Tìm hiểu về vấn đề giáo dục và bồi dưỡng Thanh thiếu niên trong tư tưởng Hồ Chí Minh
08/04/2019 | 15:45Hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, khắp cả nước, các ngành, các địa phương đang triển khai nhiều hoạt động khác nhau. Càng dành nhiều thời gian tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách, chúng ta càng thấy có bao điều để học và suy ngẫm. Trong bài viết nhỏ này, chúng tôi muốn đề cập đến một vấn đề đã được Bác quan tâm và lưu ý trong di chúc: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết".
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc chăm lo, giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Bác xác định con người nói chung và học sinh, sinh viên nói riêng là nhân tố hàng đầu, nhân tố quyết định vận mệnh của đất nước. Vì thế, việc rèn chí, luyện tài, hình thành nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ được Người đặc biệt quan tâm. Dù ở bất cứ cương vị nào, một thày giáo bình thường, một người tham gia hoạt động cách mạng hay là người giữ vị trí tối cao của Đảng và Nhà nước, vấn đề bồi dưỡng thế hệ trẻ luôn được Người đặt lên hàng đầu.
Ngay từ những tháng năm trong hành trình tìm đường cứu nước, Bác đã chú trọng đến việc thức tỉnh, vận động và giáo dục thanh niên. Năm 1925, trong bài Gửi thanh niên An Nam, Người đã nhắc nhở: "Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất khi đám thanh niên già cỗi của người không sớm hồi sinh". Với Bác, thanh niên là lực lượng nòng cốt, có lòng nhiệt thành yêu nước và sẵn sàng hy sinh cho cách mạng. Và cũng chính vì lẽ đó, Người đã chọn thanh niên làm đối tượng, lực lượng quan trong cho việc sáng lập tổ chức "Việt Nam Thanh niên Cách mạnh đồng chí hội" (tháng 6 năm 1925), tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ, ngay tại thời điểm đó, để tăng cường "hạt giống" cho phong trào cách mạng Việt Nam, Người đã gửi những thanh niên Việt Nam đi đào tạo ở trường Quân sự Hoàng Phố, Đại học phương Đông Mátxcơva, trường Không quân Mátxcơva… Nhưng số lượng cán bộ gửi ra nước ngoài có hạn và không thể đáp ứng được nhu cầu. Vì thế việc đào tạo tại chỗ cần phải tiến hành. Muốn vậy phải có tài liệu sách vở. Thực tế lúc bấy giờ Việt Nam rất thiếu những tài liệu cần thiết để tuyên truyền giác ngộ cách mạng và phổ biến lí luận cách mạng. Đứng trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngần ngại gửi nhiều bức thư khác nhau cho các tổ chức quốc tế và một số cá nhân để xin sự giúp đỡ về tài liệu.
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, sự quan tâm của Bác dành cho thế hệ trẻ càng trở nên sâu sắc và toàn diện hơn. Người xác định: Nhiệm vụ thật sự xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa chính là của thanh niên và: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên". Trong cuộc đời, Bác Hồ đã viết nhiều bức thư gửi cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và những người làm công tác giáo dục. Ngay trong Tết độc lập đầu tiên, Người đã viết thư gửi cho thanh niên và nhi đồng toàn quốc, Bác xác định: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội…". Đối với học sinh, sinh viên Người xác định nhiệm vụ đầu tiên là học, học tốt và học giỏi, học để thành người hữu ích xây dựng xã hội, kiến thiết đất nước.
Tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bác bày tỏ tấm lòng "lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang" và Người đã khẳng định: "Nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".
Nội dung giáo dục thế hệ trẻ đã được Người chỉ rõ trong bức thư "Gửi các em học sinh" được đăng trên Báo Nhân dân ngày 24 tháng 10 năm 1955: "Đối với các em, việc giáo dục gồm có:
- Thể dục: để làm cho thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.
- Trí dục: ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.
- Mỹ dục: để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.
- Đức dục: là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công (5 cái yêu)."
Người đã ân cần chỉ dạy các em về những điều cần tu dưỡng: "Các em cần rèn luyện cái đức tính thành thật và dũng cảm. Ở trường, thì kính thầy, yêu bạn, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Ở nhà, thì yêu kính và giúp đỡ cha mẹ. Ở xã hội, thì tùy sức mình mà tham gia những việc có ích lợi chung." [Báo Nhân dân ngày 24 tháng 10 năm 1955]
Không chỉ nêu ra những định hướng chung, Bác còn xác định tính đặc thù trong phương thức dạy và học đối với từng trình độ đào tạo và từng cấp học. Giáo dục chỉ có thể đạt hiệu quả cần gắn với tâm sinh lý của học sinh và yêu cầu của từng cấp học. Về đặc thù của mỗi cấp học, Bác đã chỉ bảo rất cụ thể "mỗi một cấp giáo dục cần nhận rõ nhiệm vụ của mình trong lúc này:
- Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.
- Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.
- Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các các cháu".
[Thư gửi giáo viên, học sinh cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31 tháng 10 năm 1955 đăng trên Báo Nhân Dân ngày 3 tháng 11 năm 1955]
Riêng với giáo viên mẫu giáo, Bác đã nhắn nhủ: "Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thế thì trước hết phải yêu trẻ. Các cháu nhỏ hay quấy, phải bền bỉ, chịu khó mới nuôi dạy được các cháu. Dạy trẻ cũng như trồng cây non. Trồng cây non được tốt thì sau này cây lên tốt. Dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt".
[Lời căn dặn giáo viên mẫu giáo Báo Nhân Dân ngày 23 tháng 9 năm 1959]
Giữa những tháng năm cả nước đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tìm đọc và suy ngẫm những lời dạy của Bác về giáo dục, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, chúng ta càng thêm thấm thía. Thực hiện lời dạy: "Giáo dục thanh thiếu niên là việc CHUNG của gia đình, trường học và xã hội", mỗi người trong chúng ta thêm ý thức về trách nhiệm của mình. Hơn bao giờ hết, những người có trọng trách trong xã hội, những bậc làm cha, làm mẹ và những người làm công tác giáo dục cần thấm nhuần những lời dạy của Bác để tích cực góp phần hình thành những chủ tương lai của đất nước vừa "hồng" vừa "chuyên" như Bác Hồ kính yêu của chúng ta hằng mong muốn.