Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu của người Việt
03/12/2022 | 17:24Chiều ngày 2/12, Viện Phát triển Văn hoá Dân tộc đã tổ chức chương trình diễn đàn "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" tại Nhà hát Chèo Việt Nam.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Đồng thời, tổ chức UNESCO còn đánh giá di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản, thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo, tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945 -23/11/2022) và kỷ niệm 6 năm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO công nhận di sản văn hỏa phi vật thể đại diện của nhân loại, Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc đã tổ chức chương trình diễn đàn "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt".
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Văn Nam – Viện trưởng Viện Phát triển Văn hóa Dân tộc cho biết: "Diễn đàn được tổ chức nhằm xác định vai trò quan trọng của di sản văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt sau khi được UNESCO ghi danh tại danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và triển khai thực hiện những cam kết mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký với UNESCO về chương trình và hành động bảo vệ phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt sau khi được vinh danh.
Đồng thời, nâng cao nhận thức và ý thức trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Hoạt động này đã và đang trở nên khá phổ biến trong các dịp lễ tết tại các phủ thờ mẫu thuộc nhiều tỉnh thành thuộc châu thổ Bắc Bộ và lan đến nhiều địa phương khác thuộc Trung Bộ và Nam Bộ, thậm chí ở một số nước trên thế giới".
Ngoài ra, Diễn đàn còn nhằm mục đích tìm kiếm và khai thác thêm trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam nhằm đưa ra được các giải pháp tối ưu nhất để ứng dụng trong thực tiễn. Thông qua các hình thức phối kết hợp giữa đội ngũ các nhà khoa học với các cán bộ quản lý nhà nước về mặt văn hóa và các thế hệ chủ thể văn hóa để góp phần củng cố, định hướng và nâng cao ý thức cộng đồng cũng như nhận thức của các nhà quản lý về giá trị của di sản văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, từ đó đa dạng hóa các biện pháp khẳng định và tôn vinh giá trị của di sản văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, làm cho di sản đó luôn tỏa sáng trong tâm hồn người Việt nói riêng và của nhân loại nói chung.
Tại Diễn đàn, các giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành quản lý văn hóa và văn hóa dân gian; đại diện các đồng thầy, thanh đồng và các thành viên quản lý trực tiếp tại các di tích tín ngưỡng thờ Mẫu tại các địa phương đã trình bày các tham luận về các thực trạng, vai trò quan trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Đồng thời, đưa ra những giải pháp về bảo vệ và phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Thông qua Diễn đàn đã góp phần làm sáng rõ thêm vai trò của các cá nhân và cộng đồng trong hoạt động đóng góp công sức, trí tuệ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; nghiên cứu đánh giá cơ chế, chính sách quản lý di sản cũng như thực trạng thực hành tín ngưỡng nhằm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản, đồng thời ngăn ngừa, loại bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan, thương mại hóa di sản văn hóa và xử lý các hành vi lợi dụng di sản để trục lợi, làm sai lệch di sản gây tác động tiêu cực tới đời sống cộng đồng nói chung, trong điều kiện phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay./.