Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về những giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch và phục hồi tăng trưởng du lịch hậu Covid-19

07/01/2021 | 14:37

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Bùi Thu Hằng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình tại Phiếu chất vấn ngày 10/11/2020, nội dung chất vấn như sau:

Khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam còn hạn chế trước sự cạnh tranh gay gắt của du lịch trong khu vực và trên thế giới. 6 nhóm chỉ số xếp hạng trung bình thấp và thấp. Bên cạnh đó, hiện nay ngành du lịch đang gặp vô vàn khó khăn do tác động của dịch bệnh. Bộ đã có giải pháp như thế nào để thúc đẩy phát triển du lịch, đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và phục hồi tăng trưởng du lịch hậu Covid-19?

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có trả lời Đại biểu Quốc hội.

Cổng TTĐT của Bộ trích đăng toàn văn phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo Công văn số 4805/BVHTTDL-VP ngày 25/12/2020 về trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Bùi Thu Hằng, như sau:

1. Về năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam

Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam xếp hạng 63/140 nền kinh tế, tăng so với hạng 67/136 (Báo cáo năm 2017). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5, sau Xin-ga-po (xếp hạng 17), Thái Lan (31), Malai-xi-a (29), In-đô-nê-xi-a (40); xếp trên Bru-nây (72), Phi-líp-pin (75), Lào (97) và Cam-pu-chia (98).

Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu thế giới (hạng 1-35) đối với các nhóm chỉ số (1) Sức cạnh tranh về giá (hạng 22), (2) Tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 29) và (3) Tài nguyên tự nhiên (hạng 35). Các nhóm chỉ số thuộc nhóm thấp của thế giới (hạng 71-140) của Việt Nam bao gồm: (1) Sự bền vững về môi trường (hạng 121), (2) Hạ tầng dịch vụ du lịch (hạng 106), (3) Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (hạng 100), (4) Y tế và vệ sinh (hạng 91), (5) Hạ tầng mặt đất và cảng (hạng 84) và (6) Mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin và truyền thông (hạng 83). Các nhóm chỉ số ở nhóm trung bình của thế giới (hạng 36-70) bao gồm: (1) Nhân lực và thị trường lao động (hạng 47), (2) Hạ tầng hàng không (hạng 50), (3) An toàn và an ninh (hạng 58), (4) Mức độ mở cửa quốc tế (hạng 58) và (5) Môi trường kinh doanh (hạng 67).

Để cải thiện năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, ngày 01/02/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 486/QĐ-BVHTTDL ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021 và Quyết định số 1427/QĐ-BVHTTDL ngày 18/4/2019 về việc ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ theo dõi bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch và nâng xếp hạng nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch; đã ban hành Tài liệu hướng dẫn các Bộ, ngành địa phương để có cách hiểu đúng và thống nhất về các bộ chỉ số, nhóm chỉ số, chỉ số thành phần, các mục tiêu, mẫu biểu báo cáo nhằm theo dõi bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch và nâng xếp hạng nhóm chỉ số Mức độ ưu tiên cho ngành Du lịch; xây dựng báo cáo, đánh giá về nhu cầu tìm kiếm thông tin số về du lịch văn hóa, giải trí, du lịch thiên nhiên và chiến lược thương hiệu quốc gia.

Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành các giải pháp để tập trung cải thiện các điểm yếu; phát huy các điểm mạnh nổi trội; tiếp tục cải thiện các nhóm chỉ số quan trọng trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến phát triển du lịch, cụ thể:

- Tập trung cải thiện cơ bản điểm yếu về hạ tầng dịch vụ du lịch và sự bền vững về môi trường.

- Tập trung nâng cao nhóm chỉ số mức độ ưu tiên cho ngành du lịch về cơ chế, chính sách; đầu tư ngành du lịch; marketing và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch; thống kê du lịch và chiến lược thương hiệu quốc gia.

- Phát huy thế mạnh nổi trội về tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên, đặc biệt chú trọng đến yêu cầu phát triển bền vững.

- Tiếp tục nâng cao nhóm chỉ số quan trọng về mức độ mở cửa quốc tế và hạ tầng hàng không, đặc biệt là năng lực vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa, đồng thời cải thiện chất lượng hạ tầng hàng không.

- Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nhân lực và thị trường lao động và mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy các hoạt động du lịch và đầu tư.

2. Giải pháp để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch phù hợp với diễn biến của dịch bệnh và phục hồi tăng trưởng du lịch hậu Covid-19

Sự phục hồi của du lịch Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát trên thế giới. Để từng bước phục hồi hoạt động du lịch quốc tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai đồng bộ, mạnh mẽ nhiều giải pháp, cụ thể:

- Thực hiện cơ cấu lại thị trường khách du lịch (bao gồm cơ cấu giữa thị trường du lịch nội địa và thị trường du lịch quốc tế; cơ cấu lại thị trường du lịch quốc tế về địa lý và các phân khúc thị trường).

- Đổi mới các hình thức xúc tiến quảng bá thông qua hình thức trực tuyến và các phương tiện như internet, mạng xã hội và các ấn phẩm quảng bá du lịch ứng dụng công nghệ mới. Thực hiện chuyển đổi số trong nghiên cứu thị trường, cơ sở dữ liệu và xúc tiến quảng bá.

- Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, liên kết đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường và các yêu cầu phục vụ khách du lịch trong điều kiện vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch.

- Đẩy mạnh hợp tác công - tư, liên kết vùng giữa các địa phương, doanh nghiệp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội, nâng cao tinh thần trách nhiệm của các địa phương trong hợp tác, phát triển du lịch.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và hoàn thiện môi trường về du lịch. Tăng cường công tác kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch, đảm bảo môi trường du lịch an toàn, văn minh tại các khu, điểm du lịch. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới.

Xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đại biểu.

>>>Toàn văn nội dung văn bản.

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×