Tiền Giang: Quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp
26/06/2023 | 16:07Theo ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, địa phương đang quan tâm xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của một tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp gắn liền với các hoạt động như: tham quan ngắm cảnh nông thôn, homestay, tham quan làng nghề truyền thống, trải nghiệm văn hóa và cuộc sống của người dân nông thôn…
Tỉnh Tiền Giang hiện có 16 điểm du lịch chính, sử dụng hàng ngàn lao động, chủ yếu là lao động nông thôn. Những mô hình du lịch cộng đồng ở nông thôn Tiền Giang hoạt động hiệu quả, đáp ứng nhu cầu tham quan và trải nghiệm của khách du lịch. Trong 5 tháng đầu năm 2023, lượt khách du lịch đến Tiền Giang là 479 ngàn lượt khách, đạt 38,3% kế hoạch và tăng 1,2% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế là 38 ngàn lượt khách, đạt 15,4% kế hoạch, tăng 5,3% so cùng kỳ năm 2022.
Mô hình du lịch nông nghiệp ở Tiền Giang không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực mà còn giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, tăng thu nhập, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Người dân chủ động tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch nông thôn như xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn để hình thành các tuyến đường nông thôn, vừa phục vụ nhu cầu đi lại của dân cư địa phương, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan vườn cây ăn trái.
Một trong những minh chứng sinh động cho việc đầu tư và khai thác hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp là người dân ở cù lao Tân Phong (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đã xây dựng và khai thác tốt sản phẩm du lịch mang đậm nét đặc trưng vùng cây ăn trái, với hơn 1.300 ha vườn trồng cây ăn trái đặc sản. Điển hình như Điểm du lịch Mekong Rustic Sáu Vân, có diện tích gần 10 ha với 15 phòng nghỉ đạt chuẩn cho khách có nhu cầu ở qua đêm và có cơ hội tham gia vào các hoạt động sinh hoạt của người dân sông nước miệt vườn.
Hay ở cù lao Thới Sơn (thuộc ấp Thới Hòa, xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) là điển hình về phát triển dịch vụ du lịch nông nghiệp. Trước đây, người dân cù lao Thới Sơn chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt và nuôi thủy sản, cùng với trồng cây ăn trái luân canh, về sau, người dân đã phát triển thêm nghề nuôi ong lấy mật, một số hộ còn làm kẹo dừa, mứt, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách đến du lịch Tiền Giang tham quan, tìm hiểu. Sau đó, loại hình du lịch này tiếp tục phát triển ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang như: Xã Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè), xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông), xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước)... và một số địa phương khác.
Theo ông Võ Phạm Tân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp hiệu quả và bền vững, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp ở những vùng có nhiều tiềm năng, đồng thời tăng cường công tác quản lý để tránh tình trạng để người dân hoạt động tự phát, chạy theo phong trào. Đối với nông dân làm du lịch cần cải tạo, chỉnh trang cơ sở vật chất phục vụ du lịch, giữ gìn cảnh quan môi trường; có thái độ ứng xử thân thiện, văn minh, mến khách, tôn trọng và hỗ trợ khách du lịch trong quá trình tham quan du lịch tại địa phương…
Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cần xây dựng tour, tuyến để khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp; phát triển sản phẩm du lịch thân thiện với môi trường nông thôn; quan tâm đến quyền lợi nông dân, cùng chia sẻ hài hòa lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp và nông dân; tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia phát triển du lịch ở địa phương, góp phần giải quyết khó khăn, giảm nghèo, bảo tồn môi trường văn hóa, tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội.