Tôn vinh đất và người Kinh Bắc
18/04/2010 | 22:25“Văn hiến Bắc Ninh - Hội tụ và toả sáng” là chủ đề lễ khai mạc hoành tráng, ấn tượng của Festival Bắc Ninh 2010 – hoạt động văn hóa tôn vinh đất và người Kinh Bắc đã diễn ra tối 17/4 tại Trung tâm Văn hoá Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Katherine Muller Marin, lãnh đạo các Bộ, ngành, đại diện lãnh đạo các tỉnh thành cả nước và hàng vạn người dân Bắc Ninh đã hòa chung niềm vui trong không khí tưng bừng của lễ hội.
Festival Bắc Ninh năm 2010 được tổ chức từ ngày 14 – 18/4. Đây là sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tổng hợp với quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức tại Bắc Ninh - nơi phát tích vương triều nhà Lý. Chương trình khai mạc hoành tráng với các màn biểu diễn: Âm vang tiếng gọi cội nguồn; Không gian văn hoá và lễ hội; Bắc Ninh ngày mới được dàn dựng công phu, với biểu tượng rồng, phượng lộng lẫy và các tiết mục nghệ thuật đặc sắc. Hình ảnh áo tứ thân và nón quai thao cũng là một điểm nhấn tạo nên nét đặc trưng của văn hoá Kinh Bắc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, Dân ca quan họ Bắc Ninh là một sinh hoạt văn hóa thể hiện tâm hồn, trí tuệ, cốt cách của con người Bắc Ninh. Với việc UNSECO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, cùng với ca trù, từ nay đã trở thành tài sản chung, giá trị chung của nhân loại, được cả thế giới biết đến, trân trọng, và sẽ được bảo tồn, phát huy theo Công ước của thế giới.
“Đây là nguồn động viên, là cơ hội để chúng ta tăng cường việc bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa những giá trị văn hóa của dân tộc – một kho báu, một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm cho dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt Nam mãi mãi trường tồn và ngày càng phát triển” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tất cả các ngành, các cấp, các địa phương trong cả nước cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, nâng niu, trân trọng và có những việc làm thiết thực để tôn vinh, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, cả văn hóa vật thể và phi vật thể.
Nhân dịp này, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Katherine Muller Marin đã trực tiếp trao Bằng công nhận Dân ca Quan họ Bắc Ninh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại cho lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh.
Trước đó, Chủ tịch Quốc hội đã có cuộc gặp gỡ thân mật với 7 nghệ nhân cao tuổi đại diện cho 7 làng quan họ của Bắc Ninh. Nghệ nhân Nguyễn Thừa Kế (91 tuổi) rất xúc động trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cho biết sẽ dốc hết tâm sức để truyền dạy cho thế hệ con cháu những tinh hoa của dân ca quan họ.
Trong khuôn khổ Festival, sáng 17/4 tại Đền Đô (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đã diễn ra lễ dâng hương tưởng niệm các vị vua triều Lý theo đúng nghi lễ cổ truyền của vùng Đình Bảng kết hợp với các nghi thức đương đại.
Một hoạt động có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước trong dịp này là việc tổ chức trưng bày “Di sản văn hóa thời Lý và cổ vật tiêu biểu tỉnh Bắc Ninh” diễn ra từ 16/4 – 1/5. Những hiện vật được trưng bày tại đây giúp người xem hiểu thêm về quê hương nhà Lý ở Bắc Ninh và chiến thắng oanh liệt của quân dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược trên phòng tuyến sông Như Nguyệt…
Hơn 1.000 cổ vật tiêu biểu thuộc các thời kỳ lịch sử của tỉnh cũng được giới thiệu. Đây chính là những cổ vật phản ánh tiến trình lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.
Trong khuôn khổ Festival Bắc Ninh năm 2010, Hội chợ Thương mại và Du lịch, Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Bắc Ninh, các trại sáng tác và trưng bày: Tranh Đông Hồ, gốm Phù Lãng, Luy Lâu, đồng Đại Bái, gỗ Đồng Kỵ, tre trúc Xuân Lai đã được tổ chức. Bên cạnh đó là nhiều hoạt động văn hóa phong phú như: trưng bày giới thiệu cổ vật, đá quý, triển lãm ảnh nghệ thuật, hội thi sinh vật cảnh; giao lưu dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca các vùng, miền; hát quan họ trên thuyền, rối nước, các trò chơi dân gian (đu, chọi gà, thả chim bồ câu, thả diều dân tộc, tổ tôm điếm, cờ người...)...
VGP