Tổ chức cuộc thi "Nước Nga trong tim tôi"
28/04/2020 | 17:12Tổ chức cuộc thi "Nước Nga trong tim tôi"; Dự kiến khai trương Bãi tắm nhân tạo Hồ nước mặn tại Đồ Sơn; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội… là những thông tin văn hóa và du lịch nổi bật tại Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình.
Hà Nội: Nhân kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Liên bang Nga (30/1/1950- 30/1/2020), Báo Quân đội nhân dân phối hợp với một số cơ quan, đơn vị tổ chức cuộc thi "Nước Nga trong tim tôi".
Cuộc thi nhằm gìn giữ, phát huy lịch sử quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân và quân đội hai nước, xây dựng, củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga.
Cuộc thi dành cho các nhà báo chuyên nghiệp, thông tin viên, cộng tác viên, bạn đọc trong và ngoài quân đội. Tác phẩm dự thi có thể là một bài và loạt bài (không quá 5 bài) ở các thể loại báo chí, như: Phản ánh, ghi chép, phóng sự, chuyên luận, chính luận, ký, gương người tốt, việc tốt. Mỗi bài không quá 2.000 từ.
Bài dự thi có nội dung là những kỷ niệm sâu sắc về nước Nga, nhân dân Nga, tình đoàn kết hữu nghị truyền thống, sự giúp đỡ nhiều mặt của nhân dân Liên Xô trước đây và nhân dân Nga đối với cách mạng Việt Nam ở các giai đoạn lịch sử khác nhau; những đóng góp to lớn của các thế hệ lãnh đạo hai nước, hai quân đội trong xây dựng, củng cố và tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga.
Ban tổ chức nhận bài dự thi từ tháng 5/2020 đến ngày 30/11/2020. Lễ tổng kết và trao giải sẽ diễn ra vào dịp kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 31 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/2020). Ban tổ chức sẽ trao nhiều giải thưởng, trong đó có 1 giải Đặc biệt, 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích.
Hải Phòng: Để chào mừng kỷ niệm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2020), thành phố dự kiến tổ chức Lễ khai trương Bãi tắm nhân tạo Hồ nước mặn và Động thổ Khách sạn 5 sao tại Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng vào ngày 13/5.
Để chuẩn bị tổ chức buổi Lễ thành công, đồng thời thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng chống dịch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố chỉ đạo số lượng người tham dự buổi Lễ tối đa là 30 đại biểu. Giao UBND quận Đồ Sơn phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành, đơn vị liên quan đảm bảo công tác an ninh trật tự, phân luồng giao thông, vệ sinh môi trường và thực hiện các nghi lễ. Giao Công an thành phố chỉ đạo Công an quận Đồ Sơn làm tốt công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông để Lễ khai trương thành công tốt đẹp. Giao Công ty Cổ phần tập đoàn Geleximco phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, UBND quận Đồ Sơn xây dựng chương trình, chuẩn bị tổ chức buổi Lễ; đồng thời đẩy nhanh tiến độ dự án. Bên cạnh đó, UBND thành phố đề nghị quận Đồ Sơn đôn đốc các dự án trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện hạ tầng, phát triển du lịch.
Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng có quy mô 480 ha với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 25.000 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 5 năm (từ 2019 - 2023), gồm các hạng mục sân golf, trung tâm hội nghị, hội thảo; nhà ở nghỉ dưỡng cao cấp phục vụ du lịch; khách sạn 5 sao; resort; khu phố thương mại; biển nhân tạo; bể bơi nước ngọt, bể bơi nước mặn; công viên nước; khu vui chơi giải trí...
Ninh Bình: Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Ninh Bình vừa có Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05/2/2015 của Ban Bí thư (Khóa XI) về việc "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội".
Theo VHTT Ninh Bình: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh, hàng năm, Sở đã ban hành văn bản chỉ đạo yêu cầu Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố, các phòng, đơn vị trực thuộc Sở về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện các văn bản của đảng, nhà nước, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Chỉ đạo, hướng dẫn Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội ở địa phương thực hiện đúng quy định về tổ chức lễ hội và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.
Hàng năm, Sở VHTT thường xuyên kiểm tra việc chỉ đạo, tổ chức triển khai về công tác quản lí và tổ chức lễ hội tại các huyện, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là kiểm tra tại các cơ sở, tín ngưỡng tôn giáo nói chung và tại các lễ hội nói riêng kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực; các hành vi mê tín dị đoan, các hoạt động cờ bạc trá hình, các hành vi nâng ép giá dịch vụ, ép khách mua hàng, chụp ảnh, lưu hành văn hóa phẩm trái phép…
Các địa phương có lễ hội đã bám sát Quy chế quản lý và tổ chức lễ hội, thành lập Ban Tổ chức, xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động lễ hội theo đúng quy định. Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích đã chủ động thực hiện thông báo tổ chức lễ hội theo đúng quy định tại Nghị định 110/ 2018/NĐ- CP của Chính phủ ngày 29/8/2018 và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, các đoàn thể quần chúng ở địa phương tổ chức hoạt động lễ hội từ khi chuẩn bị, đến việc hành lễ, tổ chức các hoạt động phần hội công phu, nghiêm túc. Nghi lễ của lễ hội trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không có tính bạo lực phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc.
Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, với sự đa dạng, phong phú về loại hình, gắn với đặc trưng vùng miền, tạo nên không gian lễ hội vui tươi, lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy lòng yêu quê hương, uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội. Các địa phương tổ chức lễ hội trang trọng, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội, tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa.
Ban Tổ chức lễ hội, Ban Quản lý di tích đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân và du khách đặt tiền lễ, tiền giọt dầu, công đức có mệnh giá nhỏ đúng nơi quy định. Kiên quyết ngăn chặn các hoạt động dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng lợi. Ban Quản lý di tích đã bố trí bàn ghi, đặt hòm công đức khoa học, tạo điều kiện thuận tiện cho khách hành lễ, bố trí lực lượng gom tiền lễ, tiền giọt dầu kịp thời, đảm bảo tính tôn nghiêm nơi thờ tự. Hiện tượng cải, đặt tiền lên tay tượng phật đã giảm đi rõ rệt. Tiền công đức, tiền giọt dầu đã được các Ban quản lý di tích và Ban tổ chức lễ hội quản lý thống nhất, đảm bảo việc thu, chi được tổng hợp, ghi chép đầy đủ, công khai, minh bạch và sử đụng đúng mục đích, đúng pháp luật góp phần phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, bảo tồn di sản văn hóa.