Tổng kết hoạt động của hệ thống Thư viện công cộng tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016-2020
28/07/2020 | 20:27Tổng kết hoạt động của hệ thống Thư viện công cộng tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016-2020; Thư viện tỉnh Kiên Giang hoàn tất việc chấm thi vòng sơ khảo Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2020”; Kết quả cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là tin tức thư viện tại các tỉnh Nam Bộ mới đây.
Tổng kết hoạt động của hệ thống Thư viện công cộng tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016-2020
Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đồng Tháp ngoài việc triển khai, chỉ đạo theo Chương trình, Kế hoạch, Hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong lĩnh vực Thư viện, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành nhiều Kế hoạch trọng tâm nhằm phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, kỹ năng lao động, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Từ ngày 01 tháng 7 năm 2020, Luật Thư viện có hiệu lực đã tạo hành lang pháp lý, đòn bẩy để hoạt động Thư viện ngày càng phát triển. Nhiều chính sách thay đổi phù hợp với xu thế phát triển, các quy định định mức-kinh tế, kỹ thuật ban hành góp phần nâng cao hiệu suất, động lực cho đội ngũ nhân viên Thư viện.
Mạng lưới Thư viện công cộng, các Phòng đọc sách, Tủ sách khuyến học phục vụ cộng đồng phát triển mạnh mẽ, tạo được môi trường đọc thân thiện, từng bước đáp ứng nhu cầu dùng tin người dân thông qua hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực Thư viện được thực hiện thường xuyên, liên tục và đạt hiệu quả cao.
Công tác đào tạo luôn được chú trọng nhằm nâng cao chuyên môn, kỹ năng, đào tạo đội ngũ vừa hồng, vừa chuyên góp phần phát triển Thư viện theo hướng hiện đại hóa, kết hợp phương thức truyền thống và hiện đại đẩy mạnh tài liệu số, hướng đến xây dựng Thư viện số, Thư viện điện tử trong tiến trình hội nhập, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhìn chung, chất lượng dịch vụ Thư viện ngày một đa dạng về hình thức, nội dung có chiều sâu, thông qua đó bạn đọc sẽ biết thêm nhiều kiến thức bổ ích. Bạn đọc dần quen đến với Thư viện, tin tưởng chọn Thư viện là nơi học tập, tự học và giải trí ngoài nhà trường. Qua các nội dung tham gia tại Thư viện, bạn đọc sẽ rèn thêm nhiều kỹ năng, tư duy độc lập và tinh thần làm việc nhóm-là một trong những kỹ năng rất cần trong công việc.
Thư viện tỉnh luôn đổi mới về hình thức và nội dung bên trong, bên ngoài thư viện đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của người dân, phục vụ hiệu quả 06 ngày trong tuần với 07 phòng phục vụ (đọc - mượn, thiếu nhi, thực hành thiếu nhi, báo - tạp chí, thư viện điện tử, thư viện dành cho người khuyết tật, không gian đọc sách và tự học), hàng năm trung bình tại Thư viện tỉnh phục vụ hơn 600.000 lượt người/1.200.000 lượt tài liệu, cấp mới trên 2.000 thẻ bạn đọc.
Các dịch vụ trong Thư viện luôn được đổi mới, sáng tạo, cảnh quan xanh - sạch-đẹp, môi trường học tập-giải trí thân thiện, phù hợp với mọi lứa tuổi. Từ tháng 6 năm 2020, Thư viện tỉnh còn tạo thêm một không gian mở để đọc sách và tự học với thời gian phục vụ xuyên suốt từ 07 giờ-18 giờ 30 (20 giờ đối với thứ 7, chủ nhật) hàng ngày trong tuần, được bạn đọc yêu thích và sử dụng, qua đó dần hình thành thói quen đọc và tự học của người dân góp phần phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời hiệu quả tại Thư viện.
Công tác phục vụ lưu động với phương châm "Sách đi tìm người đọc" được triển khai từ năm 2016 đến nay. Hoạt động ý nghĩa này luôn được người dân vùng sâu, vùng xa, các xã nông thôn mới, xã vùng biên ủng hộ và tham gia tích cực. Đặc biệt, với mô hình "Xe đi sách ở lại", bằng kinh phí xã hội hóa, Thư viện tỉnh phối hợp Hội khuyến học tỉnh trao 122 tủ sách khuyến học phục vụ cộng đồng khắp các xã, phường trong toàn tỉnh tại các thiết chế văn hóa cấp xã, ngoài ra, Thư viện tỉnh đã trao 536 bản sách và tủ sách khuyến học cho Trường Tiểu học Hữu Nghị Việt Nam-Campuchia tại Vương Quốc Campuchia. Đây là cách làm nhân văn, ý nghĩa thiết thực, được các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh quan tâm, đồng hành suốt những năm qua và sẽ tiếp tục trong thời gian tới, góp phần xây dựng xã hội học tập tại các thiết chế văn hóa, giáo dục ngoài nhà trường. Nhìn chung các hoạt động trên đã mang lại hiệu quả trong công tác phục vụ người đọc góp phần phát triển văn hóa đọc và học tập suốt đời cho người dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Thư viện tỉnh Kiên Giang hoàn tất việc chấm thi vòng sơ khảo Cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc năm 2020"
Hưởng ứng cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2020 do Vụ thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, Thư viện tỉnh Kiên Giang đã phát động cuộc thi này tại tỉnh, đây cũng là năm thứ 2 Thư viện tỉnh Kiên Giang tổ chức và phát động cuộc thi bổ ích này.
Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020" được Thư viện tỉnh Kiên Giang phát động từ tháng 2/2020 đến đầu tháng 6/2020 trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm tìm ra những gương mặt tiêu biểu, tích cực tham gia vào việc hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách, tạo sự đam mê và khích lệ tình yêu với sách, thúc đẩy phong trào đọc trong cộng đồng.
Cuộc thi đã thu hút được rất nhiều các em học sinh viết bài tham gia, số lượng bài dự thi năm nay nhận về nhiều hơn năm trước, đa số các bài dự thi đều có sự đầu tư kỹ lưỡng, sáng tạo, thể hiện song ngữ hay bằng các hình thức sinh động như vẽ tranh, chụp ảnh… đáp ứng đúng yêu cầu của Ban Tổ chức đưa ra. Số lượng bài dự thi được Ban Tổ chức tổng hợp là 3.475 bài. Trong đó có 255 bài của các em học sinh khối cấp 1; khối cấp 2 có 94 bài dự thi; và khối cấp 3 với tổng số bài là 3.126 bài.
Sau khi kết thúc thời gian nhận bài vào ngày 15/6, Ban Tổ chức của cuộc thi đã làm việc và chấm thi nghiêm túc, đã chọn ra được 60 bài dự thi tốt nhất, cũng như đã tìm ra được chủ nhân của 30 giải thưởng cho 3 cấp học ở vòng thi cấp tỉnh. Trong đó có 3 giải nhất, 4 giải nhì, 4 giải ba, 14 giải khuyến khích và 5 giải chuyên đề, các giải được chia đều cho 3 cấp. 60 bài dự thi được Ban Giám khảo chọn sẽ được gửi ra Hà Nội tham dự vòng chung khảo vào đầu tháng 7/2020. Dự kiến, đến tháng 9 sẽ có kết quả vòng thi chung khảo tại Hà Nội và tại Thư viện tỉnh Kiên Giang cũng sẽ tổ chức trao giải cho các em thí sinh đạt giải vòng sơ khảo và chung kết.
Qua 2 năm phát động và tổ chức cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" tại tỉnh Kiên Giang nói riêng cũng như cả nước nói chung đã khẳng định được vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đọc, khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với lứa tuổi học sinh, sinh viên. Từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Cuộc thi đã thực sự trở thành một sự kiện văn hóa nổi bật có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, đặc biệt là trong giới trẻ, học sinh và sinh viên.
Kết quả cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục ở Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung. Nhận thức được điều đó, hệ thống thư viện trên toàn tỉnh đã chủ động xây dựng và triển khai hiệu quả nhiều chương trình, hoạt động nhằm khơi dậy tình yêu và đam mê, thói quen đọc sách trong cộng đồng.
Đặc biệt, từ ngày 1-7-2020, Luật Thư viện chính thức có hiệu lực. Với những quy định mới phù hợp với xu thế hiện nay, Luật Thư viện đã và đang tạo ra kỳ vọng góp phần phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam toàn diện.
Những năm qua, ngành thư viện toàn tỉnh Đồng Nai được sự quan tâm của Sở VHTTDL nên đã tổ chức tốt nhiều hoạt động phục vụ bạn đọc, mở rộng thêm nhiều điểm đọc mới, đưa sách, báo đến tận nơi, vừa phục vụ tại chỗ vừa phục vụ lưu động. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, thư viện đẩy mạnh tuyên truyền, cập nhật tin tức, giới thiệu sách mới, tin địa chí đăng lên website của thư viện và mạng xã hội (Facebook, YouTube...). Sưu tầm, chọn lọc hình ảnh các hoạt động của thư viện, thực hiện 4 clip gửi về Vụ Thư viện để tuyên truyền với chủ đề Cùng bạn đọc sách - truyền cảm hứng, kết nối và lan tỏa tri thức.
Bên cạnh những mặt thuận lợi, theo Thư viện tỉnh, hệ thống thư viện công cộng thời gian qua cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, hệ thống máy chủ đã hết thời gian bảo hành nên thường xuyên xảy ra các sự cố, ảnh hưởng đến các hoạt động trong công tác nghiệp vụ và phục vụ bạn đọc trên địa bàn tỉnh.
Nhằm phát huy vốn văn hóa đọc, từ giữa tháng 3-2020, lần đầu tiên, Sở VHTTDL Đồng Nai phối hợp với Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch, tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh. Sau hơn 3 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 3 ngàn bài dự thi của học sinh các khối tiểu học, THCS và THPT gửi về. Đến thời điểm này, có hơn 200 bài lọt vào vòng sơ khảo, chung khảo. Ban tổ chức chấm bài, trao giải cuộc thi (21 giải vòng sơ khảo) vào tháng 8 tới; đồng thời gửi các bài đoạt giải cấp tỉnh về Vụ Thư viện - Bộ VH-TTDL để tham gia vòng chung kết cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc toàn quốc.
Theo Phó trưởng phòng VHTTDL (Sở VHTTDL), lần đầu tiên Đồng Nai tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, kinh nghiệm chưa có nhưng số lượng và chất lượng bài gửi về khá tốt. Có nhiều bài dự thi được thu bằng đĩa CD, thực hiện bằng các clip… thể hiện sự cảm nhận của học sinh trong văn hóa đọc truyền thống. Đây là tín hiệu rất đáng mừng để các ngành phối hợp tổ chức cuộc thi này trong những năm sau. "Từ cuộc thi này, chúng tôi tiếp tục nhân rộng, đề ra thể lệ mới hơn (thi từ cấp huyện, cấp tỉnh) hấp dẫn hơn để tạo động lực, thu hút học sinh tham gia" - ông Tá nhấn mạnh.
Việc Luật Thư viện có hiệu lực từ ngày 1-7 vừa qua đã và đang tạo nhiều kỳ vọng cho phát triển văn hóa đọc hiện nay. Luật Thư viện có nhiều điểm mới, rất sát thực tế hoạt động của thư viện như: Xây dựng và cung cấp dịch vụ thư viện số; đẩy mạnh liên thông giữa các thư viện; luân chuyển tài nguyên thông tin phục vụ khu vực biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số... Đặc biệt với những người khiếm thị, luật đã có quy định rõ họ có quyền sử dụng tài nguyên thông tin và được tạo điều kiện sử dụng tài liệu in chữ nổi Braille, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu ngôn ngữ ký hiệu hoặc tài liệu đặc biệt khác.