TP Hồ Chí Minh: Định hình Thành phố lễ hội
11/06/2024 | 13:36Điểm lại các điểm nhấn trong 2 năm qua của du lịch TPHCM cho thấy bức tranh “thành phố sự kiện” đang định hình.
Lễ hội sông nước TPHCM lần thứ 2 năm 2024 vừa khép lại. Lễ hội âm nhạc quốc tế Hò Dô 2023 là sự kiện văn hóa lớn nhất năm 2023 của TPHCM, kéo dài từ tháng 9 đến hết tháng 12, trong đó nhiều buổi trình diễn có sức hút lớn với công chúng trong nước và quốc tế. Lần thứ 2 tổ chức, lễ hội bánh mì TPHCM có chủ đề “Bánh mì Việt Nam - Giá trị ẩm thực thế giới” diễn ra trong tháng 5 xác lập kỷ lục hơn 150 món ăn đi kèm bánh mì đã khiến du khách quốc tế ngạc nhiên.
Ngành điện ảnh Việt Nam có Liên hoan phim quốc tế TPHCM (HIFF 2024) lần đầu tiên, nơi tôn vinh những tác phẩm điện ảnh trong và ngoài nước, quy tụ nhiều tên tuổi uy tín thế giới và Việt Nam, thu hút đông đảo người yêu điện ảnh cả nước. Nếu kể thêm những hoạt động sự kiện mang tính thường niên thì gần như mỗi tháng, thành phố đều có một hoạt động sự kiện quy mô lớn.
Nhìn rộng ra thì TPHCM có đủ điều kiện và cơ hội để trở thành Thành phố lễ hội với sự kết hợp 3 trong 1: văn hóa - thể thao - du lịch. Tiến tới kết hợp “n” trong 1: phát triển hạ tầng giao thông (đường bộ, đường thủy, giao thông công cộng) với hạ tầng dịch vụ, nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu cho thành phố, con người thành phố và môi trường sống an ninh, trật tự…
Một khảo sát mới đây của nền tảng du lịch Klook Việt Nam cho thấy, 42% du khách Việt mong muốn du lịch đến một địa điểm vì một sự kiện cụ thể, gắn với những hoạt động văn hóa, lễ hội và concert âm nhạc… Bình quân một du khách khi tham gia các sự kiện sẽ chi tiêu cho khách sạn, nhà hàng, trải nghiệm du lịch với mức giá trị khoảng 4-5 lần so với giá vé sự kiện.
Tuy nhiên, để thu hút nguồn du khách đến - đi - quay lại và kích hoạt sức tiêu dùng của du khách thì thành phố phải cùng lúc tập trung cải thiện những điểm nghẽn cố hữu. Đó là hệ thống giao thông công cộng, nhất là vấn đề tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất và giao thông nội thành, ảnh hưởng không tốt đến việc trải nghiệm của khách du lịch. Hơn nữa, thành phố vẫn còn thiếu sân vận động, nhà triển lãm quy mô lớn, chuyên nghiệp, trung tâm thể dục thể thao cho các sự kiện thể thao, nhà hát cho sự kiện văn hóa, nghệ thuật đẳng cấp.
Bên cạnh đó, tuy có hệ thống cơ sở lưu trú với quy mô lớn nhưng vẫn còn thiếu nhiều các cơ sở lưu trú có khả năng đáp ứng cho tổ chức hội nghị lớn, phân khúc du lịch cao cấp… Hay mức độ nhận biết về thương hiệu du lịch thành phố của du khách quốc tế còn hạn chế, nhất là tại các thị trường châu Âu.
Với nền tảng đã được thiết lập trong bản quy hoạch phát triển thành phố, tận dụng hiệu quả tài nguyên bản địa và sức hội tụ sáng tạo của một thành phố “ngã ba đường”, TPHCM cần phải đi trên “đôi hài vạn dặm” để hiện thực hóa sớm khát vọng Thành phố lễ hội.