Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tỉnh Hòa Bình phấn đấu đón 4,9 triệu lượt du khách vào năm 2025

10/12/2020 | 08:48

Sau 03 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 22/9/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục có những chiến lược, bước đột phá đưa ngành du lịch của tỉnh ngày càng khẳng định được vai trò kinh tế quan trọng, xứng đáng được coi là ngành kinh tế mũi nhọn.

Tỉnh Hòa Bình phấn đấu đón 4,9 triệu lượt du khách vào năm 2025 - Ảnh 1.

Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch luôn là một trong những định hướng hàng đầu của tỉnh nhằm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hòa Bình có 71 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, chiếm khoảng hơn 12% tổng số dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng trên 20.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có khoảng 4.000 phòng, tạo việc làm cho khoảng 14.000 lao động. Lượng khách du lịch và tổng thu từ du lịch của tỉnh trong 3 năm qua có mức tăng trưởng bình quân khá tốt, đạt trên 10%/năm: Năm 2017 đón 2,5 triệu lượt du khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.216 tỷ đồng; năm 2018 đón 2,7 triệu lượt du khách, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 1.520 tỷ đồng; năm 2019 toàn tỉnh đón 3,1 triệu lượt du khách, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 2.075 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại một số hạn chế là: Công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch còn chậm, thiếu đồng bộ, đặc biệt là các tuyến đường giao thông kết nối tuyến, điểm du lịch; bến cảng phục vụ tàu thuyền vận chuyển khách du lịch trên hồ Hòa Bình chưa được đầu tư xây dựng tương xứng với quy mô phát triển và quy hoạch của Khu du lịch quốc gia; một số dự án đầu tư về du lịch triển khai chậm, không đảm bảo tiến độ theo cam kết; chưa thu hút được các tập đoàn có thương hiệu lớn để đầu tư các khu nghỉ dưỡng cao cấp; công tác bảo tồn, tôn tạo, khai thác và phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc gắn với phát triển du lịch còn hạn chế; các chỉ tiêu của Nghị quyết đến năm 2020 chưa hoàn thành.

Để thúc đẩy du lịch tiếp tục phát triển theo tinh thần Nghị quyết, Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận và định hướng các nhiệm vụ trọng tâm cần phát triển trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án của Trung ương và của tỉnh về phát triển du lịch; rà soát, bổ sung và ban hành cơ chế chính sách đặc thù tạo cơ sở pháp lý để hỗ trợ cho các nhà đầu tư, cộng đồng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, trải nghiệm cho khách tham quan du lịch. Huy động sức mạnh của toàn xã hội trong xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống đường giao thông và các bến thuyền kết nối các điểm du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, có chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2025: Cơ sở lưu trú đạt trên 6 nghìn phòng, đạt 4,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 1 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 26 nghìn lao động. Tiếp tục duy trì mức tăng trưởng của ngành du lịch, phấn đấu xây dựng Khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đạt các điều kiện của Khu du lịch quốc gia vào năm 2025. Đến năm 2030: Hoàn thiện xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tăng cường thu hút đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát triển nâng cao chất lượng các sản phẩm và thương hiệu du lịch tỉnh Hòa Bình; phát triển nhiều sản phẩm đặc trưng, hấp dẫn, chất lượng cao; cơ sở lưu trú đạt trên 10 nghìn phòng; đạt 7,3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 2 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 11 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 47 nghìn lao động; Khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành Khu du lịch quốc gia; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Để đạt được các mục tiêu trên, tiếp tục nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về vai trò của phát triển du lịch của các cấp, các ngành; đẩy mạnh và đổi mới công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước về du lịch, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh, hội nhập và phát triển trong cơ chế thị trường. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ tài nguyên để phát triển du lịch./.

Theo hoabinh.gov.vn

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×