Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

TP Hồ Chí Minh: Phát triển du lịch thông minh để giữ chân du khách

10/06/2024 | 10:45

TP Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ công tin để giữ chân du khách lâu hơn như xây dựng booth tra cứu thông tin du lịch và tham quan thực tế ảo; triển khai hệ thống chatbot hỗ trợ thông tin du lịch...

TP Hồ Chí Minh: Phát triển du lịch thông minh để giữ chân du khách - Ảnh 1.

Du khách đến TP Hồ Chí Minh mong muốn nhiều trải nghiệm về văn hóa, lịch sử, con người, công nghệ...

Đầu tư công nghệ mới, nhiều trải nghiệm

Hiện nay, những du khách đến TP Hồ Chí Minh đã quá quen thuộc với trạm thông tin và hỗ trợ khách du lịch tại Khu B - Công viên 23/9, Quận 1. Tại đây, các công nghệ hiện đại được ứng dụng để du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin du lịch của TP Hồ Chí Minh. 

Anh Matteo, du khách Ý cho biết, anh khá thích thú với trạm thông tin và hỗ trợ khách du lịch tại Công viên 23/9. Ở đây có màn hình chạm thông minh, hiện đại cùng với nhiều ứng dụng hỗ trợ thông tin du lịch hữu ích cho du khách nước ngoài. Cụ thể, ở đây du khách có thể tiếp cận miễn phí cẩm nang du lịch, các loại ấn phẩm giới thiệu về du lịch TP Hồ Chí Minh với nhiều thứ tiếng như Anh, Nhật, Nga, Trung...

Ngoài việc đầu tư các trạm thông tin để hỗ trợ du khách, các Bảo tàng tại TP Hồ Chí Minh cũng tích cực đầu tư công nghệ 3D để thu hút du khách. Cụ thể, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ ứng dụng công nghệ Smart Museum 3D/360 vào giải pháp tham quan thực tế ảo, tương tác thông minh (Virtual Tour). Đây được xem là bảo tàng số đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh... cũng đầu tư công nghệ số để làm thành “Chiếc hộp kể chuyện”. Thông qua "Chiếc hộp kể chuyện", du khách ngoài tham quan trực tiếp còn có thể tham quan trực tuyến khi được nghe thuyết minh về điểm đến với những câu chuyện gần gũi và sinh động.  Từ đó, người dân và du khách có thể sẽ hiểu rõ về di sản Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh riêng. Nhờ cách làm trên, lượng du khách đến tham quan các Bảo tàng cũng đã tăng lên và không thấy nhàm chán.

TP Hồ Chí Minh: Phát triển du lịch thông minh để giữ chân du khách - Ảnh 2.

Người dân, doanh nghiệp được trải nghiệm tham quan du lịch bằng công nghệ thực tế ảo từ các thiết bị hiện đại tại TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, theo các hướng dẫn viên du lịch lâu năm tại TP Hồ Chí Minh, các công nghệ ứng dụng vào bảo tàng có hiệu quả nhưng công nghệ ứng dụng vào điểm đến du lịch nổi tiếng mới chỉ dừng lại ở mức độ phục vụ nhu cầu tham quan theo phương thức đơn giản: Ði và thấy. Ðây là phương thức tham quan không còn được du khách thế giới ưu tiên lựa chọn. Vì vậy, để thu hút du khách, các điểm đến cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào điểm đến để tăng tương tác cho du khách.

Chị Nguyễn Thị Mai Hoa, hướng dẫn viên tiếng Anh cho biết, khi công ty du lịch đưa đoàn khách quốc tế đến tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh như: Bưu điện thành phố, Nhà thờ Ðức Bà, Hội trường Thống Nhất... sau phần giới thiệu, du khách chỉ đi tham quan chung quanh rồi chụp vài tấm hình làm kỷ niệm. Ngoài ra, du khách không có hình thức nào để tương tác với các địa điểm tham quan nêu trên, điều này sẽ khó giữ chân du khách lâu dài. "Vì vậy, các điểm đến này cần đầu tư đúng mức về phương thức trưng bày và tham quan, tăng thêm trải nghiệm cho du khách", chị Mai Hoa đề xuất. 

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, để có giải pháp thu hút du khách, Sở đã có Đề án Phát triển du lịch thông minh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, TP Hồ Chí Minh tập trung xây dựng hệ thống du lịch thông minh hướng tới các mục tiêu chính như: Tiện ích cho du khách, điểm đến thông minh, hệ sinh thái kinh doanh thông minh; chủ động phân tích và dự báo nhu cầu, xu hướng, sở thích nhằm hoạch định phát triển tốt hơn. Ngoài ra, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh còn phát triển hệ thống tích hợp thông tin dịch vụ du lịch thành phố (hệ thống lắng nghe, phân tích ý kiến trên mạng xã hội - Social listening); xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch với bản đồ số du lịch, di sản và sản phẩm du lịch, dịch vụ mua sắm, hành vi du khách… Đến nay, 366 tài nguyên du lịch TP Hồ Chí Minh đã được cập nhật lên nền tảng Google Earth và Google Map. Các sản phẩm còn được lên sàn giao dịch thương mại điện tử (shopee, traveloka)… để du khách, người dân tìm hiểu, tham khảo. 

Hài hòa lợi ích

Theo đại diện UBND TP Hồ Chí Minh, thực tế, một số ứng dụng công nghệ số trong ngành du lịch theo thời gian cũng đã lỗi thời nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh, chưa kể quy trình thực hiện các thủ tục đầu tư công nghệ thông tin trong ngành du lịch còn khó khăn và kéo dài. Bởi khi đầu tư các dự án công nghệ thông tin cho ngành du lịch, cần có nhân sự trình độ cao về công nghệ thông tin, quản lý nhà nước và am hiểu về các quy định pháp luật liên quan... nhưng đội ngũ này đang thiếu. Vì vậy, muốn phát triển du lịch thông minh, TP Hồ Chí Minh cần khắc phục được các thách thức trên. 

TP Hồ Chí Minh: Phát triển du lịch thông minh để giữ chân du khách - Ảnh 3.

Du khách trải nghiệm tìm hiểu về du lịch TP Hồ Chí Minh thông qua công nghệ 3D tại tòa nhà 81 tầng.

Đại diện Sở Thông tin và truyền thông TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố là một trong những địa phương công bố đề án đô thị thông minh sớm nhất cả nước, với 4 trụ cột chính gồm: Trung tâm dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở, trung tâm điều hành đô thị thông minh, trung tâm mô phỏng quy hoạch chiến lược và trung tâm an toàn thông tin. Ðây là những trụ cột quan trọng và là bước đường hoàn chỉnh bức tranh du lịch thông minh, được TP Hồ Chí Minh đang hướng tới.

Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, ngành du lịch Thành phố những năm gần đây đã có nhiều bước phát triển nhanh chóng, với tăng trưởng hằng năm bình quân đạt 11 đến 12% nhờ vào những nỗ lực triển khai chuỗi các giải pháp tổng thể trong công tác quản lý nhà nước về du lịch, các dịch vụ du lịch và công tác quảng bá, truyền thông. Tuy nhiên, nếu đứng ngoài xu hướng của du lịch thông minh, điểm đến Thành phố sẽ lạc hậu. Chính vì thế, cùng với xây dựng đô thị thông minh, lãnh đạo thành phố cũng rất quan tâm việc xây dựng chiến lược du lịch thông minh cho thành phố. Hiện Thành phố đã chuẩn bị những bước quan trọng, trong đó việc xây dựng kho dữ liệu dùng chung, phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, tích hợp và chia sẻ, xây dựng trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ, Thành phố cần xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó việc đẩy nhanh hình thành hạ tầng thông tin cho thành phố là hết sức quan trọng.
TP Hồ Chí Minh: Phát triển du lịch thông minh để giữ chân du khách - Ảnh 4.

Du khách tham quan trụ sở UBND - HĐND TP Hồ Chí Minh bằng xe buýt hai tầng.

Theo đó, Thành phố đang xây dựng trung tâm du lịch thông minh để tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị trên tất cả các lĩnh vực, qua đó giúp lãnh đạo các cấp giám sát và quản lý chất lượng dịch vụ một cách tổng thể. Ðây là một thành phần của hệ thống trung tâm điều hành thành phố thông minh; trung tâm sẽ hỗ trợ du khách tiếp nhận, xử lý những kiến nghị, phản ánh của du khách, giúp du khách có những trải nghiệm tốt nhất...

Sở Du lịch cũng sẽ phối hợp các cơ quan chuyên môn, UBND 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức cập nhật vị trí, thông tin, hình ảnh các địa điểm phục vụ, hỗ trợ khách du lịch như: Đồn công an, trạm y tế, siêu thị mini, nhà vệ sinh công cộng lên nền tảng Google Maps; cập nhật dữ liệu về văn hóa và nghệ thuật các địa điểm nổi tiếng lên nền tảng Google Art & Culture. Bên cạnh đó, ngành du lịch TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với các công ty công nghệ triển khai kết nối dữ liệu khi các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu về du lịch được hoàn thành.

Hiện nay, lượng khách du lịch quốc tế đến TP Hồ Chí Minh chiếm 50% số du khách quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy, muốn triển khai du lịch thông minh hiệu quả, trước tiên ngành du lịch thành phố huy động các doanh nghiệp, đơn vị cùng đóng góp ý kiến, tạo cơ sở dữ liệu cho ngành về điểm đến, dịch vụ, hướng dẫn viên... Về lâu dài, khi phát triển du lịch thông minh, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng cần bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng và lợi ích của người dân, không làm mất ổn định cuộc sống người dân trong quá trình phát triển du lịch.

Theo Báo Tin tức

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×