Tìm giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội
19/09/2018 | 14:42Sáng 19/9, tại Bảo tàng Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội”.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội"
Hội thảo với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đại diện cho các cơ quan Trung ương, Thành phố Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực bảo tồn di sản với cách tiếp cận khác nhau đã cùng phân tích, khẳng định những giá trị to lớn, tiềm ẩn trong các di tích lịch sử, văn hóa của thủ đô; nhìn nhận một cách khách quan, khoa học thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn thành phố, từ đó nêu lên những giải pháp thiết thực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của thành phố nghìn năm văn hiến một cách bền vững.
Phải nhìn nhận một thực tế rằng Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Thành phố hiện có 5.922 di tích với đầy đủ 4 loại được quy định trong Luật Di sản Văn hóa (2001), Luật bổ sung và sửa đổi một số điều của Luật Di sản Văn hóa (2009) bao gồm các di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ học và danh lam thắng cảnh. Trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn đã được thành phố hết sức quan tâm và đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, phải nhìn nhận công tác này vẫn còn nhiều hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân gây nên những sự việc đau lòng vừa qua như trường hợp tại đình Lương Xá, khu khảo cổ học Vườn Chuối…
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa –Thể thao Hà Nội phát biểu tại Hội thảo
Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa –Thể thao Hà Nội, hiện nay, số lượng di tích trên địa bàn thành phố rất đồ sộ nhưng nhiều di tích chưa được lập hồ sơ xếp hạng, chưa có quy hoạch bảo tồn tổng thể. Hiện thành phố có 220 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 507 di tích xuống cấp nặng, 901 di tích xuống cấp trung bình, đặc biệt có tới 166 di tích bị vi phạm. Trong khi đó, nguồn vồn đầu tư cho hoạt động tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích chưa đáp ứng được yêu cầu.
Vậy phải làm thế nào để bảo tồn và phát huy những giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội? Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đều cho rằng cần phải bảo tồn các di tích lịch sử có chọn lọc với hình thức và phương pháp phù hợp tương xứng với giá trị và điều kiện cụ thể. Điều đó có nghĩa, phải bảo tồn cho được những gì được coi là “biểu tượng văn hóa” đặc trưng nhất cho các giai đoạn phát triển của Thủ đô Hà Nội.Bởi đó mới chính là hồn cốt tạo nên văn hóa Hà Nội. Chỉ như vậy câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển mới thực sự được giải quyết./.
Gia Linh