Tọa đàm khoa học Danh nhân Hoàng Trình Thanh với chính sách chấn hưng đất nước
07/09/2018 | 11:35Sáng ngày 7/9/2018, Tọa đàm khoa học “Danh nhân Hoàng Trình Thanh với chính sách chấn hưng đất nước” đã diễn ra tại nhà Thái Học, Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Tọa đàm do Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản Văn hóa Việt Nam, dòng họ Hoàng làng Đa Sĩ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) phối hợp tổ chức.
Danh nhân Hoàng Trình Thanh (1411-1463) tên tự là Trực Khanh, tên hiệu là Trúc Khuê, người làng Đa Sĩ, tổng Thượng Thanh Oai, phủ Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Đa Sĩ, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội). Năm 1431, ông thi đỗ khoa Hoành từ và được bổ làm Ngự tiền học sinh. Ông làm quan liên tục trong 36 năm, phụng sự 4 triều vua Lê là Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông.
Năm 1462, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu cầu lời nói thẳng để tìm phương sách xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Từ trải nghiệm quan trường của một nhân sĩ tài năng, tâm huyết luôn trăn trở với sự bền vững của quốc gia dân tộc, Danh nhân khoa bảng Hoàng Trình Thanh đã dâng tấu sớ tâu bày 7 việc lên triều đình với khát vọng chấn hưng đất nước gồm: Thứ nhất, phải thuận âm - dương, trên - dưới, trong - ngoài thì trong nước mới có hòa khí; Thứ nhì, phải trọng người hiền tài, có học thức, trọng kinh sách, noi theo tiền nhân thì nền chính học mới thịnh vượng; hứ ba, phải chăm sóc bồi dưỡng các thế hệ đời sau; Thứ tư, phải tiết kiệm của cải tiền bạc thì mới mở mang được kinh tế; Thứ năm, phải thận trọng tuyển chọn quan chức mới chăm lo được chúng dân chứ không phải cai trị dân; Thứ sáu, phải thường xuyên huấn luyện quân sự thì nền võ bị mới mạnh; Thứ bảy, phải lập đồn điền để kết hợp kinh tế với quốc phòng.
Những đề xuất của Hoàng Trình Thanh được triều đình chấp thuận và cụ thể hóa trong Bộ luật Hồng Đức (hay còn gọi Quốc triều hình luật; Lê Triều hình luật) - Bộ luật điển hình, hoàn thiện nhất trong lịch sử Nhà nước phong kiến Việt Nam. Đây được coi là thành tựu và cũng là đóng góp to lớn trong sự nghiệp quan trường của Danh nhân khoa bảng Hoàng Trình Thanh.
Thông qua các tham luận và ý kiến đóng góp tại tọa đàm, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, sẽ làm rõ khát vọng chấn hưng đất nước của Nhà khoa bảng Hoàng Trình Thanh với xu thế phát triển của đất nước hiện nay theo 2 phần là bối cảnh nước Đại Việt đầu thế kỷ XV và sự nghiệp của Tiến sĩ Hoàng Trình Thanh và ý nghĩa, vận dụng 7 chính sách chấn hưng đất nước của Danh nhân Hoàng Trình Thanh trong bối cảnh đất nước hiện nay./.
Gia Linh (t/h)