Tọa đàm "Di sản văn hóa nghề, làng nghề truyền thống hội nhập quốc tế"
23/11/2019 | 09:44Trong khuôn khổ Ngày hội Di sản văn hóa, du lịch Việt Nam năm 2019, sáng 22/11, Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã tổ chức tọa đàm "Di sản văn hóa nghề, làng nghề truyền thống hội nhập quốc tế". Đây cũng là hoạt động hướng tới kỷ niệm 15 năm thành lập Hiệp hội làng nghề Việt Nam.
Tại buổi tọa đàm, ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho biết, đời sống của người dân ở nơi có làng nghề thường cao hơn so với làng thuần nông. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, làng nghề Việt Nam cũng lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, thiếu vốn. Đầu ra cho sản phẩm không ổn định, mặt bằng sản xuất chưa được mở rộng, vấn đề về môi trường… Thực trạng đó đòi hỏi những biện pháp "giải cứu" cho làng nghề.
Một số giải pháp và ý kiến đóng góp đã được các đại biểu đã đưa ra như: tăng cường hợp tác, liên kết, liên doanh; tổ chức lại sản xuất; áp dụng công nghệ mới; phát triển các vùng nguyên liệu, cải tiến mẫu mã; xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu… Bên cạnh đó là thay đổi nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương; xây dựng cơ sở hạ tầng, cảnh quan, môi trường; tổ chức các chương trình sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ chất lượng cao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở dịch vụ phục vụ khách tham quan, trải nghiệm làng nghề...
Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện tổ chức làng nghề các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Hải Phòng, Lào Cai và các đơn vị liên quan đã cùng thống nhất ký kết Thỏa thuận hợp tác triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2018 - 2023 với mục tiêu "Kết nối cộng đồng làng nghề - Bảo tồn văn hóa - Phát triển du lịch - Hội nhập quốc tế".
Các nội dung ký kết cụ thể gồm: Liên kết, hợp tác cùng nhau phát triển về nguyên liệu, mẫu mã mới, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và xuất khẩu qua các hội chợ triển lãm, lễ hội tại các địa phương, cùng nhau tham gia 100 làng nghề tiêu biểu, 100 nghệ nhân tiêu biểu, 100 sản phẩm tinh hoa; Tổ chức tham quan du lịch giữa thủ đô Hà Nội, TP.Huế, Hội An (Quảng Nam), Sapa (Lào Cai), Hải Phòng, Quảng Ninh và các vùng miền cả nước; Trao đổi kinh nghiệm, học tập việc xử lý môi trường, tạo sức sống mới để làng nghề là điểm tham quan du lịch./.