiên hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở vùng miền núi, hải đảo, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện Quyết định số 2563/QĐ-BVHTTDL ngày 03/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn".

- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức thi nâng ngạch, nâng bậc chức danh viên chức trong hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động văn hóa, thể thao cho cán bộ văn hóa cơ sở và Ban Chủ nhiệm Trung tâm Văn hóa-Thể thao cấp xã và Nhà Văn hóa-Khu thể thao thôn.

- Tổ chức hội thảo tìm mô hình xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao phù hợp với yêu cầu của sự phát triển.

2. Về đề nghị quan tâm trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng

- Về xếp hạng di tích: Tính đến tháng 6 năm 2019, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có 02 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt: Quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải), Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Vĩnh Bảo); có 111 di tích được xếp hạng quốc gia.

- Về hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích: Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (giai đoạn 2011 - 2015) và Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa (giai đoạn 2016 - 2020), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ tu bổ, tôn tạo đối với 39 lượt di tích trên địa bàn thành phố Hải Phòng với số kinh phí là: 32,52 tỷ đồng (đoạn 2011 - 2015: 29,62 tỷ đồng; giai đoạn 2016 - 2020: 2,9 tỷ đồng).

Trong kế hoạch năm 2020 của Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, giai đoạn 2016 - 2020, trên cơ sở đề xuất của thành phố Hải Phòng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ xem xét, hỗ trợ một phần kinh phí sự nghiệp để tu bổ, tôn tạo hạng mục gốc của di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Đồng thời, đề nghị UBND thành phố Hải Phòng nghiên cứu, xem xét bố trí bằng nguồn ngân sách của địa phương và huy động nguồn xã hội hóa để thực hiện việc tu bổ, tôn tạo di tích góp phần gìn giữ các di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng.

3. Về đề nghị hỗ trợ kinh phí xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa, phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao trong quần chúng nhân dân

Ngày 17/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2018/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa"; Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến 2030.

Ngày 03/8/2015, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2563/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn"; các Thông tư quy định mẫu về tổ chức, hoạt động và tiêu chí của hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở các cấp (huyện, xã, thôn). Khoản 2 và khoản 3 Điều 21 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước về thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh quyết định định mức phân bổ và chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu ngân sách, quy định: "Quyết định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách theo quy định khung của Chính phủ; Quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương".

Do đó, việc hỗ trợ kinh phí cho phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở, đề nghị địa phương căn cứ các quy định của pháp luật như đã nêu ở trên, hàng năm chủ động phối hợp với các đơn vị có liên quan ở địa phương xây dựng kế hoạch đề xuất các nội dung chi, mức chi tổ chức các hoạt động phong trào ở địa phương phù hợp với quy định hiện hành và khả năng ngân sách của tỉnh, thành phố, báo cáo UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức chi nêu trên từ nguồn ngân sách địa phương.

Việc hỗ trợ kinh phí xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa được bố trí trong dự toán ngân sách theo loại chi tương ứng của UBND cấp huyện, quy định tại mục c, khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 144/2014/TTLT-BTC-BVHTTDL ngày 30/9/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí hoạt động Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".

Nhằm phát triển phong trào tập luyện thể dục thể thao trong cả nước, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao. Khoản 3 Điều 4, khoản 1 Điều 21 và khoản 6 Điều 22 của Luật có quy định về chính sách dành đất đai, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất...; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", tổ chức các hội thi, giải thể thao quần chúng toàn quốc và các lớp tập huấn chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, cộng tác viên ở cơ sở.

Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước thì kinh phí đầu tư và kinh phí hoạt động thể dục thể thao của địa phương được cân đối từ ngân sách của địa phương. Vì vậy, để đẩy mạnh hơn nữa phong trào tập luyện thể dục thể thao quần chúng và xây dựng các thiết chế thể thao ở cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND thành phố Hải Phòng quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao; tiếp tục chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; quy hoạch đất dành cho thể dục thể thao và bố trí nguồn ngân sách hàng năm để xây dựng các thiết chế thể thao ở cơ sở nhằm phục vụ nhu cầu tập luyện của nhân dân và phát triển thể dục thể thao quần chúng ở địa phương.

4. Về kiến nghị có chế tài mạnh hơn nữa để xử lý hoạt động núp bóng văn hóa, tín ngưỡng, du lịch tâm linh để trục lợi, hành nghề mê tín dị đoan

Về nội dung kiến nghị của cử tri, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các văn bản và chế tài xử lý đối với các hoạt động núp bóng văn hóa tín ngưỡng để trục lợi như:

- Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về "tội hành nghề mê tín, dị đoan".

- Luật Tiń ngưỡng , tôn giáo (Điều 5, Mục 5 Lơị dung̣ hoạt đông̣ tiń ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi; Điều 15 vi phaṃ quy đinḥ về nếp sống văn hóa).

- Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo (điểm a, khoản 2, Điều 15 quy định xử phạt hành vi vi phạm về nếp sống văn hóa như: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi).

- Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản đối với việc "đăng, phát thông tin truyền bá hủ tục, mê tín, dị đoan" (Điều 320)...

Tuy nhiên, các hoạt động lợi dụng này đa dạng và liên tục xuất hiện các yếu tố mới, khó nắm bắt, nên việc xử lý còn gặp khó khăn.

Đến nay pháp luật chưa có định nghĩa rõ ràng về du lịch tâm linh. Tuy nhiên, du lịch tâm linh có thể được hiểu là một loại hình du lịch, thuộc về du lịch văn hóa, tín ngưỡng, di sản, lễ hội, lịch sử. Khách đến các đền, chùa, nhà thờ… để tham quan di tích, khám phá lịch sử văn hóa, lễ hội, thực hành các tín ngưỡng tâm linh. Nội dung quản lý các khu du lịch đã được quy định tại Luật Du lịch 2017. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có các chỉ thị nâng cao vai trò quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến như: Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương từ cấp xã trở lên, quy định thiết lập trung tâm hỗ trợ du khách, đường dây nóng hỗ trợ du khách.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã góp ý hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, đề nghị có chế tài đủ mạnh để xử lý các hoạt động núp bóng văn hóa, tín ngưỡng, du lịch tâm linh để trục lợi, hành nghề mê tín dị đoan.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.

>> Toàn văn nội dung văn bản

Cổng TTĐT

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×