Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tổ chức Lễ hội "Tuyệt vời Đà Nẵng 2020"

15/04/2020 | 07:34

Tổ chức Lễ hội "Tuyệt vời Đà Nẵng 2020"; Thêm 07 di tích lịch sử được công nhận là di tích cấp tỉnh; Xin ý kiến đối với việc khôi phục lập đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo) là những điểm tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh/thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Gia Lai.

Tổ chức Lễ hội "Tuyệt vời Đà Nẵng 2020" - Ảnh 1.

Lễ hội "Tuyệt vời Đà Nẵng 2020" dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 6/2020. (Nguồn: danangsensetravel.com)

Tổ chức Lễ hội "Tuyệt vời Đà Nẵng 2020"

Thông tin trên báo Đà Nẵng điện tử ngày 15/4 cho biết, UBND thành phố vừa có văn bản về việc tổ chức chương trình lễ hội "Tuyệt vời Đà Nẵng 2020".

Theo đó, UBND thành phố đồng ý chủ trương Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chương trình lễ hội "Tuyệt vời Đà Nẵng 2020" dự kiến diễn ra vào tháng 6/2020; đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế, diễn biến của Covid-19 và các chính sách, chủ trương của Trung ương, địa phương triển khai tổ chức lễ hội cho phù hợp.

Lễ hội "Tuyệt vời Đà Nẵng 2020" là sự kiện được nâng cấp từ sự kiện thường niên "Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè" và hứa hẹn trở thành chương trình lễ hội đặc sắc, hấp dẫn, phục vụ người dân và du khách trong năm 2020.

Lễ hội dự kiến được tổ chức từ tháng 6 đến tháng 9/2020 tại các khu vực bãi biển du lịch (Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng, Non Nước, Nguyễn Tất Thành), trung tâm thành phố và các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

Tại Tuần lễ cao điểm 07 ngày (dự kiến diễn ra từ giữa tháng 7/2020 đến cuối tháng 7/2020) với các hoạt động nổi bật, gồm: Lễ khai mạc, lễ hội âm nhạc, trình diễn flahmob bikini, nghệ thuật sắp đặt trên bãi biển, lễ hội ẩm thực Việt Nam…; Các hoạt động, sự kiện diễn ra từ tháng 6 đến tháng 9/2020 do các ngành, doanh nghiệp tổ chức. Ngoài ra, còn có 14 hoạt động phụ trợ và 05 hoạt động khác được tổ chức đi kèm như: khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng 2020; biểu diễn nhạc hòa tấu, cuộc thi đua thuyền thúng trên biển; ngày hội miền biển…

Quảng Ngãi thêm 07 di tích lịch sử được công nhận là di tích cấp tỉnh

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành các Quyết định số: 477, 478, 479, 480, 481, 482, 483/QĐ-UBND về việc công nhận thêm 07 di tích lịch sử là di tích cấp tỉnh.

Theo đó, các di tích lịch sử được công nhận đợt này, gồm: Di tích lịch sử Nhà đồng chí Trần Hàm (xã Đức Tân, huyện Mộ Đức); Di tích lịch sử Cuộc biểu tình Trà Niên (xã Đức Phong, huyện Mộ Đức); Di tích lịch sử Địa đạo Lâm Sơn (xã Đức Phong, huyện Mộ Đức); Di tích lịch sử Căn cứ Rừng Nà (xã Đức Thạnh, huyện Mộ Đức); Di tích lịch sử Vụ thảm sát Đồng Nà (xã Đức Phong, huyện Mộ Đức); Di tích lịch sử Mộ và Nhà thờ tộc Trần tiền hiền (làng Văn Bân, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức); Di tích lịch sử địa điểm Mang Blóoc – Nơi tổ chức Đại hội đoàn kết các dân tộc miền Tây Quảng Ngãi (xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây).

Theo các Quyết định, khu vực bảo vệ các di tích được xác định cụ thể tại biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ Di tích trong Hồ sơ khoa học Di tích.

UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc bảo vệ di tích cấp tỉnh của Ủy ban nhân dân các huyện Mộ Đức, Sơn Tây.

Đồng thời, UBND tỉnh giao Ủy ban nhân dân huyện Mộ Đức và UBND huyện Sơn Tây: Tổ chức đón bằng xếp hạng Di tích lồng ghép vào sự kiện có ý nghĩa tại địa phương, vào thời điểm thích hợp; Tổ chức thực hiện việc cắm mốc giới bảo vệ và quản lý di tích; Thực hiện việc quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo đối với các di tích được công nhận theo đúng quy định của Nhà nước.

Gia Lai xin ý kiến đối với việc khôi phục lập đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo)

Sở VHTTDL Gia Lai đã có công văn số 589/VHTTDL-KHTC gửi Bộ VHTTDL xin ý kiến đối với việc khôi phục lập đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo).

Tổ chức Lễ hội "Tuyệt vời Đà Nẵng 2020" - Ảnh 2.

Đình An Khê - một trong những di tích thuộc Cụm di tích Tây Sơn Thượng đạo ở thị xã An Khê, Gia Lai. (Nguồn: nhandan.com.vn)

Công văn nêu rõ, năm 2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ triển khai lập đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (gọi tắt là Quy hoạch Tây Sơn Thượng đạo). Sau khi đồ án được phê duyệt nhiệm vụ và dự toán, Sở đã tiến hành lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực để triển khai lập đồ án trên là Công ty cổ phần quy hoạch Hà Nội thực hiện. Đến ngày 14/6/2018, sau khi Luật Quy hoạch đã có hiệu lực, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo việc dừng thực hiện việc lập đồ án Quy hoạch Tây Sơn Thượng đạo (lý do được ngành chuyên môn giải thích là theo quy định tại Điều 5; Điều 27; khoản 2 Điều 58; Điều 59 Luật Quy hoạch và theo hướng dẫn số 2932/BKHĐT-QLQH ngày 08/5/2018 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Tính đến thời điểm 14/6/2018, đơn vị tư vấn đã hoàn thành nội dung đồ án và trong quá trình lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân, đơn vị liên quan tham gia góp ý nhằm chỉnh sửa, hoàn thiện đồ án.

Tuy nhiên, với nhiệm vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phát triển ngành văn hóa, thể thao và du lịch tại địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận thấy Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo có những giá trị to lớn về mặt lịch sử - văn hóa đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, việc phát huy giá trị lịch sử của quần thể di tích có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển của tỉnh nhà, cũng như của ngành văn hóa, thể thao và du lịch. Vì vậy việc lập quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích để có cơ sở triển khai đầu tư xây dựng có hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật với mục đích phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của quần thể di tích là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay. Mặt khác theo quy định tại Điểm b - Mục 4 - Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13/9/2019 của Chính phủ về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019 cho phép quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được sử dụng nguồn vốn kinh phí thường xuyên được cân đối trong kế hoạch hàng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước để thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh, đảm bảo triển khai kịp thời và linh hoạt trong điều hành... Trên cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đã chủ động, phối hợp các Sở, ban ngành trong tỉnh xem xét và thống nhất đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai cho chủ trương khôi phục lập đồ án Quy hoạch Tây Sơn Thượng đạo.

Để có cơ sở báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh việc khôi phục lập đồ án Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử phong trào nông dân Tây Sơn trên đất Gia Lai (Tây Sơn Thượng đạo). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét cho ý kiến nội dung sau:

Sự phù hợp của việc tiếp tục lập đồ án Quy hoạch Tây Sơn Thượng đạo đối với quy định pháp luật, của Chính phủ và sự phù hợp với định hướng, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. 

Sự ảnh hưởng của đồ án quy hoạch đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của quần thể di tích, đặc biệt đối với trường hợp khi Quần thể di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt (hiện địa phương đã có chủ trương lập; hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận là di tích quốc gia đặc biệt)./.

Anh Vũ (t/h)

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×