TP Huế: Ưu tiên vốn bảo tồn, trùng tu di tích đình làng
16/03/2023 | 08:32Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng và các tiện ích công cộng, thời gian qua, TP. Huế ưu tiên nguồn lực bố trí vốn đầu tư nâng cấp, trùng tu các công trình đình làng nhằm góp phần bảo tồn và phục hồi các di tích trên địa bàn.
Đình Kim Long (phường Kim Long) nằm về phía tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố 3km về phía tây. Đây là một trong những ngôi đình cổ với hơn 300 năm tồn tại. Ngôi đình hướng ra dòng sông Hương, trước có các trụ biểu và tấm bình phong long mã khảm sành sứ độc đáo, là nơi thờ phụng các bậc tiền nhân đã khai thôn, lập xóm của làng Kim Long.
Theo thời gian, đình làng đã xuống cấp và hư hỏng, nên năm 2022, HĐND TP. Huế phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (DA) tu sửa, chống xuống cấp hạng mục chính đình với diện tích 210m2, kinh phí gần 5,5 tỷ đồng. Công trình bao gồm các hạng mục, như hạ giải toàn bộ đình; chống mối mọt toàn bộ khu vực đình; tu bổ, tôn tạo, phục dựng lại toàn bộ đình, trụ biểu, bình phong theo nguyên trạng. Ngoài ra, sẽ lát gạch diện tích phần sân trước đình rộng 150m2. Hiện, các đơn vị thi công đã hạ giải công trình và tiến hành tu sửa, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2024.
Đình làng An Cựu (kiệt 33 An Dương Vương, TP. Huế) được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh từ năm 2008. Ngôi đình được xây dựng theo kiểu truyền thống độc đáo và được đánh giá cao về nghệ thuật kiến trúc. Song, nhiều năm nay tại đình làng hạn chế các hoạt động văn hóa cộng đồng, bởi toàn bộ hệ thống mái đã hư hại, nhiều đoạn ngói bị trụt và võng xuống; các cấu kiện gỗ phần nhiều đã mục ruỗng; vách tường bị thấm dột, rêu mốc, mục nát và bong tróc từng mảng lớn; nghi môn và tường thành nứt vỡ…
Trước thực trạng đó, qua khảo sát và nghiên cứu hiện trạng, tháng 9/2022, HĐND TP. Huế phê duyệt chủ trương đầu tư DA bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích đình An Cựu. Theo đó, DA nhằm tu sửa, chống xuống cấp di tích, phục vụ cho việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di tích. Quy mô đầu tư bao gồm, tu sửa, chống xuống cấp chính đình và tiền đình, hạ giải các hạng mục hư hỏng của đình; tu bổ, phục hồi lại toàn bộ đình theo nguyên trạng; chống mối mọt, chống thấm, chống ngập khu vực đình; đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, PCCC đảm bảo nhu cầu sử dụng và yêu cầu kỹ thuật. Công trình có tổng mức đầu tư 9,8 tỷ đồng, được triển khai trong 2 năm 2023 - 2024 từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Cùng với 2 công trình trên, trong năm 2023, TP. Huế triển khai tu sửa, trùng tu thêm một số đình làng, như đình làng Xuân Hòa (Hương Long), Dương Xuân Hạ (Thủy Xuân)… Trước đó, TP. Huế đã đầu tư 1 tỷ đồng, tu sửa cấp thiết di tích đình Phú Xuân (Tây Lộc), di tích miếu khai canh làng Thế Lại Thượng thuộc đình Thế Lại Thượng (Gia Hội).
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, hiện thành phố đang trực tiếp quản lý 33 di tích, gồm 12 di tích cấp Quốc gia và 21 di tích cấp tỉnh, trong đó có 16 đình làng. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn, đồng thời đảm bảo tính pháp lý và khoa học của hồ sơ di tích, thành phố vừa phối hợp với Bảo tàng Lịch sử tỉnh và UBND các phường, xã tiến hành khảo sát, thống nhất phương án điều chỉnh hồ sơ một số di tích đã được xếp hạng.
Theo đó, có 6 di tích cấp Quốc gia và cấp tỉnh thuộc các phường, xã trên địa bàn thành phố dự kiến điều chỉnh hồ sơ, bao gồm: địa điểm Trường Thanh niên tiền tuyến, nhà thờ và lăng mộ Nguyễn Khoa Đăng - Nguyễn Khoa Chiêm, khu mộ và nhà thờ ông tổ nghề kim hoàn, nhà thờ cổ nhạc, nghĩa địa và chùa Ba Đồn và trụ sở Tổng hội sinh viên Huế. Đến nay, có 16 di tích trên địa bàn thành phố được khảo sát, tiến hành lập hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh, góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn.