Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

TP.HCM đề xuất thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa: Bước đi rất cần thiết

04/05/2024 | 16:38

Nhằm định hướng xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đã được UBND TP.HCM phê duyệt, Sở VHTT TP đang đề xuất thành lập Trung tâm phát triển CNVH TP.HCM.

TP.HCM đề xuất thành lập Trung tâm phát triển công nghiệp văn hóa: Bước đi rất cần thiết - Ảnh 1.

Một chương trình âm nhạc tại TP.HCM thu hút đông đảo khán giả

Giám đốc Sở VHTT TP Trần Thế Thuận cho biết, nhằm tạo điều kiện để phát triển các ngành CNVH của thành phố, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới và gia tăng sức cạnh tra­nh trong hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần phát triển kinh tế xã hội, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, Sở VHTT đề xuất thành lập “Trung tâm phát triển Công nghiệp văn hóa TP.HCM” trực thuộc Sở để triển khai thực hiện các lĩnh vực phát triển ngành CNVH nhằm hướng tới mục tiêu “Xây dựng các ngành CNVH là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân”.

Sẽ là đơn vị đầu tiên của cả nước

“Đây là đơn vị sự nghiệp công lập khởi nghiệp sáng tạo văn hóa đầu tiên của cả nước”, ông Thuận cho biết. Theo Sở VHTT TP.HCM, Trung tâm phát triển CNVH định hướng là trung tâm kết nối, gắn kết thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam với tăng trưởng kinh tế trên địa bàn TP.HCM bao gồm các ngành, lĩnh vực như: Quảng cáo; Kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công, mỹ nghệ, thiết kế; Điện ảnh; Xuất bản; Thời trang; Nghệ thuật biểu diễn; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh; Triển lãm; Truyền hình và Phát thanh; Du lịch văn hóa.

Trong đó, Chiến lược phát triển ngành CNVH TP.HCM giai đoạn 2020-2030 định hướng tập trung 8 lĩnh vực: Điện ảnh; Nghệ thuật biểu diễn, Quảng cáo; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Triển lãm; Du lịch văn hóa; Thời trang. “Thành lập Trung tâm phát triển CNVH là cơ sở quan trọng để thực hiện Đề án Chiến lược phát triển ngành CNVH Việt Nam trên địa bàn TP đến năm 2030”, Giám đốc Sở VHTT TP nhấn mạnh và cho biết, mô hình Trung tâm phát triển CNVH thành phố là mô hình mới, đầu tiên của cả nước, mang ý nghĩa lớn, tiên phong trong lĩnh vực phát triển CNVH, là bước đột phá, sáng tạo để triển khai thực hiện thành công phát triển các ngành CNVH.

Sở VHTT TP cũng đề xuất, Trung tâm phát triển CNVH TP.HCM thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong giai đoạn ổn định hoạt động ban đầu, Trung tâm sẽ xây dựng phương án tự chủ tài chính theo phân loại mức tự chủ tài chính là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; sau giai đoạn ổn định đầu tiên (5 năm), đơn vị sẽ phấn đấu nâng mức độ tự chủ tài chính thành đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên và sau đó là đơn vị tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư theo định hướng của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc xây dựng Đề án là rất cấp thiết

Trước đó, cuối năm 2023, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành CNVH TP.HCM đến năm 2030. Thành phố đặt mục tiêu việc phát triển các ngành CNVH trở thành ngành kinh tế sản xuất, dịch vụ và kinh tế sáng tạo quan trọng; phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa của thành phố.

Để phát triển các ngành CNVH, TP.HCM tập trung thực hiện chỉ tiêu chủ yếu của 8 ngành: Ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, phấn đấu phát triển đưa TP.HCM trở thành trung tâm CNVH của cả nước và khu vực. Đầu tư nguồn lực phù hợp, khuyến khích xã hội hóa, tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, có nhiều giá trị đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố. Giai đoạn 2026-2030, TP.HCM sẽ phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại tất cả các ngành CNVH trên địa bàn thành phố một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của thành phố sẽ có thương hiệu, uy tín trong khu vực và quốc tế, đạt tiêu chuẩn của các nước phát triển, tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và thế giới. Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm CNVH của khu vực Đông Nam Á.

Từ nay đến năm 2030, TP.HCM xác định một số giải pháp ưu tiên phát triển ngành CNVH là nghiên cứu, đề xuất bổ sung vào quy hoạch của thành phố sắp tới những vị trí để phát triển các ngành CNVH; gắn kết và đẩy mạnh liên kết vùng để tạo động lực cho CNVH phát triển. Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành CNVH phát triển; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, hợp tác và giao lưu về văn hóa; hình thành trung tâm mua sắm, thương mại, giải trí. Song song đó, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư, khuyến khích các mô hình đầu tư và kinh doanh về CNVH, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; nghiên cứu thành lập Trung tâm phát triển CNVH, trung tâm sáng tạo; củng cố nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị một số trường nghệ thuật tại TP.HCM. Đồng thời sẽ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, hình thành các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử mang tính đặc trưng; hình thành các sự kiện lớn mang tính chất thường niên và đặc trưng, đặc sắc của thành phố về các ngành CNVH.

Theo Đề án, TP.HCM sẽ tạo ra một số sản phẩm, thương hiệu đặc sắc, đặc trưng mang tầm quốc gia trên lĩnh vực CNVH. Mặt khác, thực hiện các quy định về quyền sở hữu trí tuệ; phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức hội nghề nghiệp; nâng hiệu quả hoạt động của các tổ chức hội. TP.HCM sẽ sớm có cơ chế tiếp nhận đề xuất từ doanh nghiệp và đặt hàng sản phẩm phát triển CNVH cho doanh nghiệp để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các doanh nghiệp, tạo sự yên tâm, tin tưởng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ổn định và lâu dài. TP.HCM sẽ có cơ chế đặc thù để định hướng ủng hộ, tạo điều kiện, hỗ trợ hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân mang tính đầu tàu, dẫn dắt.

Theo UBND TP.HCM, việc xây dựng Đề án là rất cấp thiết, nhằm khảo sát, phân tích, đánh giá thực trạng phát triển một số ngành, lĩnh vực CNVH đang thực hiện và lợi thế của thành phố, từ đó nhận diện đầy đủ những tiềm năng, thế mạnh có thể phát triển các ngành CNVH của thành phố và những hạn chế, thách thức cần phải đối mặt, khắc phục.

Năm 2024, TP.HCM tập trung phát triển CNVH theo Đề án đã được UBND TPHCM phê duyệt. Theo đó, dự kiến doanh thu của 8 ngành CNVH đến năm 2025 là 53.200 tỉ đồng (đóng góp 5,7% tổng sản phẩm trên địa bàn - GRDP); đến năm 2030 là 94.800 tỉ đồng (7-8% GRDP).

Theo Báo Văn hóa

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×