Tin tức và Sự kiện

Cỡ chữ
A A
Từ viết tắt Đọc bài viết
× Đọc bài viết Tạm dừng Đọc tiếp Dừng đọc Đang tải...
Vui lòng chờ giây lát
× Bài viết không có file audio
Tương phản

Tiền Giang: Phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng

25/05/2023 | 14:15

Hoạt động văn hóa, văn nghệ (VHVN) được xem là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong đời sống thường ngày. Thời gian qua, được sự quan tâm, đầu tư của các ngành, các cấp, phong trào VHVN quần chúng ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, từ đó góp phần thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Tiền Giang là địa phương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và chứa đựng đa dạng, phong phú các loại hình văn hóa và được xem là mảnh đất phát triển phong trào đờn ca tài tử, là cái nôi của sân khấu cải lương ở Nam bộ. Chính sự đa dạng, phong phú của các loại hình văn hóa, nghệ thuật, đã tạo tiền đề vững chắc cho phát triển và lan tỏa phong trào VHVN.

Tiền Giang: Phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng - Ảnh 1.

Xã Hậu Thành, huyện Cái Bè tổ chức Chương trình Biểu diễn văn nghệ.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhiều năm qua, tỉnh đã quan tâm gầy dựng, phát triển phong trào VHVN quần chúng. Ngoài việc sưu tầm các điệu lý, bài hò, ca dao, tục ngữ…, các ấp, khu phố, xã, phường, thị trấn đều thành lập các đội văn nghệ quần chúng (VNQC) không dưới 10 thành viên làm nòng cốt, phục vụ phong trào VHVN của địa phương. Các liên hoan, hội diễn, hội thi VNQC được tổ chức định kỳ hằng năm đã góp phần quan trọng vào sự phát triển văn hóa, xã hội, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Để phát triển phong trào VHVN quần chúng, tỉnh Tiền Giang đã triển khai Đề án 3488 của UBND tỉnh về “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, nhà văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”. Qua đây, các Trung tâm Văn hóa - Thể thao, nhà văn hóa xã, phường, thị trấn đã tổ chức nhiều loại hình hoạt động VHVN như: Giao lưu đờn ca tài tử, VNQC, văn nghệ thiếu nhi, sinh hoạt các câu lạc bộ sở thích.

Những năm gần đây, TX. Gò Công được biết đến là một trong những địa phương có phong trào VNQC phát triển rộng khắp với nhiều nhân tố tích cực. Hằng năm, ngoài việc biểu diễn văn nghệ phục vụ các sự kiện chính trị, các ngày lễ, kỷ niệm của đất nước và địa phương, thị xã còn thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động như: Hội diễn Văn nghệ; Liên hoan Khiêu vũ; Liên hoan các Câu lạc bộ “Hát với nhau”, đờn ca tài tử”, ca khúc cách mạng…

Những hoạt động, phong trào này không chỉ làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân, mà còn giúp các địa phương của thị xã thực hiện hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân.

Còn tại TP. Mỹ Tho, đối với cấp thành phố có một đội VNQC. Và tại các xã, phường luôn duy trì hoạt động đội VNQC làm nòng cốt có từ 8 đến 15 thành viên. Để phát triển phong trào VNQC, hằng năm thành phố đã xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động VHVN như: Liên hoan, hội thi, hội diễn cấp cơ sở, cấp thành phố nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của cả nước và địa phương, dịp Tết cổ truyền… Từ đó, góp phần tuyên truyền, vận động người dân chung tay xây dựng TP. Mỹ Tho giàu đẹp, văn minh.

Tiền Giang: Phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng - Ảnh 2.

Liên hoan Văn nghệ quần chúng diễn ra ở xã Hậu Thành, huyện Cái Bè.

Ngoài ra, những năm gần đây, phong trào VHVN quần chúng của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, trường học cũng nở rộ, với nhiều hội diễn, hội thi, liên hoan được tổ chức hằng năm như: Hội thi “Tiếng hát công nhân, viên chức, lao động” do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức; Hội diễn văn nghệ “Mừng Đảng, mừng Xuân” của ngành Giáo dục và Đào tạo; Liên hoan VNQC Lực lượng vũ trang; Hội diễn Nghệ thuật quần chúng của ngành Công an…

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động VNQC tại cơ sở phải đối mặt với một số khó khăn nhất định, trong đó khó khăn lớn mà nhiều địa phương của tỉnh đang gặp phải là nguồn kinh phí hiện nay để phát triển phong trào VHVN còn hạn hẹp, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, lạc hậu. Bên cạnh đó, hoạt động VNQC ở một số nơi chưa được quan tâm, nội dung, kịch bản kém chất lượng, chỉ mang tính hình thức, ít thu hút người xem.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để nâng cao chất lượng các hoạt động phong trào VNQC, trước hết cần tăng cường công tác lãnh đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác VHVN ở các địa phương, thực hiện hiệu quả các nội dung, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác VHVN. Bên cạnh đó, các cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích, xây dựng cơ chế hoạt động nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế các câu lạc bộ, đội nhóm VHVN. Đồng thời, tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả Đề án 3488 của UBND tỉnh về “Nâng cao hiệu quả hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao, nhà văn hóa xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” về cơ sở.

Có thể thấy, việc phát triển phong trào VHVN quần chúng trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, nhằm góp phần lan tỏa các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến địa phương cần có sự quan tâm, đề ra các giải pháp phát triển, để phong trào VHVN thật sự có được chỗ đứng vững chắc và thật sự là “món ăn tinh thần” trong đời sống nhân dân.

Theo Báo Ấp Bắc

Bộ văn hóa, thể thao và du lịch
×