Tiếp sức cho du lịch Tiền Giang
22/02/2022 | 16:15Đại dịch Covid-19 là thách thức rất lớn và chưa có tiền lệ đối với ngành Du lịch của tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung. Thời điểm hậu Covid-19, xu hướng du lịch cũng có sự thay đổi lớn đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch phải thay đổi để bắt nhịp và phục hồi.
Tín hiệu tích cực
Dịp Tết Nguyên đán năm 2022 là thời điểm đánh dấu sự khởi sắc trở lại của hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Lượng khách đến các điểm du lịch tăng cao so với ngày thường, đặc biệt là tâm lý của người dân đã tự tin hơn khi đi du lịch cho thấy những chuyển biến tích cực.
Công ty Truyền thông du lịch Nam Á Châu là đơn vị có hơn 10 năm kinh nghiệm trong việc đưa khách du lịch từ TP. Hồ Chí Minh về tỉnh Tiền Giang. Theo ông Nguyễn Đức Minh Trí, Giám đốc Công ty, hiện nay, đa phần lượng khách đi tour trong nước với quy mô nhỏ, gia đình. Dịp Tết Nguyên đán, số lượng khách đi miền Tây khá đông. Hiện đối với các tour du lịch miền Tây, trong đó có tỉnh Tiền Giang, Công ty đã khởi động trở lại và đưa đoàn đi hàng ngày.
Hiện nay, phần lớn khách du lịch đến tỉnh chủ yếu từ TP. Hồ Chí Minh. Do đó, việc các tour, tuyến du lịch từ TP. Hồ Chí Minh đến tỉnh Tiền Giang được kết nối trở lại giúp cho hoạt động du lịch ở tỉnh từng bước phục hồi. Theo ông Huỳnh Hữu Phước, Chủ điểm du lịch Công đoàn Thới Sơn (xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho), dịp Tết Nguyên đán năm 2022, nhiều người dân ở một số tỉnh đã đến cơ sở để tham quan. Bước đầu, dù số lượng khách đi du lịch cũng còn ít, mỗi đoàn khoảng dưới 20 người chứ không đông như trước, nhưng tăng cao so với ngày thường.
Ngoài các điểm du lịch tại TP. Mỹ Tho, các cơ sở du lịch khác trên địa bàn cũng từng bước khởi sắc trở lại. Bà Nguyễn Ngọc Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Xuân Ron Chợ Gạo cho biết, sau khi dịch bệnh được kiểm soát, Công ty đã có kế hoạch thu hút khách du lịch. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, những người nước ngoài sống tại Việt Nam đã đến cơ sở để tham quan, tìm hiểu về văn hóa Tết cổ truyền của người Việt. Đến thời điểm này, tình hình dịch Covid-19 đã dần ổn, điểm du lịch của Công ty đã quảng bá hình ảnh trên mạng xã hội Facebook và thông qua những khách từng đến đây. Trước đây, Công ty đón các đoàn khách đông, nhưng thời gian gần đây, đa số là đón khách gia đình và nhóm nhỏ. Hiện DN đã làm việc với các nhóm khách gia đình cuối tuần, khách đoàn trường học, doanh nghiệp và khách tour; đồng thời, phối hợp với tour du lịch để đưa khách đến. Dự kiến dịp nghỉ Lễ 30/4 và 01/5 sắp tới, Công ty sẽ có những đoàn khách quy mô đông hơn.
Cần thay đổi
Theo đánh giá của ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Nhật, hiện ngành Du lịch đã khởi sắc trở lại. Tình hình dịch bệnh đã ổn nên người dân đã tự tin để đi các tour du lịch trong thời gian này. Tuy nhiên, một trong những vấn đề mấu chốt hiện nay là đội ngũ phục vụ du lịch phải tạo cho khách lòng tin để họ tìm đến. Sau đại dịch, hoạt động du lịch xem như phải làm lại từ đầu, phải thay đổi rất nhiều. Cái cốt lõi thì vẫn giữ lại, nhưng phải thay đổi trong cách phục vụ và làm cho du khách có được cảm giác an toàn. Các DN phải có sự phân khúc khách hàng, tạo các không gian mở.
Thời gian tới, Công ty sẽ tìm cách để giữ khách lưu trú lại Tiền Giang vào ban đêm. Công ty rất mong Nhà nước hỗ trợ để có những cơ sở hạ tầng nhằm giữ chân khách vào ban đêm. Riêng đối với Công ty sẽ tổ chức các chiếc du thuyền chạy trên sông Tiền phục vụ khách vào ban đêm với các dịch vụ như: Ăn trái cây, nghe đờn ca tài tử... Nếu tình hình khởi sắc, Công ty sẽ phối hợp với Cảng du thuyền Mỹ Tho tổ chức du thuyền chạy trên sông Tiền phục vụ ăn uống.
Thực tế cho thấy, qua mùa dịch, cơ sở vật chất của một số điểm du lịch bị xuống cấp, hư hỏng. Một số điểm đã sửa chữa nâng cấp, nhưng có một số không tiếp tục đầu tư sửa chữa do lượng khách không nhiều, không có kinh phí để tái đầu tư. Đó là một trong những hạn chế trong việc đầu tư khôi phục du lịch hiện nay. Do đó, để hoạt động du lịch nhanh chóng phục hồi, ngoài sự thay đổi, nắm bắt xu hướng của các DN cần có sự tiếp sức của các ngành chức năng về nhiều mặt.
Theo ông Nguyễn Đức Đảm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), thực hiện kế hoạch phục hồi du lịch của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Sở đã triển khai đến các DN để phối hợp thực hiện. Trong đó, các giải pháp cũng đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Thứ nhất, công tác đảm bảo cho việc tái hoạt động của các điểm tham quan, du lịch phải hướng đến sự an toàn. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, Sở VHTTDL đã đi kiểm tra, hỗ trợ các DN, nhất là các điểm du lịch trong việc trang trí, chỉnh sửa lại. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục có những hỗ trợ cụ thể cho các DN. Mặt khác, Sở VHTTDL sẽ tập trung hoàn thiện, nâng chất các điểm du lịch, đẩy mạnh khai thác các tour du lịch hiện có và khai thác các tour mới.
Bộ VHTTDL sẽ trình Chính phủ để mở cửa toàn bộ du lịch từ đầu tháng 3/2022. Dự kiến một số địa phương sẽ được đón khách quốc tế. Do đó, trong kế hoạch của tỉnh, dự kiến, tuyến tàu du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh đi Campuchia sẽ được mở lại vào đầu tháng 6/2022. Tuyến tàu này có đi qua Cảng du thuyền Mỹ Tho. Trước khi đại dịch xảy ra, Cảng du thuyền Mỹ Tho đã đón rất nhiều khách du lịch quốc tế. Hiện Sở VHTTDL đã bàn với các cơ quan để tổ chức các tour tham quan các điểm du lịch tại TP. Mỹ Tho như: Chùa Vĩnh Tràng, Nhà Bạch Công Tử, cù lao Thới Sơn… khi tuyến tàu du lịch quốc tế này hoạt động trở lại. Ngoài ra, để hoạt động du lịch nhanh chóng phục hồi, Sở VHTTDL sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch. Cụ thể, đơn vị sẽ phối hợp với TP. Hồ Chí Minh để khảo sát các điểm du lịch từ đó có kết nối đưa khách về tỉnh Tiền Giang.