Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tọa đàm nhận diện những giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của di tích, danh thắng Yên Tử

27/08/2020 | 14:18

Sáng 26/8, tại TP Hạ Long, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang tổ chức Tọa đàm khoa học nhận diện những giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử để xây dựng hồ sơ, đề nghị tổ chức UNESCO công nhận, vinh danh Di sản thế giới.

Tham dự tọa đàm có đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Cục Di sản văn hóa; Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao); đại diện các cục, vụ, viện, các trường đại học, bảo tàng, đại điện 2 địa phương: Hải Dương, Bắc Giang...

Tọa đàm nhận diện những giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của di tích, danh thắng Yên Tử - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm khoa học.

Tại buổi tọa đàm, Ban Tổ chức đã nhận được 39 bài tham luận và 16 ý kiến phát biểu của các chuyên gia đóng góp để xác định những giá trị tiêu biểu, nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử phục vụ công tác lập hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO công nhận, ghi danh là Di sản thế giới. Cụ thể như: Xác định tên gọi của hồ sơ; loại hình lựa chọn để xây dựng hồ sơ (vật thể hoặc phi vật thể); lựa chọn tiêu chí nào theo Quy định Công ước Di sản thế giới năm 1972, Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức UNESCO; xác định không gian, địa bàn, liên vùng, liên khu vực có liên quan... để tiến tới xây dựng hồ sơ giàu tính khoa học, thuyết phục Hội đồng Di sản trong nước và quốc tế ghi danh...

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học đều thống nhất cho rằng, với hồ sơ đề cử di sản văn hóa cho Yên Tử, rất khó để chứng minh tiêu chí tính toàn vẹn và tính xác thực của di sản, vì khảo cổ còn lại tương đối ít, công trình mới xây trên nền công trình cũ nhiều, hoặc được cải tạo lại bằng vật liệu mới.

Bên cạnh đó, tiêu chí cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng chưa mang giá trị nổi bật toàn cầu, vì vậy chỉ nên tập trung vào tầm ảnh hưởng toàn cầu của tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm, vào vùng không gian văn hóa được tạo dựng ở đây, sự thích ứng của con người với điều kiện thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ và tận dụng hệ thống sinh thái đó để cùng chung sống và tạo dựng một hệ thống đền, chùa, am, tháp...

Mặt khác, có thể làm cả 2 bộ hồ sơ di sản vật thể và di sản phi vật thể đối với quần thể di tích danh thắng Yên Tử, đẩy nhanh hồ sơ di sản phi vật thể nếu điều kiện cho phép.

Tọa đàm nhận diện những giá trị tiêu biểu nổi bật toàn cầu của di tích, danh thắng Yên Tử - Ảnh 2.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia kết luận buổi tọa đàm.

Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, chủ trì tọa đàm thống nhất tên gọi hồ sơ có thể là: Quẩn thể di tích và danh thắng Yên Tử. Phạm vi di sản trên cả 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, gồm 62 điểm với 5 hạt nhân là các khu di tích quốc gia đặc biệt tại các địa phương. Đây sẽ là căn cứ để 3 địa phương quyết định phương án cuối cùng trong việc xây dựng hồ sơ. Dự kiến đến ngày 30/9/2020 sẽ hoàn thiện hồ sơ tóm tắt để trình UNESCO.

Bế mạc buổi tọa đàm khoa học, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng cảm ơn những đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học.

Đồng chí nhấn mạnh: Cả ba địa phương mong muốn có thể nhận được những ý kiến quý báu từ các chuyên gia, nhà khoa học nhằm xác định được các tiêu chí để xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trình UNESCO công nhận Di sản thế giới.

Theo Xuân Hòa/quangninh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×